Đua giành 'miếng bánh' thịt mát 18 tỷ USD
Sức hấp dẫn của thị trường thịt mát tại Việt Nam với quy mô 18 tỷ USD khiến các thương hiệu trong, ngoài nước liên tục tăng tốc mở chuỗi cửa hàng, mở rộng phân phối qua kênh đại lý.
Cuộc đua giành miếng bánh thị phần đang ngày càng tăng thêm kịch tính.
Thị phần thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam (đơn vị: %).
Các đối thủ dồn dập gia nhập thị trường
17 năm có mặt trên thị trường, GreenFeed đã tạo dựng được vị thế nhất định mà bất cứ tên tuổi nào trong ngành thức ăn chăn nuôi cũng mơ ước, song vẫn đang nỗ lực tái định vị thương hiệu.
Năm 2019, GreenFeed có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trở thành tập đoàn tích hợp toàn chuỗi thực phẩm Feed - Farm - Food (chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn). Việc GreenFeed có tên trên thị trường thịt mát có quy mô giá trị ước tính 18 tỷ USD, với thương hiệu G Kitchen đã gây chú ý mạnh với các doanh nghiệp trong ngành và người tiêu dùng.
8 nhà máy hiện đại tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar được trang bị công nghệ sản xuất từ Mỹ và châu Âu đã đưa GreenFeed trở thành một trong 4 công ty thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam với doanh số trên 500 triệu USD, đứng trong top 100 công ty thức ăn chăn nuôi toàn cầu (theo Tạp chí Feed International).
Vậy nên, chỉ trong thời gian ngắn, G Kitchen đã tung ra thị trường hơn 100 sản phẩm thịt mát, đông lạnh và chế biến. Sản phẩm bán tại hơn 6.000 cửa hàng, hệ thống siêu thị và nhà phân phối tại TP.HCM, Hà Nội cùng các tỉnh lân cận. Không chỉ vậy, G Kitchen còn sở hữu kênh bán hàng trực tuyến với dịch vụ giao tận nơi những sản phẩm sạch, ngon trọn vẹn cho người tiêu dùng tại khu vực TP.HCM.
Động thái của GreenFeed không có gì lạ, khi cùng thời điểm này, các “tay chơi” trên thị trường cũng không bỏ lỡ cơ hội giành “miếng bánh” quá hấp dẫn. Thông qua công ty thành viên là Công ty cổ phần Masan MEATLife, Masan Group ôm tham vọng vượt qua các đối thủ nước ngoài đang nắm thị phần số 1 trên đất Việt như C.P Group.
Năm 2018, MEATLife đưa ra thị trường thịt lợn mát Meat Deli cùng lúc với việc khánh thành Tổ hợp MEAT Hà Nam, với giá thành cao hơn khoảng 15% so với thịt thông thường.
Hai năm sau, tổ hợp chế biến thịt thứ 2 MEATDeli Sài Gòn được ra đời. Với quy mô đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, diện tích 20 ha, công suất thiết kế 1,4 triệu con lợn/năm, tổ hợp này tạo thành mảnh ghép quan trọng trong chiến lược của Masan MEATLife để đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu người tiêu dùng phía Nam.
Thịt mát MEATDeli đang phục vụ hàng triệu người tiêu dùng, có mặt tại hơn 1.700 điểm bán, bao gồm hệ thống các siêu thị, cửa hàng MEATDeli và các đại lý nhượng quyền… Khi có mặt tại hệ thống VinMart, VinMart+, mục tiêu của MEATDeli là sẽ phục vụ gần 100 triệu người tiêu dùng trên toàn quốc. Đó là lý do để Masan MEATLife đặt mục tiêu trung hạn: các sản phẩm thịt có thương hiệu đóng góp 50% doanh thu của Công ty. Thậm chí, doanh nghiệp này còn có tham vọng thu về 1 tỷ USD từ thịt vào năm 2022.
Trên thị trường thịt và thức ăn chăn nuôi hiện nay, vị thế số 1 thuộc về C.P Group. Báo cáo của C.P cho thấy, doanh thu mảng chăn nuôi và chế biến thực phẩm (Farm & Food) của C.P Việt Nam đã tăng vọt lên 640 triệu USD trong 2 quý gần nhất cùng với nguồn thu từ thức ăn chăn nuôi (Feed) ổn định quanh mức 200 triệu USD/quý. Năm 2019, C.P Vietnam đạt doanh thu khoảng 64.500 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có thể thấy, dù doanh thu Farm & Food của C.P lên đến trên 2 tỷ USD/năm (bao gồm cả nguồn thu từ thịt lợn cũng như gia cầm, thủy sản…), thì ngành thịt vẫn còn rất phân mảnh và còn không ít cơ hội cho các doanh nghiệp khác, bởi quy mô của thị trường này lên đến 18 tỷ USD, theo đánh giá của Masan.
Cũng vì quá hấp dẫn, nên thị trường thịt và thức ăn chăn nuôi liên tục chứng kiến sự vào cuộc của hàng loạt “ông lớn”, gần đây nhất là Thaco với động thái đầu tư chiến lược vào Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG). Theo đó, Thadi - công ty con phụ trách mảng nông nghiệp của Thaco dự kiến thành lập một số liên doanh sản xuất lợn giống và thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, Thadi còn dự kiến đầu tư chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn EFSA với quy mô 1,2 triệu con/năm.
