Đưa giỗ Tổ sân khấu thành lễ hội văn hóa, sao không?

Nhiều ý kiến cho rằng có thể khai thác mùa lễ hội của sân khấu thành sự kiện văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước

Từ khi có quyết định của nhà nước chọn ngày giỗ Tổ truyền thống của ngành sân khấu 12-8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam, mỗi năm cứ đến ngày này, các đoàn nghệ thuật và giới nghệ sĩ tại TP HCM tổ chức rất nhiều hoạt động.

Nghệ sĩ hào hứng

Giỗ Tổ sân khấu được xem là linh thiêng đối với những ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đó là ngày để mỗi nghệ sĩ thắp nén hương kính tri ân tổ sư, những bậc tiền bối đã có công khai phá bộ môn nghệ thuật sân khấu của dân tộc. Mùa giỗ kéo dài từ ngày 11 đến 13-8 âm lịch.

NSND Đinh Bằng Phi và danh hài Hoài Linh (bìa phải) trong ngày truyền thống sân khấu Việt Nam tại đền thờ Tổ của gia đình Hoài Linh

NSND Đinh Bằng Phi và danh hài Hoài Linh (bìa phải) trong ngày truyền thống sân khấu Việt Nam tại đền thờ Tổ của gia đình Hoài Linh

Theo NSND Đinh Bằng Phi, thực tế nghề hát không quan niệm có một vị Tổ riêng nào mà Tổ nghiệp là tất cả những người có công lao xây dựng và phát triển nền nghệ thuật truyền thống từ nhiều thế hệ.

Bàn thờ Tổ sân khấu tại đền thờ Tổ của gia đình NSƯT Hoài Linh

Bàn thờ Tổ sân khấu tại đền thờ Tổ của gia đình NSƯT Hoài Linh

"Ban đầu, giỗ Tổ chỉ bó hẹp ở địa hạt của nghệ thuật truyền thống: hát bội, cải lương, dần dần đã trở thành ngày hội chung của mọi người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ kịch nói, điện ảnh, ca nhạc, thời trang, xiếc, ảo thuật, múa rối, nghệ nhân đờn ca tài tử… Nghệ sĩ rất háo hức nếu đưa hoạt động này vào khai thác du lịch" - NSND Thanh Vy bày tỏ.

NSND Minh Vương cho rằng đây là ý tưởng hay, nếu làm tốt sẽ tạo thêm điểm đến thú vị cho du khách. Vấn đề là cách làm như thế nào để giới thiệu đúng ý nghĩa về nguồn gốc giỗ Tổ sân khấu.

Năm nay, tại TP HCM có đến 12 chương trình nghệ thuật biểu diễn. Nhiều nhà chuyên môn cũng cho rằng khi đưa lên thành lễ hội văn hóa, khai thác du lịch văn hóa, sẽ góp phần chấn chỉnh tình trạng bát nháo vì nhiều nơi biến những ngày này thành nơi ăn nhậu, ca hát ồn ào, không giữ gìn phong cách nghệ sĩ. NSND Trần Minh Ngọc nói chính việc đưa vào khai thác du lịch sẽ trả lại đúng nghi thức tế Tổ như cách Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM đã làm. Tổng cộng có 6 lễ được thực hiện, gồm 5 lễ chính và 1 lễ phụ. Tình hình sân khấu đang đối mặt nhiều khó khăn, bộ môn nghệ thuật hát bội càng khó khăn hơn nhưng các nghệ sĩ vẫn luôn bám nghề, giữ nghề, làm nghề với tràn đầy nhiệt huyết. Khi đưa vào khai thác du lịch sẽ tạo thêm sự phấn khởi cho nghệ sĩ bộ môn này.

Nâng cấp thành điểm đến du lịch

TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) nói: "Tôi thấy ý tưởng này rất độc đáo. Vì lễ hội văn hóa ở phía Nam không nhiều. Thường tháng 8 âm lịch gần kề với Tết trung thu. Nếu kết hợp luôn để quảng bá du lịch sẽ là nét đặc trưng của ngày truyền thống sân khấu Việt Nam. Cách làm phải chọn lọc để giới thiệu đến du khách sự chuẩn mực trong ca diễn của nhiều loại hình, phục hồi nghi thức dâng hương, tế lễ của nghệ sĩ".

