Đưa 'giấc mơ sen' ở làng Sen đi xa hơn
Những năm gần đây, nhờ giá trị kinh tế từ cây sen mang lại mà bộ mặt nông thôn ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã có nhiều đổi thay. Đóng góp chung vào thành công đó, không thể không nhắc tới HTX Sen quê Bác khi giúp nâng tầm thương hiệu cây sen xứ Nghệ, khẳng định vị thế các sản phẩm từ sen trên thị trường cả nước.
Những ngày đầu tháng 9 này, chúng tôi có dịp về thăm quê Bác ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Con đường quanh co dẫn vào nhà Bác được trải nhựa như một dải lụa, tô thêm vẻ đẹp hiền hòa của vùng quê xứ Nghệ. Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng nhất là dù đã sang tháng 9 nhưng nhiều đầm sen ở đây vẫn nở hoa, tỏa hương thơm dễ chịu cho du khách...
Gặp người luôn dành tình yêu đặc biệt với hoa sen
Về quê Bác hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy là bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, ngày càng nhiều gia đình ở Làng Sen, chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng sen, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM kiểu mẫu nhằm tạo cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của quê Bác...
Đến đầu xã, hỏi thăm HTX Sen quê Bác (xóm Liên Mậu 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) ai cũng biết, đây được xem là một trong những mô hình điểm về KTTT, HTX đã tận dụng tốt thế mạnh của cây sen địa phương, không chỉ giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân mà còn giữ gìn vẻ đẹp thuần khiết, và nhiều giá trị lịch sử đối với mảnh đất và con người nơi đây.
Mô hình làm kinh tế từ sen là thành quả đầu tư nghiên cứu, thực hiện suốt 10 năm qua của anh Phạm Kim Tiến - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sen quê Bác và cũng là một người con của xứ Nghệ. Anh kể “Bản thân tôi đã có cơ hội được học chuyên sâu, thạc sĩ bảo vệ thực vật, được làm việc và gắn bó nhiều năm với lĩnh vực nông nghiệp. Nhận thấy sen là một đặc sản thế mạnh, nổi tiếng của xã Kim Liên, được cả nước biết đến là quê hương của Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Vì vậy, tôi đã nung nấu hoài bão có thể làm giàu trên quê hương từ chính những sản phẩm từ loài hoa sen”.
Nhưng để hương sen quê Bác thực sự lan tỏa và giúp cho nhiều người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn từ nghề làm sen phải kể từ khi anh Tiến thành lập HTX vào đầu năm 2019. Anh cho biết, ban đầu khi mới thành lập, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX đã tập hợp được 7 thành viên. Ngay từ khi thành lập, HTX Sen quê Bác đã xác định sứ mệnh của đơn vị là tập trung vào sản xuất, trồng, chăm sóc và bảo tồn các giống sen quý. Đồng thời, tạo ra thêm các giống sen có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất trên nhiều vùng đất khác nhau. Cùng với đó là chế biến sâu các sản phẩm, dịch vụ từ cây sen được trồng trên quê hương của Bác Hồ.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan xưởng sản xuất, chỉ tay về phía những sản phẩm OCOP từ cây sen, anh Tiến nói, sen là một trong những loài cây có thể mang lại cả giá trị tinh thần lẫn giá trị vật chất, giúp HTX phát huy tối đa những thế mạnh của mô hình kinh tế tập thể và ngày càng phát triển, đi lên. "Năm vừa qua, doanh thu của HTX đạt khoảng 16 tỷ đồng, chủ yếu từ 3 hoạt động chính đem lại là cung cấp giống sen, tiêu thụ những sản phẩm chế biến sâu từ sen và khai thác du lịch canh nông", anh Tiến khoe.
Nhưng có lẽ, điều mà anh Tiến và các thành viên nơi đây tự hào nhất là đã góp phần quảng bá cho sự phát triển kinh tế của quê hương Bác, đặc biệt lại làm giàu từ chính loài hoa thuần khiết, mang đậm đặc trưng của quê Bác.
Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX Sen quê Bác có 17 thành viên, đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động thường xuyên tại cơ sở cùng nhiều lao động thời vụ. Qua đó, đảm bảo mức lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, góp phần giúp đời sống bà con thôn quê ổn định, ấm no hơn trước kia.
