Đưa giáo dục quyền con người vào bậc học mầm non
Giáo dục mầm non không chỉ là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em mà còn góp phần gieo mầm những giá trị nhân văn cao đẹp. Việc lồng ghép nội dung về quyền con người vào giáo dục từ sớm giúp trẻ nhận thức được giá trị bản thân, tôn trọng sự khác biệt, xây dựng tư duy công bằng ngay từ những năm tháng đầu đời.
Trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, cần bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, an toàn. Theo Phó Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Cù Thị Thủy, tích hợp nội dung giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non là việc đưa các quy định pháp luật về quyền con người vào hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ thông qua những phương pháp phù hợp tâm sinh lý và nhận thức của lứa tuổi đặc thù, nhằm bước đầu hình thành nhận thức, xây dựng thái độ và tạo lập các hành vi tôn trọng quyền con người ở trẻ mầm non.
Từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung về quyền con người, quyền trẻ em trong các hoạt động giáo dục gắn với giáo dục hành vi, quy tắc xã hội trong cuộc sống hằng ngày của trẻ. Trong nội dung giáo dục nhận thức, trẻ bước đầu đã được giáo dục về quyền được giáo dục, học tập, vui chơi, chia sẻ...
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cốt cán của 63 tỉnh, thành phố. Thông qua lớp tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên đã nắm được kiến thức cơ bản về quyền con người, quyền trẻ em; yêu cầu thực hiện và bảo đảm quyền cho các thành viên trong cơ sở và cách tổ chức hoạt động giáo dục tích hợp nội dung nêu trên.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 12/2024, có 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn cốt cán cấp tỉnh và chỉ đạo triển khai ở các cấp; 12 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch tập huấn đội ngũ vào năm 2025.
Đáng chú ý, cấp học giáo dục mầm non đã thực hiện nhiệm vụ đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục mầm non một cách bền vững như xây dựng tài liệu hướng dẫn tích hợp quyền con người cho đội ngũ tác giả xây dựng chương trình; đưa quan điểm tiếp cận dựa trên quyền vào xây dựng nội dung đổi mới của dự thảo Nghị quyết Đổi mới chương trình giáo dục mầm non và dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới; đưa nội dung giáo dục quyền con người trong dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới.
Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non triển khai đồng bộ từ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường đến kế hoạch thực hiện chương trình các độ tuổi, thực hiện lồng ghép tích hợp trong các kế hoạch tháng, chủ đề, kế hoạch tuần, ngày tại các nhóm, lớp. Phòng triển khai
theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung đã triển khai, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những hạn chế nhằm thực hiện hiệu quả việc triển khai thực hiện quyền con người trong chương trình giáo dục mầm non tại các đơn vị. Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thế cho biết: Các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, không có bạo lực, không có sự phân biệt đối xử giữa các trẻ em, khuyến khích sự phát triển tự do và sáng tạo của trẻ.
Không chỉ Bắc Giang, trong năm học 2024-2025, giáo dục mầm non tỉnh Cao Bằng đã chủ động đổi mới công tác quản lý, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nhiều mô hình mới, các phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại được ứng dụng phù hợp tại một số cơ sở giáo dục mầm non. Đáng chú ý, 100% cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường, trong đó chú trọng đưa quyền con người vào mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục; đồng thời, tổ chức xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, hướng tới bảo đảm quyền trẻ em; phối hợp với cha, mẹ của trẻ và cộng đồng nhằm bảo đảm quyền của trẻ được thực hiện ở gia đình, nhà trường và xã hội một cách tốt nhất.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng giáo dục quyền con người cho trẻ mầm non vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: một số giáo viên còn lúng túng trong việc thể hiện được mục tiêu nội dung giáo dục quyền con người, quyền trẻ em khi xây dựng kế hoạch giáo dục.
Việc tổ chức triển khai tập huấn cho đội ngũ về giáo dục quyền con người ở các địa phương còn chưa bảo đảm theo kế hoạch, chưa có đủ nguồn lực thực hiện cho toàn bộ đội ngũ của cấp học. Mặt khác, đối tượng giáo dục quyền con người là trẻ mầm non, nhận thức còn non nớt, ngây thơ nên việc tiếp nhận kiến thức về quyền con người, hình thành thái độ và hành vi cho trẻ còn khó khăn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong thời gian tới sẽ kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non; biên soạn tài liệu “Sổ tay về giáo dục quyền con người dành cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non”; tổ chức hội nghị tổng kết, quán triệt việc thực hiện nội dung giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân đối với giáo dục mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện giáo dục quyền con người trong cơ sở giáo dục mầm non trong nhiệm vụ năm học; 100% cơ sở giáo dục mầm non tổ chức thực hiện tích hợp nội dung giáo dục quyền con người cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-giao-duc-quyen-con-nguoi-vao-bac-hoc-mam-non-post854736.html