Ông Tạ Hữu Quang, Công ty Du lịch Lữ hành Hà Nội Mới, cho biết: "Đưa khách nước ngoài vào TP HCM vào dịp tháng 8 âm lịch có Tết trung thu, chúng tôi chỉ biết đến quận 5 xem phố bán lồng đèn. Theo tôi, nếu sân khấu TP HCM kết hợp để đưa du khách tham dự lễ giỗ Tổ sân khấu, kèm theo biểu diễn nghệ thuật, tìm hiểu ẩm thực trong ngày cúng giỗ là rất độc đáo".

NSND Đinh Bằng Phi bày tỏ: "Giỗ Tổ sân khấu vốn là một hoạt động mang tính lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm. Đưa vào khai thác du lịch rất cần sự chọn lọc điểm đến để các công ty lữ hành lên kế hoạch giới thiệu với du khách. Cụ thể, nên đưa đến Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và những ngôi nhà âm nhạc truyền thống của những nghệ nhân chuyên sống bằng nghề sáng chế nhạc cụ, truyền nghề cho lớp trẻ".

NSND - đạo diễn Huỳnh Nga cho rằng điểm đến được xem là "gia đình" của các nghệ sĩ vào ngày giỗ Tổ là nhà thờ truyền thống sân khấu tại số 133 Cô Bắc, quận 1. "Mỗi năm đến ngày này, thắp hương là rưng rưng nước mắt nhớ về Tổ nghiệp, đặc biệt là những anh em làm nghề 20-30 năm đều hướng về ngày này, họ nhớ về nghề trong niềm tôn kính. Du khách đến tham dự sẽ gặp đủ mặt các nghệ sĩ từ nhiều thế hệ đến thắp hương" - NSND Huỳnh Nga nói.

Với danh hài Hoài Linh, từ khi nhà thờ Tổ của anh được xây dựng, nơi đây thành điểm đến của đông đảo du khách từ các tỉnh. "Vào 3 ngày giỗ Tổ, hàng ngàn du khách đã đến thắp hương. Năm nào cũng đông vui và có nhiều chương trình văn nghệ, lễ rước kiệu, ngai Ông được tổ chức quy mô. Tôi đặt tính văn hóa nghệ thuật lên hàng đầu trong những ngày ý nghĩa này" - NSƯT Hoài Linh cho biết.

Muốn thành lễ hội văn hóa thật sự

"Truyền thuyết Tổ sân khấu được nhắc đến nhiều nhất là "Hai ông hoàng mê hát". Trên bàn thờ tổ hát bội có thờ tượng hai em bé mà theo truyền thuyết là hai hoàng tử. Vì hiếm muộn nên để tạ ơn trời đất đã ban cho mình hai đứa con, nhà vua bèn lập đoàn hát biểu diễn trong cung ca ngợi công ơn trời đất, tỏ lòng thành kính của mình. Không ngờ, hai hoàng tử lại quá ham coi hát, thường xuyên trốn trong buồng coi hát và chết luôn trong đó vào ngày 12-8 âm lịch. Người nghệ sĩ mượn hai vị hoàng tử này làm hai vị thần phù hộ cho nghề hát và ngày mất của hai vị trở thành ngày giỗ Tổ" - NSND Minh Vương kể. Theo ông, từ truyền thuyết này có thể dàn dựng thành trích đoạn tuồng, cải lương, biểu diễn cho du khách xem.

Tác giả Lê Duy Hạnh cho rằng ngày truyền thống sân khấu Việt Nam sẽ là ngày của liên hoan, hội diễn tôn vinh những vở diễn, những vai diễn xuất sắc trong năm; cũng là dịp tổng kết, đánh giá một năm hoạt động sân khấu. Sân khấu cả nước sẽ phát huy tinh thần "uống nước nhớ nguồn", thăm viếng những nghệ sĩ già yếu, neo đơn... Nếu phát huy đúng tinh thần đó thì ngày truyền thống sân khấu thật sự là lễ hội văn hóa.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/dua-gio-to-san-khau-thanh-le-hoi-van-hoa-sao-khong-20190908213623235.htm