Điều đặc biệt, phần lớn các thành viên và người lao động của HTX đều là người con quê hương Nam Đàn, bởi vậy với họ đây không chỉ đơn thuần là người làm công ăn lương bình thường mà dường như họ còn mang trọng trách gửi gắm tình cảm của quê Bác vào từng sản phẩm, góp phần đưa hương sen quê Bác bay xa tới mọi miền Tổ quốc.
Nói với VnBusiness, anh Chu Văn Quân, thành viên HTX Sen quê Bác phấn khởi cho biết: “Tôi thấy trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa. Các sản phẩm từ sen của HTX khi tiêu thụ ở cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước đều được người tiêu dùng đón nhận tích cực”.
Đưa hoa sen thành những sản phẩm kinh tế có giá trị
Anh Tiến nói rằng, nếu như trước đây, ở làng Sen, hoa sen chỉ nở rộ vào tầm tháng 5 - 7 thì nay có nhiều giống mới có thể khoe sắc tới tháng 9, tháng 11. HTX đã thành công với sứ mệnh trồng, chăm sóc, cung ứng nhiều giống sen quý cho các vùng lân cận và nhiều nơi khác trên cả nước.
"Trong nhiều năm qua, HTX đã liên kết, thu mua sản phẩm cho nhiều hộ nông dân ở huyện Nam Đàn và một số huyện khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân địa phương", anh Tiến cho biết.
Hiện nay, HTX đã cho ra mắt nhiều sản phẩm sản xuất hoàn toàn từ cây sen và được người tiêu dùng trên thị trường nhiệt tình đón nhận, thu về những kết quả khả quan trong kinh doanh.
Ngoài trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen, HTX còn chế biến sâu các sản phẩm về sen, ngoại trừ phần thân, những bộ phận còn lại trên cây sen đều được tận dụng triệt để sản xuất trà gồm: trà sen (trà ướp hoa sen, trà lá sen, Trà Liên Tu, Trà Bạch Liên Nữ Vương...); nhóm sản phẩm từ hạt (hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen; kim chi sen, củ sen muối; làm hương thắp từ sen...). Trong đó, có 7 sản phẩm đạt OCOP của huyện Nam Đàn, có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà ướp bông sen. Ngoài ra, HTX còn cho sản xuất và phân phối nhiều sản phẩm đa dạng khác như: rượu Sen Tuyết, gạo lứt Làng Sen, tinh bột củ sen, hạt sen sấy, mứt sen, bánh cà hạt sen,...
"HTX Sen quê Bác vinh dự là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhất của tỉnh Nghệ An, với 11/15 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao hoặc 4 sao. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế tập thể", anh Tiến nói.
Tận dụng ưu thế sẵn có cùng sự nhạy bén với thị trường, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của HTX đang được tích cực thực hiện qua nhiều kênh. Những đầm sen tại quê hương giờ đây vừa mang lại giá trị kinh tế vừa thu hút phát triển du lịch. Trong hơn 100 giống sen trồng thử nghiệm khác nhau, có nhiều giống có bông hoa đẹp, ấn tượng như: Sen ngàn cánh, sen đỏ Bắc Kinh, sen Super lotus ... Những loại sen này chủ yếu thu hoạch hoa và có đầu ra ổn định. Với cách thức bán hàng truyền thống, HTX có hệ thống các đại lý ở nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước. Ngoài ra, với ưu thế là đơn vị sản xuất ngay trên chính quê Bác, hàng năm có rất nhiều đoàn du khách từ cả trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch cũng giúp HTX gia tăng tiêu thụ.
Song song với đó, theo xu thế mới, HTX cũng đang cố gắng đẩy mạnh hoạt động marketing để nhập cuộc thị trường online. Sản phẩm của HTX Sen quê Bác đã có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok Shop,... Tuy nhiên, đây cũng là điều mà anh Tiến trăn trở và HTX đang cố gắng thích ứng để vượt qua.
“Từ trước đến giờ, các HTX chủ yếu vẫn hoạt động trên thị trường theo cách thức truyền thống. Do đó, chúng tôi cũng đang nỗ lực từng ngày để học tập, trau dồi thêm những kiến thức mới, có vậy mới có thể đưa HTX ngày một phát triển và trở nên mới mẻ hơn” anh Tiến nói.
Vì thế, anh Tiến và ban lãnh đạo HTX mong muốn trong thời gian tới được các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền quan tâm và hỗ trợ thêm cho HTX trên hành trình này. Để trang bị kiến thức cho các thành viên, HTX đã tổ chức nhiều buổi tập huấn với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thương mại điện tử để nhanh chóng “bắt nhịp” với những xu hướng tiêu dùng mới.
