Đưa lễ hội truyền thống thành sản phẩm du lịch
Theo kế hoạch triển khai thực hiện dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành, một trong những nội dung quan trọng là việc tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào thành sản phẩm phục vụ du lịch.
Những lễ hội đặc sắc
Từ bao đời nay, đồng bào Êđê ở thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh vẫn giữ gìn và thực hành lễ cúng bến nước. Đây là một trong những phong tục, tập quán có truyền thống lâu đời của người dân, được tổ chức hàng năm. Vào ngày diễn ra buổi lễ, từ sáng sớm, người dân đã náo nức mang lễ vật ra bến nước của buôn làng, hòa tấu những hồi chiêng dài ngân vang, đưa mọi người hòa mình vào không khí lễ hội. Lễ cúng bến nước thường được bắt đầu bằng việc cúng ông bà tổ tiên, với ý nghĩa thông báo cho các bậc bề trên biết về sự có mặt đông đủ của con cháu trong buôn làng. Tiếp đó, thầy cúng sẽ làm lễ cúng Yàng (trời) để cầu mưa. Lễ cúng ở bến nước kết thúc với việc các thiếu nữ múc những bầu nước mát để gùi về buôn làng trong niềm hân hoan của mọi người. Tại khu vực sinh hoạt cộng đồng của buôn làng, mọi người quây quần bên nhau uống rượu cần, đánh cồng chiêng và hát những làn điệu dân ca rộn ràng. “Sau mùa thu hoạch, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng bào Êđê lại tổ chức lễ cúng bến nước. Lễ hội thường diễn ra trong một ngày và nhận được sự quan tâm, tham gia của tất cả các thành viên trong buôn làng. Lễ cúng lớn hay nhỏ tùy vào điều kiện của mỗi buôn làng, nhưng đều rất vui”, nghệ nhân Y Oanh (thôn Soi Mít, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) cho biết.
Ở huyện miền núi Khánh Sơn, cùng với lễ tạ ơn cha mẹ, lễ cưới, lễ bỏ mả thì lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai nơi đây cũng là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, mang nhiều giá trị tinh thần to lớn. Lễ ăn đầu lúa mới là dịp để duy trì tình làng nghĩa xóm, bày tỏ sự quý trọng công sức lao động để làm ra hạt gạo và những loại nông sản. Lễ hội còn nhằm cầu chúc sức khỏe cho dân làng, cầu mong mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, người dân làm ăn thuận lợi. “Trong nghi thức cúng lễ, người dân bao giờ cũng phải chuẩn bị mâm cúng với đầy đủ các món như: cơm được nấu từ lúa của mùa vụ mới thu hoạch, canh bồi, gà luộc, chuối chín, bó lúa, rượu cần, khăn rước hồn thần lúa… Ngoài ra, còn có đội đánh nhạc cụ mã la. Khi lễ vật được bày biện xong, con cháu trong gia đình quây quần đông đủ, thầy cúng sẽ thực hiện lễ cúng. Cuối phần lễ sẽ là phần hội, mọi người cùng hòa tấu tiếng mã la mời gọi dân làng đến chung vui cùng gia chủ”, già làng Cao Lê Dân (thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) chia sẻ.
Bắt tay phục dựng
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu tại các địa phương để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch sẽ được tiến hành với hoạt động phục dựng lễ hội tại thị xã Ninh Hòa, huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh. Việc phục dựng sẽ được tiến hành từ năm 2022 đến 2025, với các nội dung như: Khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin để bảo tồn lễ hội; thuê chuyên gia nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ bảo tồn lễ hội; đầu tư cơ sở vật chất, thiết kế phần mềm công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm lễ hội; mở các lớp tập huấn, truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn lễ hội; tổ chức trình diễn, tái hiện lễ hội; thực hiện ghi hình, quay phim về lễ hội để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá…
UBND các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa sẽ chủ trì việc tổ chức thực hiện phục dựng các lễ hội ở mỗi địa phương. Cụ thể, năm 2022, thực hiện phục dựng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn. Năm 2023, tiến hành phục dựng lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh. Năm 2024, phục dựng lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn; phục dựng lễ cưới hỏi của đồng bào T’rin ở huyện Khánh Vĩnh. Năm 2025, triển khai các hoạt động phục dựng lễ cúng bến nước của đồng bào Êđê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa).
Trong quá trình thực hiện việc phục dựng các lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với các địa phương để hỗ trợ về mặt chuyên môn. Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, đơn vị liên quan để tổ chức khảo sát, xây dựng 3 chương trình sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại 3 địa phương nêu trên. Từ 3 chương trình này sẽ hình thành nên các mô hình cụ thể để có thể trình diễn, biểu diễn thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Muốn như vậy, các địa phương cần có sự đầu tư, xây dựng phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng với nhiều sản phẩm độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn đi cùng, trong đó có việc tái hiện các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Giang Đình