Đưa kinh tế số trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phát triển kinh tế số đã trở thành nhu cầu tất yếu. Nhưng để kinh tế số trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới thì rất cần các chính sách kịp thời.
Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế
Kinh tế số có thể xem là một hình thái kinh tế và xã hội mới, được tạo ra sau khi Internet đã phát triển đến giai đoạn trưởng thành, trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số góp phần làm cho các giao dịch diễn ra nhanh hơn, ít tốn kém hơn, nhất là các giao dịch có liên quan đến các thủ tục hành chính trực tiếp được thay bằng các công cụ hỗ trợ, hướng dẫn và giúp cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận các dịch vụ công và tư nhanh hơn, giảm tối đa các khoản chi phí phát sinh.
Năm 2022, nước ta đã có 72,1 triệu người dùng Internet, xếp thứ 13 thế giới, với thời lượng trung bình gần 7 giờ/ngày dành cho mạng xã hội. Đây là con số khác biệt so với nhiều quốc gia có kinh tế số phát triển vì dung lượng sử dụng Internet của những quốc gia này chủ yếu đến từ khu vực các nhà máy, viện nghiên cứu, trường đại học. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt khoảng 7,5%. Tổng số lượt tải mới các ứng dụng trên thiết bị di động của Việt Nam đạt 3,23 tỷ lượt, tiếp tục giữ vững vị trí số 9 toàn cầu về số lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động.
Đây là điều kiện thuận lợi cho kinh tế số phát triển. Hiện chưa có dữ liệu thống kê chính thức đo mức độ trưởng thành của nền kinh tế số Việt Nam, nhưng cũng đã có những số liệu ước tính ban đầu. Cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP, tăng đáng kể so với mức 11,91% của năm 2021. Còn theo báo cáo e-Conomy SEA của Google, Temasek và Bain Economy, mặc dù đứng sau Indonesia và Thái Lan trong khu vực ASEAN về tổng doanh thu, nhưng kinh tế số Internet của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 16%/năm, so với 11%/năm của Indonesia hay 7%/năm của Thái Lan. Tổng giá trị giao dịch kinh tế số của Việt Nam được dự báo đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia). Vào năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô tăng trưởng hơn 600 tỷ USD, quy mô kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP.
Một con số thống kê khác dự báo trong giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, kinh tế số đóng góp 6,88 - 16,5% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế. Kinh tế số có đóng góp quan trọng cho năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới giúp năng suất lao động cải thiện nhanh. Các kịch bản chuyển đổi số có đóng góp đến tăng trưởng GDP đến năm 2045 cũng được đưa ra gồm: Nếu phát triển kinh tế số theo mức truyền thống thì kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 0,38%, tương đương 60,9 tỷ USD; nếu theo kịch bản xuất khẩu số, kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 0,45%, tương đương 66,9 tỷ USD; nếu theo kịch bản tiêu dùng số, kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 0,63%, tương đương 102,8 tỷ USD; nếu theo kịch bản chuyển đổi số mạnh mẽ, kinh tế số sẽ góp phần gia tăng 1,1%, tương đương 168,6 tỷ USD.
Đặc biệt, với cú huých của đại dịch Covid-19, công nghệ số đang làm thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu ngành và thậm chí làm thay đổi kinh tế ngành theo những cách chưa từng có. Trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử với các loại hình giao dịch online, kinh doanh nền tảng đang làm lu mờ hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Lĩnh vực tài chính cũng đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và cấu trúc khi công nghệ fintech, tài chính thông minh, cho vay ngang hàng P2P (mô hình cho vay trên nền tảng công nghệ số, khi người đi vay và người cho vay được kết nối trực tiếp với nhau mà không cần phải thông qua bất cứ một tổ chức tín dụng hay ngân hàng truyền thống nào) đang lấn sân các định chế tài chính truyền thống.
Vai trò “bà đỡ” của nhà nước với quá trình chuyển đổi số
Năm 2023, vị thế của Việt Nam tiếp tục được củng cố khi lọt vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô GDP vượt ngưỡng 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD, dân số cán mốc 100 triệu người. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở vào giai đoạn cải cách có tính bước ngoặt. Bài toán thách thức nhất đang đặt ra là làm thế nào để tránh được bẫy thu nhập trung bình, tạo nền tảng và những xung lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và phát triển nhanh, bền vững.
Trong bối cảnh những động lực tăng trưởng đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động tổng thể nền kinh tế, từ đó đạt được phát triển bền vững và chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài. Thêm vào đó, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu chuyển đổi số đang bùng nổ trên khắp toàn cầu, tạo ra thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ số. Đây là thời cơ cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, cũng như đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số.
Để hoàn thành những mục tiêu tham vọng nêu trên, điều quan trọng là công tác tổ chức triển khai và sự chuẩn bị sẵn sàng của các bên liên quan. Kết quả khảo sát cho thấy, đa phần doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có nhận thức và ý thức về sự cần thiết phải chuyển đổi số, nhưng chuyển đổi số lại chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do khó khăn về tài chính khi có đến 43,3% doanh nghiệp dù đã lên dự toán ngân sách cho chuyển đổi số, nhưng cuối cùng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, có tới gần 50% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng nay đã dừng lại, mà nguyên nhân là tiến hành chuyển đổi số một cách vội vàng, chưa xác định được mục tiêu và chiến lược đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ cả về chất và lượng.
Vì thế, để quá trình chuyển đổi số đi vào thực chất, có hiệu quả, vai trò “bà đỡ” của nhà nước rất quan trọng. Liên quan đến vấn đề này, Đảng ta đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP, đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP. Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định 3 trụ cột chính, gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, cùng 8 lĩnh vực ưu tiên cho chuyển đổi số, gồm: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế số bởi đây là yêu cầu tất yếu khách quan, khi cả thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng của nền kinh tế số.