Đua khởi nghiệp làm giàu, thu tiền tỷ từ nông nghiệp sạch trên vùng 'đất mỏ'

Không chỉ những người trẻ, nhiều nông dân ở Đông Triều (Quảng Ninh) vốn quen 'chân lấm tay bùn' nay cũng bắt đầu 'nghĩ khác, làm khác', khởi nghiệp với những mô hình sản xuất xanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thoát nghèo, làm giàu.

Ở tuổi 32, hành trình khởi nghiệp của anh Hoàng Đức Mạnh cùng các thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (phường Hồng Phong, thị xã Đông Triều) không khỏi khiến nhiều người ngỡ ngàng. Từ những cánh đồng canh tác lạc hậu, nay hóa những trang trại xanh tiền tỷ.

Khởi nghiệp với nông nghiệp

Vốn là cử nhân ngành môi trường, vì vậy, việc anh Mạnh từ bỏ chốn phồn hoa để trở về quê hương khởi nghiệp với nông nghiệp tưởng như không có gì liên quan. Tuy nhiên, theo chàng trai “đất mỏ”, chính những kiến thức về môi trường đã thúc đẩy anh quyết tâm theo đuổi nông nghiệp sạch.

“Gia đình tôi vốn làm nghề nông nên từ nhỏ tôi đã thấu hiểu sự vất vả của người nông dân. Khi vào đại học, sau những chuyến đi, tôi lại thấy được thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, bệnh ung thư ngày càng phổ biến, những điều ấy đã thôi thúc tôi trở về xây dựng mô hình trồng rau sạch”, anh Mạnh chia sẻ.

Khởi nghiệp với nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu để nông dân, HTX nâng cao giá trị sản xuất.

Khởi nghiệp với nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu để nông dân, HTX nâng cao giá trị sản xuất.

Với khát khao khởi nghiệp của mình, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Mạnh trở về để đồng hành cùng các thành viên của HTX Hoa Phong nhằm tiếp tục hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản an toàn trên mảnh đất quê hương.

Anh Mạnh cho biết, HTX Hoa Phong được gia đình anh và 7 hộ thành viên khác thành lập từ năm 2013. Để có đất sản xuất, HTX đã chủ động tích lũy và huy động vốn để thuê lại ruộng đất của hơn 150 hộ dân với diện tích 13 ha để trồng rau củ quả sạch, đạt sản lượng 1.000 tấn/năm.

Nhờ đa dạng sản phẩm, từ các loại rau sạch như cải cúc, rau đay, mồng tơi, đến các loại cây giống như súp lơ xuất khẩu sang Hàn Quốc, các thành viên của HTX “sống khỏe”, tuy nhiên, phải đến năm 2020, khi HTX bắt đầu cuộc “cách mạng” về phương thức sản xuất, doanh thu mới thực sự có bứt phá.

Cụ thể, từ năm 2021, anh Mạnh với tư cách là Phó Giám đốc HTX đã cùng các thành viên đẩy mạnh công nghệ cao vào sản xuất. Mở đầu là quyết định liên kết đầu tư nhà màng diện tích 11.000 m2, để tập trung vào các loại cây chất lượng cao như dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, rau màu hữu cơ.

Trên nền tảng ban đầu, HTX tiếp tục ứng dụng hệ thống trồng dưa giá thể (gieo hạt trong khay ở nhà màng), ứng dụng công nghệ tưới tự động cùng hệ thống máy gieo hạt tự động 6 trong 1 hiện đại công suất 25.000 hạt cây giống/giờ…

Sau khi hoàn thiện sản xuất theo hướng hiện đại, anh Mạnh cùng thành viên HTX lại bắt tay nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm. Hiện, HTX có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như hành thái lát sấy khô, bột sắn dây tinh khiết, gạo nếp cái hoa vàng…

Thành công nhờ tư duy mới

Cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất đã giúp anh Hoàng Đức Mạnh và HTX Hoa Phong gặt hái thành công. Doanh thu bình quân của HTX trong nhiều năm qua luôn đạt trên 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân trên 2 tỷ đồng. HTX cũng đang tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên, 50 lao động thời vụ.

