Đưa Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
KInhtedothi - Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) Đảng bộ TP Hà Nội xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược để phát triển Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây chính là động lực đưa Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tiềm năng lớn
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Sở KH&ĐT Hà Nội) Lê Văn Quân cho biết, những năm vừa qua, Thủ đô đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện, Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bởi trên địa bàn TP tập trung hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chiếm 82% số phòng thí nghiệm của cả nước. Đặc biệt, ngày 9/1/2021 vừa qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Một thuận lợi nữa là số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.
Ngoài những lợi thế trên, thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo. Nổi bật có thể kể đến Vườn ươm DN công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), thuộc Sở TT&TT; Vườn ươm DN thực phẩm do Trung tâm hỗ trợ DN thuộc Sở KH&ĐT quản lý, phát triển. Còn đối với các Tổ chức Hội, Hiệp hội DN hoạt động trên địa bàn Thủ đô cũng đã hình thành các Trung tâm, câu lạc bộ startup đã và đang hoạt động hết sức hiệu quả...
Tuy nhiên, ông Quân cũng thừa nhận các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Lĩnh vực này chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Số DN khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội gọi được vốn từ các quỹ đầu tư rất ít; phần lớn chỉ là DN nhỏ cung cấp sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số, mà chưa phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo đúng nghĩa. Ngoài ra, chưa có sự kết nối giữa cơ sở nghiên cứu - startup - nhà đầu tư - DN - tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, để thiết lập một mạng lưới tương trợ lẫn nhau...
Tập trung mọi nguồn lực
Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong Chương trình số 07/CTr/TU đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Giải pháp đầu tiên đó là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của DN. Giải pháp thứ hai đó là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Giải pháp cuối cùng đó là phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập. Trong đó, chú trọng xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” để tham vấn, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Dưới góc độ của người tham gia công tác quản lý Hiệp hội DN, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nhân, thanh niên trẻ phát triển các dự án, đề tài khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Thủ đô Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho rằng, Hà Nội cần hình thành thêm những câu lạc bộ, trung tâm khởi nghiệp hun đúc tinh thần và kinh nghiệm lập nghiệp, khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, có sự kết hợp giữa “3 nhà” là nhà giáo - DN - Nhà nước. Và đặc biệt, Hà Nội cần đi đầu trong nhiệm vụ phát huy vai trò của các DN lớn do Nhà nước sở hữu và các Tập đoàn tư nhân đã là “kỳ lân” cũng như đội ngũ DN vừa và nhỏ. Họ sẽ tham gia việc thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng startup đổi mới sáng tạo bằng cả nguồn lực tài chính, hạ tầng đất đai, kinh nghiệm quản trị điều hành DN cho đến việc “đặt hàng”, “bao tiêu” các sản phẩm, dự án khởi nghiệp có tính khả thi với thị trường.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 150 DN khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm. Trong đó, ít nhất có 20% DN gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng... Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án dự kiến 312,92 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách TP cấp 234,92 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa 69 tỷ đồng.