Đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm
Trước bối cảnh xăng dầu, các loại vật tư (đầu vào) phục vụ sản xuất nông nghiệp ở mức cao, để sản xuất đạt hiệu quả mong muốn, nông dân lẫn doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm mục tiêu hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trên lĩnh vực thủy sản, trong các đối tượng nuôi, từ con lươn, cá chình, trạch lấu, cá ét, mè hôi, cá dứa, lăng nha… đến con cá tra (đối tượng xuất khẩu nhiều), nông dân lẫn DN đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, vận dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất. Nếu ở Công ty Cổ phần cá tra Việt - Úc An Giang (đơn vị thực hiện sứ mệnh “Nâng tầm cá tra Việt”) lấy việc nâng cấp chất lượng con giống làm khâu đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất trong chuỗi giá trị ngành hàng thì ở Tập đoàn Nam Việt, ngoài con giống, tập đoàn này còn chú trọng đưa khoa học - công nghệ vào khâu nuôi cá thương phẩm, chế biến thành phẩm, khép kín quy trình sản xuất từ con giống, thức ăn, chế biến, đến xuất khẩu.
Chế biến sản phẩm phi-lê cá tra
“Mục tiêu cuối cùng của việc đưa khoa học - công nghệ vào các khâu của quá trình sản xuất cá tra nhằm tối ưu hóa hiệu quả trong từng công đoạn, giải phóng sức lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào con người. Cụ thể, đối với hệ thống cho ăn tự động mà tập đoàn trang bị tại Khu nuôi cá tra công nghệ cao Bình Phú, ngoài tối ưu sức lao động của con người, cải thiện quá trình chăm sóc cá tốt hơn (mọi lúc, mọi nơi) thì hệ thống này còn giúp công tác quản lý nuôi đạt mức độ chính xác cao nhất…” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.
Cách đây 3 năm, Tập đoàn Nam Việt đã đầu tư khu nuôi cá tra công nghệ cao tại xã Bình Phú (huyện Châu Phú) với quy mô 600ha. Vùng nuôi này có chiều ngang 1,5km, dài 4km. Mỗi ao nuôi, chủ đầu tư cho đào với diện tích mặt nước rộng 1ha. Vùng nuôi được vận hành theo mô hình khép kín từ cá bố mẹ đến ương giống, nuôi thương phẩm. Sản lượng giống trong năm đạt 300 triệu con giống. Sản lượng cá thương phẩm phục vụ chế biến đạt 150.000 tấn. Để vận hành một vùng nuôi có quy mô lớn, mang hiệu quả cao, Tập đoàn Nam Việt đã đầu tư hệ thống dây chuyền cho ăn tự động.
Theo đó, thức ăn được vận chuyển bằng đường thủy đến các silo dự trữ (thức ăn) của từng ao nuôi. Căn cứ vào tình hình của từng ao, sức khỏe của cá trong ao nuôi, mực nước và môi trường, hệ thống quản lý sẽ lập kế hoạch cho ăn, chăm sóc qua điện thoại thông minh (smartphone). Đến giờ ăn trong buổi, hệ thống sẽ tự động đưa thức ăn theo đường ống ra cho cá. Nhờ mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền cho ăn tự động, DN tối ưu hóa sản xuất, giải phóng sức lao động của con người, kéo giảm được chi phí về nhân công lao động, theo dõi được diễn biến sức khỏe cá trong ao nuôi cùng các chỉ tiêu quan trọng khác.
Mô hình nuôi cá tra bằng công nghệ cao của Tập đoàn Nam Việt đã vinh dự đón tiếp nhiều đoàn khách cấp cao, các tập đoàn nhập khẩu cá tra trên thế giới đến tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt mới đây, Tập đoàn Nam Việt vinh dự được đón tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio và phu nhân Fatima Maada Bio cùng đoàn đại biểu cấp cao Sierra Leone đến thăm và ký kết biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu cá tra sang quốc gia này. Ông Dzoãn Tới thừa nhận, chính nhờ áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất cá tra mà đơn vị đã giảm được giá thành nuôi trên mỗi ký cá tăng trọng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần làm cho miếng phi-lê xuất khẩu ngon hơn, từ đó mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất. Cụ thể, trên lĩnh vực nuôi thương phẩm, hệ số thức ăn cho mỗi ký cá tăng trọng hiện nay chỉ còn từ 1,4-1,5kg thức ăn cho 1kg cá tăng trọng (trước đó từ 1,9-2/kg cá tăng trọng). Hệ số chế biến từ 1,8-2 (trước đây) nay giảm còn 1,7-1,75kg cá nguyên liệu cho 1kg thành phẩm phi-lê.
Công ty Cổ phần cá tra Việt - Úc An Giang đầu tư nuôi tảo, làm thức ăn tươi sống cho cá tra
Còn ở Công ty Cổ phần cá tra Việt - Úc An Giang, với sứ mệnh “Nâng tầm cá tra Việt”, công ty này chọn khâu làm con giống để tạo sự đột phá. Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần cá tra Việt - Úc An Giang Võ Minh Khôi chia sẻ, để nâng cao chất lượng cho con cá tra Việt Nam, Việt - Úc xác định phải bắt đầu từ việc cải thiện chất lượng đàn cá bố mẹ. Từ năm 2016 đến nay, cùng với sự hợp tác chiến lược với Viện CSIRO (Úc), Công ty Cổ phần cá tra Việt - Úc An Giang xây dựng chương trình chọn giống cá tra với 3 mục tiêu tăng trưởng nhanh hơn, tỷ lệ sống cao hơn và cải thiện chất lượng thịt tốt hơn. Chính từ đó, suốt thời gian qua công ty không ngừng cải thiện chất lượng đàn cá bố mẹ. Đến nay, công ty đã sản xuất thế hệ G2, với tăng trưởng vượt trội hơn thế hệ ban đầu là 20,7%. Bên cạnh cải thiện chất lượng di truyền đàn cá bố mẹ, công ty không ngừng đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh trong quản lý, sản xuất. Cụ thể hiện nay, công ty đã áp dụng công nghệ nhà màng vào quá trình nuôi cá giống, đầu tư nghiên cứu tảo để làm thức ăn tươi sống cho cá tra, từ đó nâng tỷ lệ sống của con giống lên gấp 4 lần so với sản xuất truyền thống.
Hiện nay, cá giống của công ty khi thả vào ao đạt tỷ lệ sống trên 50%. Bên cạnh tỷ lệ cá sống, mật độ nuôi thả trên cùng một diện tích cũng tăng lên, góp phần cải thiện quy trình nuôi đạt hiệu quả cao. Từ việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất của 2 đơn vị này cho thấy, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất là rất quan trọng, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng, chế biến của ngành hàng thủy sản nói chung, cá tra nói riêng.