Anh Mạnh và HTX Hoa Phong chỉ là một trong số rất nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp sạch ở Đông Triều trong những năm gần đây.

Điển hình như phong trào trồng na trái vụ theo hướng an toàn sinh thái đang mang lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ nông dân ở Đông Triều. Theo thống kê, diện tích trồng na trên địa bàn thị xã hiện vào khoảng hơn 900 ha trồng na, trong đó xã An Sinh chiếm khoảng 50% tổng diện tích.

Không chỉ ở Đông Triều, nông nghiệp sạch đang lan tỏa khắp các địa phương ở Quảng Ninh.

Không chỉ ở Đông Triều, nông nghiệp sạch đang lan tỏa khắp các địa phương ở Quảng Ninh.

Để tạo ra các sản phẩm sạch, thời gian qua, các hộ trồng na đã tích cực chuyển đổi canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Trong quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho cây na, HTX na dai Đông Triều là một điểm sáng.

Ông Nguyễn Minh Sơn, thành viên liên kết của HTX, cho hay nhờ sự đồng hành của địa phương và HTX na dai Đông Triều, gia đình ông triển khai canh tác hơn 1,2 ha na theo quy trình VietGAP, đồng thời chủ động ứng dụng kỹ thuật để “ép” na ra quả gối vụ.

Cụ thể, theo cách trồng truyền thống thì na chỉ cho thu hoạch một vụ/năm. Tuy nhiên, nếu áp dụng các kỹ thuật như ngắt lá, tỉa cành, đặc biệt là phương pháp “thụ phấn chủ động” thì cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm.

“Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 vụ na đó là na gối vụ cho quả từ thân cây, khác hẳn với na vụ chính, quả được thu từ ngọn và cành. Vì vậy, việc thu hoạch na gối vụ đơn giản và nhàn hơn rất nhiều”, ông Sơn chia sẻ.

Nhờ sản xuất khoa học, trung bình 1 ha trồng na áp dụng quy trình VietGAP hiện cho sản lượng trên 10 tấn quả/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn, gần 70 triệu đồng so với trồng na theo phương thức truyền thống.

Thúc đẩy nông nghiệp đô thị hiện đại

Cùng với cây na, thị xã Đông Triều với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời đang phát triển mạnh mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ, mở ra hướng đi mới, giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Để phát huy thế mạnh từ cây dược liệu, HTX Dược liệu xanh Đông Triều được thành lập và chú trọng vào sản xuất vùng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP – WHO. Hiện, HTX phát triển trồng ba kích, trà hoa vàng, kim ngân, hà thủ ô, địa hoàng, đinh lăng...

Cũng trong 5 năm qua, thị xã Đông Triều đã chuyển đổi trên 800 ha đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Từ đó, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung trồng các loại cây chủ lực, mang lại giá trị kinh tế vượt trội.

Có thể nói, diện mạo nông nghiệp thị xã Đông Triều đang cho thấy sự thay đổi toàn diện. Với vị thế là vùng sản xuất chủ lực của tỉnh, thời gian tới, thị xã dự kiến đẩy mạnh phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hướng mạnh vào chất lượng thay vì diện tích.

Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục hướng sản xuất tập trung, sản xuất có liên kết, hình thành những mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và làm chủ công nghệ sản xuất. Mỗi sản phẩm nông nghiệp chứa hàm lượng khoa học cao, có tính đặc thù, thông số đã được mã hóa, đáp ứng nhu cầu của đối tượng người tiêu dùng và thị trường khó tính.

Theo lộ trình đặt ra, thị xã Đông Triều sẽ trở thành thành phố. Vì vậy, nông nghiệp đô thị đang là xu hướng phát triển bắt buộc của ngành nông nghiệp thị xã, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị trên địa bàn, đồng thời cũng là giải pháp phù hợp để gia tăng giá trị sản xuất.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/dua-khoi-nghiep-lam-giau-thu-tien-ty-tu-nong-nghiep-sach-tren-vung-dat-mo-1101247.html