Đưa hồn quê vào sản phẩm tre, luồng
Tình cờ đến với nghề đục đẽo mà chưa qua trường lớp nhưng nhờ đôi tay tài hoa, anh Lê Văn Thanh đã tạo nên những sản phẩm từ tre, luồng lạ mắt, thấm đẫm hồn quê
Sau khi học xong đại học, anh Lê Văn Thanh (SN 1983) về quê làm việc tại UBND xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Làm cán bộ bán chuyên trách vốn thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên anh phải làm thêm nhiều nghề.
Trong một lần tình cờ lướt Facebook, anh Thanh thấy nhiều người chia sẻ những đoạn clip về guồng nước của người dân tộc ở khe suối vùng cao. Từ đó, anh nảy ra ý định biến các guồng nước này thành những sản phẩm thu nhỏ từ tre, luồng; có thể đặt trong nhà mà vẫn nghe được tiếng nước chảy róc rách.
Nghĩ là làm, anh Thanh liền tìm tòi các sản phẩm guồng nước thông dụng để học hỏi, vận dụng vào thực tế. Còn tre, luồng thì rất đỗi quen thuộc, hầu như làng quê Việt Nam nào cũng có.
"Lúc đầu làm cũng rất khó, bởi các hình ảnh mô phỏng khác xa thực tế. Nhờ hồi nhỏ thấy ông nội và bố sử dụng tre, luồng làm nhiều đồ dùng trong nhà; sau này lớn lên lại có thời gian làm thêm ở một xưởng mộc, hiểu biết chút ít về nghề đục đẽo nên tôi đã cho ra đời một số sản phẩm guồng nước từ tre, luồng chỉ trong thời gian ngắn" - anh nhớ lại.
Không chỉ làm guồng nước, với đôi tay khéo léo của mình, anh Thanh còn chế tác bàn ghế, sập, chòi, ấm chén… bằng tre, luồng. Khá bất ngờ là khi anh đưa những sản phẩm của mình lên Facebook để quảng bá, rất nhiều người đã quan tâm hỏi mua, đặt hàng. Từ đó, đơn hàng của anh ngày càng nhiều. Có những thời điểm, anh phải làm việc xuyên đêm mới kịp giao hàng cho khách.
"Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm các sản phẩm từ tre, luồng cũng không hề đơn giản. Ngoài kỹ năng đục đẽo, tôi còn kết hợp nhiều chi tiết trên guồng nước để khi hoàn thành, nó như một bức tranh nghệ thuật. Guồng nước luôn tiếp xúc với nước, nếu chọn loại tre, luồng không tốt, xử lý chống mốc không bảo đảm thì sau một thời gian, sản phẩm sẽ nhanh hư hỏng. Từ việc áp dụng kiến thức khoa học và qua thực tế công việc, tôi đã khắc phục được điều này, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng được tốt nhất" - anh bộc bạch.
Các sản phẩm guồng nước của anh Thanh chủ yếu tiêu thụ ở thị trường phía Nam, trong khi bàn ghế, ấm chén… thì tiêu thụ ở các tỉnh, thành phía Bắc. Sản phẩm guồng nước của anh còn được nhiều người Việt ở Mỹ thích thú. Họ đã nhờ người thân đặt hàng, vận chuyển sang tận Mỹ.
Anh Thanh hào hứng: "Đến nay, 3 guồng nước của tôi đã được đưa sang Mỹ. Người mua rất thích thú đón nhận vì được nghe những âm thanh róc rách, kèm với đó là những bản nhạc quê hương, đất nước rất quen thuộc. Rất nhiều người Việt ở nước ngoài đã đặt làm sản phẩm này nhưng tôi phải từ chối vì không trực tiếp gửi hàng được. Ngoài ra, chi phí vận chuyển có khi gấp 3-5 lần giá trị của sản phẩm".
Hầu hết các sản phẩm của Thanh làm không theo khuôn mẫu nào cả mà xuất phát từ ý tưởng của khách hàng. Khi đặt hàng, khách thường phác thảo ý tưởng rồi anh thực hiện theo.
"Đa phần sản phẩm guồng nước khi hoàn thành có hình ảnh tát nước, giã gạo, gặt lúa, cậu bé thổi sáo trên lưng trâu… Vì thế, tôi phải tạo hình tác phẩm sao cho giống bức tranh quê hương. Đó có thể là những hình ảnh ký ức mà khách hàng muốn tìm lại" - anh Thanh bày tỏ.
Dù có thể thực hiện nhiều sản phẩm độc đáo nhưng hiện anh Thanh chỉ làm các mặt hàng theo yêu cầu của khách chứ chưa có điều kiện sản xuất đại trà bán ra thị trường. Theo lý giải của người đàn ông khéo tay này, những sản phẩm mà anh làm theo ý thích của khách hàng thường gắn với không gian xưa cũ, gần gũi thiên nhiên. Anh cũng nghĩ đến sản xuất sản phẩm đại trà nhưng cần nhiều vốn và phải có công ty bao tiêu.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/dua-hon-que-vao-san-pham-tre-luong-20230625200011771.htm