Đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với cộng đồng
Những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý. Với các chương trình được triển khai đồng bộ và hiệu quả, hoạt động này không chỉ góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh hỗ trợ bà con ghi đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý tại buổi truyền thông, tư vấn pháp luật cho người khuyết tật.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức hàng chục buổi tư vấn pháp luật và truyền thông về TGPL cho người dân tại các xóm, xã của các huyện, thành trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có thể kể đến các buổi được thực hiện tại các xã: Phúc Thuận, Tân Phú (TP. Phổ Yên), Tân Thịnh, Định Biên (Định Hóa) và Bản Ngoại (Đại Từ), truyền thông TGPL và tư vấn pháp luật cho người khuyết tật... Các buổi tuyên truyền thu hút hàng trăm người tham gia gồm cán bộ, công chức cấp xã, bí thư chi bộ, trưởng xóm, đại diện gia đình chính sách, hộ nghèo và người dân địa phương, người khuyết tật.
Tại các hội nghị, người tham dự được cán bộ Trung tâm phổ biến về vai trò, mục đích của TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, cũng như các đối tượng được hỗ trợ miễn phí theo quy định của Luật TGPL. Các nội dung pháp luật được truyền tải tập trung vào những vần đề gần gũi, sát với quyền vào lợi ích nảy sinh trong cuộc sống đời thường của bà con. Đó là quy định của pháp luật về: hôn nhân và gia đình, đất đai, thừa kế, khiếu nại - tố cáo, chế độ chính sách cho người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin.

Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật đến với người dân.
Các trợ giúp viên và luật sư cũng trực tiếp giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật cho người dân về những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao nhận thức pháp luật mà còn hỗ trợ người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, từ đó sống và làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật.
Ông Hoàng Văn Khánh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Đồng Muồng, xã Tân Thịnh (Định Hóa): Là xóm nằm ở vùng sâu, xa, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Do đó, những vấn đề pháp luật mà Trung tâm tuyên truyền, phổ biến tại hội nghị này được bà con rất quan tâm bởi nó thiết thực với đời sống hằng ngày.
Còn ông Ma Thanh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh (Định Hóa), nhận định: Các buổi tuyên truyền và tư vấn pháp luật của Trung tâm TGPL tỉnh Thái Nguyên đã mang lại giá trị thiết thực cho người dân xã chúng tôi. Đặc biệt, những người thuộc nhóm yếu thế như hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi… đã được tiếp cận thông tin pháp luật một cách dễ hiểu. Điều này không chỉ giúp họ bảo vệ quyền lợi của mình mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng.
Theo Luật TGPL, các đối tượng được TGPL bao gồm người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ 16 đến dưới 18 tuổi, người khuyết tật và người thuộc hộ cận nghèo. Đây đều là những nhóm dễ bị tổn thương, gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Để hỗ trợ các đối tượng này, Trung tâm TGPL đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, từ các buổi truyền thông trực tiếp tại cơ sở, phát qua loa truyền thanh xã, phát tờ rơi pháp luật, đến các chương trình truyền thông điểm dành cho người có uy tín, già làng, trưởng bản.

Buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật được tổ chức tại cơ sở thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
Được chứng kiến các buổi truyền thông, tư vấn pháp luật tại cơ sở do Trung tâm tổ chức mới thấy được sự tâm huyết, nhiệt tình của lãnh đạo và cán bộ của Trung tâm cũng như luật sư có mặt. Họ có thể kiên trì phân tích giải thích một cách cặn kẽ, lấy ví dụ cụ thể cho từng vấn đề để người dân dễ hiểu, dễ hình dung. Với những trường hợp “yếu thế đặc biệt” như người khuyết tật, người viết chậm hoặc không thể viết, cán bộ, trợ giúp viên của Trung tâm sẵn sàng nghe và viết lại vào phiếu yêu cầu trợ giúp. Với các trường hợp có yêu cầu được tư vấn pháp luật hoặc TGPL theo vụ việc, Trung tâm cử trợ giúp viên, luật sư giải đáp thắc mắc, tư vấn cũng như tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người dân theo quy định của pháp luật.
Những năm qua, để không ngừng nâng cao chất lượng TGPL, Trung tâm đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên. Các lớp bồi dưỡng, tập huấn được tổ chức thường xuyên với nội dung đa dạng, từ cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ TGPL trong các lĩnh vực đến kỹ năng hỗ trợ các đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình và người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội để phát hiện và hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng yếu thế.
Với những nỗ lực không ngừng, Trung tâm TGPL tỉnh đang từng bước thu hẹp khoảng cách giữa hệ thống pháp luật phức tạp và những người dân yếu thế. Bằng cách mang kiến thức pháp luật đến gần hơn với cộng đồng, Trung tâm không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, người dân sống và làm việc theo đúng pháp luật.