Đưa kiến thức pháp luật tới gần người dân hơn

BHG - Nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, mang tính nhân văn trong đời sống.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tuyên truyền chính sách pháp luật tại cơ sở.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tuyên truyền chính sách pháp luật tại cơ sở.

TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các đối tượng được TGPL miễn phí bao gồm: Người có công với cách mạng; hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và người thuộc một trong các trường hợp khó khăn về tài chính. Do vậy, trên 80% dân số trên địa bàn tỉnh được TGPL miễn phí. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Trung tâm TGPL tỉnh (Sở Tư pháp) triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là tại các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết: Nhằm tổ chức tốt các hoạt động TGPL, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các ngành, cấp triển khai các hoạt động sâu rộng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của đối tượng hưởng chính sách. Trong đó, thực hiện tốt Luật TGPL năm 2017, đặc biệt là công tác trợ giúp trong hoạt động tố tụng, phát huy vai trò đội ngũ trợ giúp viên, luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng. Với tinh thần đổi mới hoạt động TGPL, năm 2022, hoạt động của Trung tâm tập trung vào lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính; tăng cường thực hiện các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn tiền tố tụng đảm bảo quyền của người TGPL…

Thực hiện Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Hàng năm, Trung tâm TGPL tỉnh tổ chức các đợt truyền thông lưu động, cố định tại cơ sở. Bằng việc đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người dân, đặc biệt, bà con người dân tộc thiểu số được tiếp cận các chính sách về lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội, hôn nhân gia đình, hình sự, dân sự… và thụ hưởng kịp thời hoạt động TGPL khi có nhu cầu. Qua đó, nâng cao nhận thức, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả đảm bảo nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, các mô hình Câu lạc bộ TGPL và Tổ hòa giải được các địa phương duy trì triển khai góp phần giải quyết vướng mắc ngay tại cơ sở.

Cùng với đó, công tác phối hợp TGPL được chú trọng thông qua kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, tỉnh tăng cường trao đổi, xử lý các vụ việc có liên quan. Năm 2021, Trung tâm TGPL tỉnh đã thực hiện trợ giúp 631 vụ việc với 358 người được trợ giúp; đồng thời, tư vấn pháp luật đơn giản trên 500 vụ việc. Qua đánh giá chất lượng của ngành chuyên môn, công tác TGPL trong tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng thời gian qua xếp loại tốt chiếm trên 87%, còn lại đạt loại khá; số vụ việc tham gia tố tụng thành công chiếm tỷ lệ rất cao. Nhờ tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng các thành viên chủ chốt các Câu lạc bộ TGPL, chuyên viên, trợ giúp viên không ngừng nắm vững kiến thức pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định.

Nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò TGPL, các ngành chức năng đẩy mạnh triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL, giai đoạn 2015 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của đề án nhằm đảm bảo về số lượng, chất lượng, năng lực của người TGPL, đáp ứng 100% nhu cầu của các đối tượng; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện KT – XH của tỉnh. Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện TGPL, nâng cao chất lượng nhân lực, cải cách thủ tục hành chính trong tiếp cận dịch vụ TGPL. Sau nhiều năm triển khai, số lượng vụ việc tham gia tố tụng, thụ lý tăng; tình hình phát triển đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư không ngừng nâng cao chất lượng, số lượng. Đổi mới các hoạt động truyền thông, thông tin về TGPL bằng nhiều hình thức phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng. Huy động lực lượng xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa TGPL vào đổi mới cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng TGPL…

Thông qua hoạt động thực tiễn đã khẳng định được vị trí, vai trò của công tác TGPL trong việc hỗ trợ pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách; giải tỏa vướng mắc pháp luật, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Thời gian tới, công tác TGPL tiếp tục tập trung tăng cường phối hợp của các cấp, ngành đẩy mạnh trợ giúp cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính; truyền thông sâu rộng tại cơ sở, nhất là nhóm người nghèo, phụ nữ, trẻ em mồ côi…

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/202204/dua-kien-thuc-phap-luat-toi-gan-nguoi-dan-hon-ca308c2/