“Trước mắt, HTX đang kết nối với nhiều KOC - những người có tầm ảnh hưởng trên các nền tảng thương mại điện tử. Chúng tôi để họ cùng bạn bè, người thân cùng đến trải nghiệm đầm sen, thu hoạch sen và tham gia sản xuất sản phẩm được làm từ sen. Từ đó, kéo thêm “traffic website”, tức gia tăng lượng truy cập và lượt xem nhằm lôi kéo sự chú ý của nhiều người tiêu dùng về các sản phẩm của HTX”, anh Tiến cho hay.
Ước mong đưa hương sen quê Bác “bay xa”
Một điểm sáng trên hành trình làm kinh tế tập thể của HTX Sen quê Bác là việc bên cạnh các hoạt động sản xuất gắn liền với cây sen xứ Nghệ thì đơn vị còn tập trung khai thác cả mảng du lịch canh nông.
Vào mùa sen, mỗi ngày đầm sen của HTX thu hút từ 5 - 7 đoàn khách. Nhiều chủ hộ, ruộng sen đã biết cách khai thác thêm loại hình dịch vụ như cho thuê trang phục và địa điểm chụp ảnh, tổ chức lớp học cắm hoa,... giúp mang lại nhiều giá trị kinh tế. HTX đang triển khai những hoạt động du lịch thú vị như "Một ngày làm nông dân". Tại đây, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cấy lúa, bắt cá, chăn trâu, thử làm và thưởng thức các món ăn từ sen...
Anh Chu Văn Quân chia sẻ: “Khi du khách được trải nghiệm trực tiếp, có sự am hiểu, thích thú hơn đối với hoa sen sẽ giúp kích thích nhu cầu mua sắm các sản phẩm từ sen, doanh số bán hàng theo đó cũng tăng lên đáng kể”.
Một điều nữa mà trong câu chuyện với chúng tôi, anh Tiến nhắc đi nhắc lại nhiều lần là việc làm sao mở rộng diện tích trồng sen, mở rộng quy mô sản xuất và sản phẩm để tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân. Ngoài ra, HTX còn mang trọng trách đưa hương sen quê Bác đi xa không chỉ trong nước mà con xuất khẩu ra nước ngoài. Bởi thế, để hiện thực hóa "giấc mơ" này, trước mắt, HTX Sen quê Bác đang có kế hoạch gia tăng diện tích trồng sen ở những vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các giống cây. Định vị vùng trồng đã được đơn vị quy hoạch từ cách đây 2 năm và đến giờ đang dần được thực hiện theo lộ trình bài bản.
Theo đó, HTX đang tích cực khuyến khích bà con quay trở lại canh tác sen trên những cánh đồng ở nơi sâu trũng, bị bỏ hoang hóa. Được biết trước kia, cuộc vận đồng “dồn điền, dồn thửa” đất lúa bạc màu, biến ao cá thành những hồ sen ở địa phương đã được người dân đồng tình ủng hộ. Lý do là bởi sen rất dễ trồng và cũng là loài hoa gắn liền với cuộc sống bà con từ bao đời nay. Hiệu quả kinh tế từ việc khai thác cây sen cũng cao hơn so với trồng lúa, nuôi cá, đồng thời tạo cảnh quan môi trường để kết hợp làm du lịch.
Hiện, diện tích canh tác trồng sen của HTX rộng khoảng 30ha, nếu tính thêm cả các hộ liên kết thì sẽ đạt khoảng 60ha. Các hộ tham gia liên kết trồng sen đều yên tâm sản xuất vì đã được HTX hỗ trợ thu mua sản phẩm, giúp bao tiêu đầu ra. Anh Tiến ví von, "cú “bắt tay” giữa HTX và những người nông dân đã tồn tại cả nửa thập niên và hoàn toàn được chính quyền, nhân dân ủng hộ".
“Quy mô sản xuất đang ngày càng được đẩy mạnh hơn. Về đường lối phát triển lâu dài, HTX có dự định sẽ định hướng hình thành nên nhiều tổ hợp tác khác nhau, trong đó, mỗi tổ hợp tác sẽ đảm nhiệm sản xuất một sản phẩm riêng biệt và có thể tạo thành một làng nghề, từ đó đưa hương sen ngày một đi xa. Đây cũng chính là mong ước, tâm huyết lớn nhất của bản thân tôi”, giám đốc Phạm Kim Tiến xúc động chia sẻ.
Nguyễn Hòa - Hà Trang