Các công ty công nghệ vào cuộc giúp người dân tiêu thụ chè trên sàn điện tử
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần phải có các công ty công nghệ đồng hành cùng bà con thúc đẩy từ khâu sản xuất, tiêu thụ chè trên sàn thương mại điện tử.
Chiều 6/9, đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu tới thăm, làm việc tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, Thái Nguyên).
Chia sẻ với đoàn công tác, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt cho biết, hợp tác xã sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP định hướng hữu cơ. Từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản đều được theo dõi kỹ lưỡng, tính toán tỉ mỉ để cho ra những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Hợp tác xã hiện có vài chục công nhân thường xuyên làm việc tại khu trưng bày giới thiệu sản phẩm và khu thưởng trà, đặc biệt bộ phận lễ tân luôn sẵn sàng đón tiếp chu đáo mỗi khi có khách du lịch ghé thăm.
“Từ khi Covid-19, hợp tác xã đã thay đổi cách bán hàng, chuyển từ cách truyền thống lên bán trên các sàn thương mại điện tử nên sản lượng tiêu thụ đã tăng trên 20%. Đây là con số mà chúng tôi rất mừng vì nhiều người dân đã có thể xây nhà, mua xe, làm giàu từ ngành nghề truyền thống này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn được Bộ TT&TT hỗ trợ về công nghệ để người nông dân có thể tiêu thụ các sản phẩm chè tốt hơn” bà Đào Thanh Hảo nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá đây là mô hình phù hợp, hiệu quả, phát huy được thế mạnh của địa phương. Nhờ chuyển đổi số, hợp tác xã đã có những thành công nhất định trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tăng doanh thu.
Tuy nhiên, hiện nay trên các sàn thương mại điện tử cũng có tình trạng lừa đảo, bán hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Vì vậy, cần phải có các sàn thương mại điện tử uy tín, định danh được người bán và các quy trình sản xuất để tạo niềm tin cho người dùng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần phải có các công ty công nghệ đồng hành, hỗ trợ cùng bà con thúc đẩy từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè trên sàn thương mại điện tử. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến yếu tố thúc đẩy tiêu thụ chè trên sàn thương mại điện tử sẽ tạo ra bước đột phá trong tiêu thụ sản phẩm giúp bà con nông dân.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã thăm và làm việc với Viettel Thái Nguyên. Tại buổi làm việc, ông Đặng Thanh Tuấn, Giám đốc Viettel Thái Nguyên đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Viettel Thái Nguyên.
Ông Đặng Thanh Tuấn cho biết năm 2023, Viettel Thái Nguyên có khoảng 100.000 thuê bao 2G Only. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ tuyên truyền thông tin thực hiện chủ trương của Bộ TT&TT về tắt sóng 2G nên đến thời điểm hiện tại Viettel Thái Nguyên đã hoàn thành tắt sóng 2G.
Do một số bà con ở vùng sâu vùng xa vẫn chưa tiếp cận được nên dự kiến đến trước 30/9 Viettel Thái Nguyên phấn đấu sẽ có 100% thuê bao 2G Only chuyển lên 4G.
Đại diện Viettel Thái Nguyên đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về mục tiêu đưa dịch vụ hành chính công lên 70% tương đương với các nước phát triển và lời giải cho bài toán tỷ lệ dùng chữ kỹ số tại Thái Nguyên còn thấp. Trước câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, lâu nay Viettel phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ alo, nhưng hiện nay đã chuyển sang hạ tầng số với 5 loại hạ tầng. Nếu chúng ta chỉ là hạ tầng di động thì chỉ cung cấp dịch vụ liên lạc và giải trí, nhưng muốn làm việc thì phải có hạ tầng cáp quang và hiện còn 30% hộ gia đình chưa có cáp quang.
Bộ trưởng cho rằng, về hạ tầng dữ liệu, Thái nguyên là trung tâm khu vực thì cần có hạ tầng dữ liệu nằm ở khu vực này. Bên cạnh đó, hạ tầng chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo là hạ tầng IoT. Đây sẽ là hạ tầng lớn nhất và các thuê bao mới sẽ nằm ở đây.
Chia sẻ về chuyển đổi số, phát triển chữ ký số, Bộ trưởng đưa ra ví dụ sau khi đi thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Sau dịch Covid-19, doanh thu bán chè tăng lên khi hợp tác xã này chuyển sang dùng các kênh trên môi trường số để bán hàng. Tuy nhiên, việc bán hàng này vẫn rất thô sơ và chưa bài bản. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu vấn đề tại sao Viettel không chuyển đổi số trong sản xuất và bán hàng cho các hợp tác xã này.
“Nếu doanh thu bán hàng của các hợp tác xã chè tăng 2 – 3 lần thì nhiều hộ nông dân làm chè thoát nghèo, làm giàu và doanh thu của các công ty bưu chính cũng tăng lên. Mô hình kinh doanh này giúp cùng nhau giàu lên bằng sản phẩm công nghệ và tri thức của mình. Đây là mô hình kinh doanh bền vững và giúp cho Thái Nguyên chuyển đổi số. Viettel Thái Nguyên phải tìm ra mô hình cộng sinh để cùng nhau phát triển”, Bộ trưởng nói.
Về phổ cập chữ ký số, Bộ TT&TT chủ trương sẽ miễn phí chữ ký số dịch vụ công phổ biến như giáo dục, y tế. Nhà nước bắt buộc phải có 70% hồ sơ là dịch vụ trực tuyến đến hết năm 2025. Chính quyền ra chính sách để thúc đẩy người dân phải dùng chữ ký số. Ví dụ tất cả giáo viên dùng chữ ký số để các phụ huynh dùng theo, hay dịch vụ y bạ điện tử dùng chữ ký số miễn phí.
“Doanh thu viễn thông truyền thống chững lại, vì vậy phải tìm ra không gian mới. Tổng Bí thư đã nói rằng chuyển đổi số là cuộc cách mạng. Vì vậy, phải có cách làm mới để tìm ra không gian mới, sản phẩm dịch vụ mới. 20 năm qua, Viettel đã phát triển, nhưng nếu không có không gian mới sẽ đi xuống. Một tổ chức cứ 10 năm là 1 chu kỳ phát triển, Viettel đặt ra mục tiêu 10 năm tới là công ty công nghệ. Viettel Thái Nguyên phải bám vào chiến lược của tỉnh để cùng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.