Đưa học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm: Phải đặt an toàn lên hàng đầu
Những ngày qua, sự việc một học sinh và một phụ huynh tử vong trong quá trình tham gia trải nghiệm bắt ngao ở Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) đã khiến nhiều người lo lắng. Vấn đề bảo đảm an toàn cho học sinh một lần nữa được đặt ra. Chặt chẽ trong quy trình, tăng cường trách nhiệm ở mọi khâu là yêu cầu quan trọng của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đối với các nhà trường, đơn vị khi triển khai hoạt động này nhằm ngăn chặn các nguy cơ gây rủi ro cho học sinh.
Nhiều trăn trở
Hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa như tham quan, dã ngoại là hoạt động bổ ích, lý thú với học sinh. Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn Thành phố đã chủ động tiếp cận và vận dụng mục tiêu của hoạt động trải nghiệm theo Chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với từng cấp học, bậc học. Qua ghi nhận, nhiều trường học đã đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động trải nghiệm như: Tổ chức các câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa, diễn đàn; tổ chức cho học sinh đến những làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất; đưa học sinh đi tham quan, dã ngoại tại nhiều khu di tích, lưu niệm, địa chỉ cách mạng...
Hoạt động này giúp học sinh tăng cường tính tự chủ, hoàn thiện các kỹ năng trong giao tiếp, ứng phó với nhiều tình huống trong cuộc sống. Các em đã trực tiếp giải quyết các tình huống đặt ra từ thực tế sự vận dụng những tri thức trong sách vở và qua quá trình tìm hiểu từ đời sống hiện thực xung quanh. Trần Nguyễn Thái An (học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Em rất hào hứng với các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa. Không chỉ giảm căng thẳng sau những giờ học chính khóa, đây còn là cơ hội để chúng em có thể vận dụng kiến thức đã học, học thêm được nhiều kỹ năng và hiểu thêm về cuộc sống…”.
Chung quan điểm, Nguyễn Thị Anh (học sinh Trường Trung học cơ sở Cự Khối, huyện Gia Lâm) bày tỏ, em và các bạn đều rất thích các chuyến đi trải nghiệm ngoài nhà trường, đặc biệt là được đến những di tích lịch sử trên địa bàn, tham quan làng nghề gốm Bát Tràng, làng nghề Kiêu Kỵ... “Qua mỗi chuyến đi, chúng em hiểu thêm về bạn bè, học được nhiều kỹ năng trong giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm. Chúng em cũng nhắc nhở nhau cố gắng tuân thủ hướng dẫn chung để tất cả cùng được an toàn”, Nguyễn Thị Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa cũng đang tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị tai nạn. Chẳng hạn, tháng 2/2023, một nam sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm) bị đuối nước trong khi đi dã ngoại cùng lớp tại Khu sinh thái Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình). Cuối tháng 3/2023, Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) tổ chức cho học sinh khối 1 và khối 2 đi tham quan trang trại Cánh Buồm Xanh (huyện Gia Lâm). Khi về đến trường, nhiều học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn phải nhập viện. Hay mới đây nhất, ngày 20/5/2023, vụ việc một học sinh và một phụ huynh Hà Nội tử vong sau khi đi trải nghiệm bắt ngao tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) đã gây lo lắng trong dư luận. Đoàn trải nghiệm do hội phụ huynh lớp tại một trường tư thục ở Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) đứng ra tổ chức và không có giáo viên đi kèm.
Nhìn lại các sự việc đáng tiếc đã xảy ra, có thể kể đến một số nguyên nhân khiến học sinh bị tai nạn thương tích như: Học sinh hiếu động, không tuân thủ quy định chung; sự phối hợp trong quản lý, giám sát học sinh chưa chặt chẽ...
Thiết thực nhưng phải an toàn
Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra đòi hỏi phải thực sự quan tâm, nâng cao chất lượng hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa. Hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa là kết hợp giữa nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và khả năng tổ chức, đáp ứng của nhà trường, có sự phối hợp của các đơn vị tổ chức…
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hoạt động trải nghiệm là một trong những nội dung trong chương trình giáo dục. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện nghiêm các quy định liên quan, hạn chế tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát. Quy trình về việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm cũng đã được Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành từ năm 2019, tại Văn bản số 3867/SGDĐT-CTTT ngày 6/9/2019.
Cụ thể, trước khi tổ chức, nhà trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể, làm rõ thành phần tham gia, đơn vị thực hiện; thời gian, địa điểm, lịch trình, kinh phí tổ chức, phương án bảo đảm an toàn và lịch học bù cho học sinh (nếu tổ chức vào ngày không được nghỉ theo quy định). Sau đó, nhà trường gửi hồ sơ xin phê duyệt kế hoạch tổ chức đến cấp quản lý trực tiếp (trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở gửi Phòng GD&ĐT; trường Trung học phổ thông gửi Sở GD&ĐT). Hồ sơ gồm: Tờ trình xin phê duyệt kế hoạch tổ chức; biên bản cuộc họp giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh; kế hoạch tổ chức; giấy phép kinh doanh của đơn vị thực hiện. Hồ sơ phải được gửi về trước 7 ngày trước khi thực hiện.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, nhà trường chỉ được thực hiện kế hoạch khi đã được cấp quản lý trực tiếp phê duyệt. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác tổ chức hoạt động tham quan, ngoại khóa của đơn vị mình. Với các hoạt động do cha mẹ học sinh tổ chức, Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến cáo nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt trước khi triển khai để bảo đảm an toàn cho con em mình trong suốt quá trình tham gia.
Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; các trường học trực thuộc Sở, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên về việc ứng phó với thời tiết khắc nghiệt và bảo đảm an toàn khi tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho học sinh.