Dưa lê đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đất cát pha ở Thịnh Lộc
Trồng dưa lê dễ bán, cho hiệu quả cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nên chính quyền xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích.
Vụ dưa lê năm nay, ông Nguyễn Khắc Chức ở thôn Yên Định (xã Thịnh Lộc) tiếp tục sản xuất nhiều diện tích dưa nhất xã. Ở khu ruộng nhà ông Chức, hơn 1.700 gốc dưa lê trồng trên 6 sào đất cát pha ven bờ biển được chăm sóc đúng quy trình, phun tưới đầy đủ, diệt sâu bệnh nên phát triển tốt, cho nhiều quả.
Ông Nguyễn Khắc Chức cho biết: “Dưa lê là loài cây khá khó trồng, vì vậy, tôi tích cực nghiên cứu sách vở, tìm tòi tài liệu, học hỏi kỹ thuật để sản xuất hiệu quả, an toàn. Bằng kinh nghiệm hàng chục năm trồng loại cây này, tôi lựa chọn trồng ở những vùng đất cát khô, ít bị ngập nước, sử dụng phân bón, tưới nước, vùn gốc, bấm ngọn đúng thời điểm. Đồng thời, thực hiện phòng trừ sâu bệnh bằng cách ủ hỗn hợp gồm vôi, tỏi, ớt với tỷ lệ phù hợp, hạn chế tối đa sử dụng hóa chất…”.
Hiện nay, ruộng dưa đã bắt đầu đi vào thu hoạch và trong 2 tháng tới thì mỗi sào dưa sẽ cho khoảng 1,3 - 1,5 tấn quả. Với giá bán như hiện nay (24 - 25 nghìn đồng/kg), nếu thuận lợi, ruộng dưa lê của gia đình cho nguồn thu khoảng 180 - 200 triệu đồng.
Dù thời tiết năm nay không thuận lợi nhưng ruộng dưa lê ở vùng đồng Cửa Vườn của ông Dương Thanh (thôn Nam Sơn) vẫn phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao.
Trên những luống dưa, những quả màu xanh (còn non) nằm chen chúc cạnh những quả màu trắng lẫn vàng nhạt (đã chín). Những ngày này, vợ chồng ông Thanh đã thường xuyên có mặt tại ruộng để thu hoạch quả chín và tiếp tục thực hiện các công đoạn chăm sóc, bảo vệ quả xanh.
Ông Dương Thanh khẳng định: “Tuy vất vả, yêu cầu kỹ thuật cao nhưng trồng dưa lê cho hiệu quả cao hơn hẳn các loại cây khác. Theo tính toán, mỗi sào dưa lê có chi phí sản xuất từ 1,6 – 1,7 triệu đồng (chưa tính ngày công), sau khoảng gần 4 tháng (nếu phát triển ổn định), cho thu nhập khoảng 33 triệu đồng/sào.
Đối với vùng đất cát bạc màu, nghèo chất dinh dưỡng như những vùng đồng này thì đây là con số lý tưởng, nó cao gấp 10 lần so với trồng lạc và hơn vài chục lần so với các loại hoa màu khác”.
Là địa phương có lợi thế về đất cát pha, nông dân có kinh nghiệm, sản phẩm dễ bán, giá cao nên nhiều năm nay, người dân ở các thôn Nam Sơn, Yên Định, Hòa Bình, Hồng Thịnh… của xã Thịnh Lộc đã duy trì sản xuất loại cây ăn quả ngắn ngày này.
Đến thời điểm này, toàn xã đang có khoảng 13 ha dưa lê giống siêu ngọt. Đây là giống dưa được bà con ưa chuộng vì có sức chống chịu tốt hơn các loại khác, dễ thụ phấn, quả to (khoảng 3 quả/ kg), hương vị thơm ngon. Nhờ chất lượng tốt, sản xuất sạch nên dễ tiêu thụ; hiện đang được bán với giá 24 - 25 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Khắc Phong – Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Cây dưa lê giúp bà con nông dân nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và có ý nghĩa lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Do vậy, chúng tôi luôn quan tâm, khuyến khích bà con mở rộng diện tích sản xuất gắn với tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, tích lũy kinh nghiệm, chăm lo bám đồng ruộng…
Ngoài ra, do đây là cây trồng khó tính, sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro nên thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn, hướng dẫn, có chính sách hỗ trợ cần thiết để sản xuất đạt hiệu quả tốt hơn, mở rộng thêm nhiều diện tích, đưa cây dưa lê trở thành cây trồng chủ lực với các mô hình chuyên canh, tập trung”.