Trong khi đó, năm 2019, doanh thu mảng nông nghiệp (Hòa Phát Agri) của Tập đoàn Hòa Phát tăng 72% lên xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, đóng góp 12% tổng doanh thu toàn Tập đoàn, đứng thứ 2 chỉ sau mảng thép.
Về kết quả kinh doanh, từ quý I/2019 đến nay, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của Hòa Phát Agri đã vượt qua một doanh nghiệp lớn trong ngành là Dabaco Group. Trong quý I/2020, Hòa Phát Agri đạt 517 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 1,4 lần Dabaco và bằng 86% lợi nhuận của năm 2019.
Chạy đua giành thị phần
Mặc dù các tên tuổi trong nước đang rất nỗ lực để đánh chiếm thị trường bằng nhiều cách khác nhau, nhưng “cửa” để “vượt mặt” C.P Group chưa thực sự sáng.
C.P từ lâu đã dồn lực cho mảng Farm & Food, trong khi nguồn thu chủ yếu của Masan MEATLife vẫn đến từ thức ăn chăn nuôi. Doanh thu ngành thịt và chăn nuôi của Masan MEATLife mới chỉ đạt 453 tỷ đồng (gần 20 triệu USD) trong quý đầu năm 2020. Lợi nhuận của Masan MEATLife cũng không khả quan trong những quý gần đây, khi các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng rất tốt theo đà tăng của giá thịt lợn.
Masan không chỉ liên tục mở rộng thị trường thịt lợn mát, mà còn tham gia thị trường gia cầm khi đầu tư vốn vào Công ty 3F - Việt. Đây là doanh nghiệp nội địa thành lập năm 2014, nổi lên với vai trò đi đầu về các sản phẩm từ gia cầm như thịt gà mát đóng gói và các sản phẩm chế biến từ thịt gà.
Giới phân tích cho rằng, Masan MEATLife cũng phải đối mặt với những rủi ro như: tăng trưởng tiêu thụ thịt mát ở Việt Nam thấp hơn so với kỳ vọng; bệnh dịch trên lợn bùng phát trên diện rộng; tốc độ mở điểm bán mới của Masan Masan MEATLife thấp hơn kỳ vọng; giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính cao hơn so với dự kiến.
Nhưng không vì thế mà C.P Group chủ quan. Trái lại, doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục bành trướng. Quan sát có thể thấy, C.P là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành chăn nuôi Việt Nam với đàn lợn lớn nhất cả nước; hệ thống cơ sở chăn nuôi lớn nhất với sản lượng xuất chuồng khoảng 16.000 - 17.000 con lợn mỗi ngày. Không chỉ vậy, C.P còn đầu tư cho các hệ thống bán lẻ để phân phối thịt mát và các sản phẩm chế biến của mình qua các kênh như C.P Shop, Fresh Mart, C.P Pork Shop...
Đáng chú ý, theo hình thức bắt tay với các hộ kinh doanh, 700 cửa hàng của C.P đã xuất hiện trên cả nước theo kiểu “nhà bạn ở đâu, Pork Shop ở đó”. Trong khi đó, Porkshop.vn là trang thương mại điện tử chuyên phân phối thịt lợn sạch theo tiêu chuẩn quốc tế 3F từ chăn nuôi mang thương hiệu C.P. Porkshop.vn phát triển đa dạng từ hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ, website bán hàng online, được phát triển bởi Công ty DSF Việt Nam, dựa trên các thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Tổng giám đốc Công ty DSF Việt Nam cho hay, Porkshop.vn ra đời với mong muốn cung cấp một cách nhanh chóng nhất nguồn thịt lợn tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối đến những bữa ăn ngon cho mọi gia đình Việt.
Song với ông chủ sáng lập C.P Group - Dhanin Chearavanont, những thông tin và con số trên mới chỉ là một phần của bức tranh và có thể không truyền tải được rõ ràng bản chất của Công ty. Tại hầu hết các thị trường nơi thương hiệu này thâm nhập, người dân có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm của C.P ở những cửa hàng tiện lợi trên khắp nước. Thậm chí, C.P Group đã thay đổi bữa tối của họ. Tại Việt Nam, C.P Group cũng làm điều tương tự.
Liệu các doanh nghiệp trong nước sẽ thay đổi cục diện thị trường thịt ra sao? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Lượng tiêu thụ thịt ở Việt Nam đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Mức tiêu thụ thịt bình quân tăng từ 33 kg/người/năm trong năm 2009 lên tới hơn 40 kg/người/năm vào năm 2019.
Tăng trưởng dân số và mức thu nhập của người dân ngày càng tăng là những yếu tố khiến nhu cầu thịt gia súc sẽ ngày càng tăng mạnh, dự kiến đến năm 2023. Trong đó, tiêu thụ thịt lợn sẽ tiếp tục chiếm thị phần lớn, nhưng 90% sản lượng được tiêu thụ vẫn là thịt nóng, chế biến thô sơ, không an toàn, được nuôi bằng thức ăn có chứa thuốc tăng trọng, thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, thịt được bán tại chợ truyền thống trong điều kiện không vệ sinh và dễ bị lây nhiễm bệnh...
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dua-gianh-mieng-banh-thit-mat-18-ty-usd-d135180.html