Đưa Hà Nội trở thành trung tâm logistics của cả nước
Xác định logistics là một ngành kinh tế quan trọng, vừa trực tiếp tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và việc làm, vừa gián tiếp thúc đẩy kinh tế thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển thành trung tâm logistics lớn của cả nước.
Nằm ở vị trí chiến lược trên tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô, Trung tâm logistics Hateco tại Khu công nghiệp Sài Đồng B (quận Long Biên) quy mô 12 ha là một trong các trung tâm logistics lớn nhất miền bắc. Trung tâm này cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics như cảng cạn, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, giao nhận vận tải, kho bãi, phân loại hàng hóa, bưu chính, vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới và các dịch vụ hậu cần logistics khác.
Tại đây, Công ty cổ phần dịch vụ Giao Hàng Nhanh (GHN) đã đặt kho phân loại hàng hóa tự động 100% với công suất xử lý hơn 30 nghìn đơn/giờ/kho. Hàng hóa sau đó được giao nhận tới hơn 1.000 bưu cục của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực logistics, thương mại điện tử như Shopee, DHL, Ninja Van... cũng đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, phân loại, vận chuyển hàng hóa tại đây. Đại diện Công ty cổ phần Hateco Logistics cho biết, từ năm 2020, cảng cạn (ICD) Long Biên đặt tại Trung tâm đã được phép đi vào hoạt động với năng lực thông quan 135 nghìn TEU/năm. Khi hàng hóa cập bến cảng biển hoặc cảng hàng không sẽ được kéo thẳng về ICD Long Biên để làm thủ tục thông quan hàng hóa, giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian.
Thành phố Hà Nội xác định, logistics là một ngành kinh tế quan trọng, vừa trực tiếp tạo ra GRDP và việc làm, vừa gián tiếp thúc đẩy kinh tế thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đã tự tổ chức hoạt động logistics. Hiện nay, thành phố có hai trung tâm logistics đang hoạt động là Trung tâm logistics Hateco và Trung tâm logistics đường sắt Yên Viên tại huyện Gia Lâm. Bên cạnh đó có ba dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư; chín dự án đang được nhà đầu tư đề xuất và đang hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư như Trung tâm logistics hạng I tại huyện Sóc Sơn, Trung tâm logistics hạng II tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên, Trung tâm tiếp vận phía tây - Ga tây Hà Nội, Trung tâm tiếp vận phía tây nam - Ga Hà Đông... Mới đây nhất, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 4513/QĐ-UBND (ngày 20/10/2021) phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Cảng công-ten-nơ Phù Đổng có công suất 2,54 triệu tấn/năm; định hướng đến năm 2030 là ba triệu tấn/năm (đối với cỡ tàu lớn nhất 800 tấn).
Tuy nhiên, ngành logistics vẫn chưa phát huy tương xứng với tiềm năng, nhu cầu của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố. Việc đầu tư xây dựng và nghiên cứu, đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư các trung tâm logistics còn nhiều vướng mắc, khó khăn về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch... Dù đã có bước phát triển đáng kể nhưng hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu chuyên dụng (như kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa đặc biệt...) các ICD còn ít. Về kết nối các loại hình giao thông, các ICD mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa nối liền được với đường sắt và đường sông. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông, giới hạn tải trọng phương tiện, chi phí công-ten-nơ, nguyên liệu xăng dầu tăng cao… đã làm tăng các chi phí logistics của doanh nghiệp. Đại diện Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm cho biết, nguồn cung bất động sản logistics rất khan hiếm và mức giá thuê cao, nhất là tại các thành phố lớn. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc lưu thông hàng hóa khó khăn, chi phí xét nghiệm cho lao động, lái xe đã khiến chi phí logistics tăng cao và tồn đọng hàng hóa, gây ùn ứ, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thành phố Hà Nội đã ban hành đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025”, mục tiêu là phát triển Hà Nội thành một trong ba trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP, đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, trung chuyển và nội địa. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của thành phố đạt từ 9% đến 11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17% đến 21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% đến 65%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14% đến 17% GRDP của thành phố.
Để phát triển lĩnh vực kinh tế quan trọng này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa, đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn. Tăng cường áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các dịch vụ logistics. Thành phố cũng sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực logistics, giúp lao động trong lĩnh vực này thích nghi với sự phát triển của hoạt động logistics toàn cầu. Cùng với đó, doanh nghiệp cần chuyển đổi nhận thức từ việc tự xây dựng hệ thống logistics riêng chuyển sang tăng cường thuê dịch vụ logistics ngoài để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cả xã hội. Khi lĩnh vực logistics được tối ưu hóa sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế Thủ đô.