'Đũa lệch' trong Ca trù

Trong nghệ thuật Ca trù có hai bài thơ rất thú vị nhắc đến cuộc tình 'đũa lệch'. Một của cụ Nguyễn Công Trứ và một của cụ Dương Khuê. Cùng là cuộc tình 'đũa lệch' nhưng mỗi bài lại có câu chuyện riêng. Cả hai giờ là một phần di sản quý của Ca trù.

Một buổi biển diễn của Giáo phường Ca trù Thăng Long.

Một buổi biển diễn của Giáo phường Ca trù Thăng Long.

Ông già và cô gái

Nói về tình yêu, về chữ duyên và chữ nợ, nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) có hai câu thơ tôi rất thích, lại nằm đúng trong bài thơ “Tuổi già cưới vợ hầu”: “Trong trần thế duyên duyên nợ nợ/ Duyên cũng đành mà nợ cũng đành”. Sinh ra ở trên đời, yêu và gắn bó với người mình yêu là quyền tất yếu và là mong ước của mỗi người. Tình yêu thuận tạo hóa, là lẽ thường. Nhưng nhiều khi cuộc đời trớ trêu, khiến cho hai người cách biệt thế hệ gặp nhau và bén duyên nhau. Có hạnh phúc, cũng có những khổ đau.

Chuyện tình của Nguyễn Công Trứ kể trong bài “Tuổi già cưới vợ hầu” dường như là một hạnh phúc. Đó là câu chuyện tình “đũa lệch” ở tuổi 73 ông phải duyên với cô gái ở trẻ mới 17 tuổi. Nguyễn Công Trứ đã “vượt qua nghịch cảnh” bằng tinh thần tự tin và sự dí dỏm. Ông nói vừa trực diện, vừa ý tứ: “Trẻ tạo hóa ngẩn ngơ lắm việc/ Già Nguyệt ông cắc cớ trêu nhau”. Ông là người có chí lớn, tuy con đường học hành thi cử không thuận, mãi tới năm 41 tuổi mới đỗ kỳ thi Giải nguyên và làm quan dưới triều Nguyễn, nhưng cả cuộc đời ông gắn bó với đèn sách và cống hiến cho đất nước mà xao nhãng chuyện riêng tư. Vậy nên, trẻ thì nhiều việc, khi thảnh thơi hơn thì đã già mất rồi, nhưng Nguyệt Lão lại trêu. Thành ra mới: “Kìa những người mái tuyết đã phau phau” (người già tóc bạc), và “Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh mảnh” (cô đào trẻ rung động).

Chú ý nhất là những câu thơ bằng chữ Hán: “Nhất tọa lê hoa áp hải đường”. Đây là câu thơ thứ 6 trong bài, câu thơ nhắc đến hoa lê chỉ người tóc bạc và hải đường chỉ người còn trẻ. Áp là áp sát, là gần. Câu này tiếp tục bổ sung khẳng định thông điệp chính mà 4 câu thơ mở đầu đã nhắc đến. Trong bài còn xuất hiện một cặp thơ chữ Hán ở câu thứ 9 và 10, đó là “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ? Ngũ thập niên tiền nhịp thập tam”. Có nghĩa là cô dâu muốn hỏi tuổi đức lang quân (câu 9) thì câu trả lời (câu 10) không nói thẳng mà “năm mươi năm trước mới hăm ba”. Cách trả lời này, vừa tạo sự dí dỏm, vừa tạo nên một sự cân xứng tuổi tác với cô dâu. Bốn câu tiếp theo từ số 11 đến 14 tiếp tục phân bua về sự hợp lý nên duyên cùng nợ.

Ba câu thơ cuối của bài là một sự thú vị. Ở đây tác giả đổi sang thể thơ lục bát nhưng chỉ có một cặp dôi một câu 6: “Xưa nay mấy kẻ đa tình/ Lão Trần là một với mình là hai/ Càng già càng dẻo càng dai”. Nguyễn Công Trứ khéo nhắc lại câu chuyện tình tương tự của cổ nhân. Lão Trần là Trần Tự, đời Lê, từng đỗ quan năm 73 tuổi và được vua gả cho cô công chúa 23 tuổi. Và đầy sự tự tin, dí dỏm khẳng định thông điệp ở câu cuối bài.

Khi nhắc đến mối tình đũa lệch, Nguyễn Công Trứ dùng hình tượng “hoa lê” (tóc bạc, chỉ mình) với “hải đường” (đỏ rực rỡ, cô gái), còn Dương Khuê dùng từ “bạch phát” (tóc bạc, chỉ mình) với “hồng nhan” (má hồng, cô gái).

Mối tình của Dương Khuê (1839 - 1902) trong “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” không trọn vẹn. Không kể 4 câu thơ lục bát mở đầu, chỉ đề cập tới 11 câu thơ Hát nói và đánh số từ 1 đến 11, thì các câu từ 1 đến 4 gồm: “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết/ Mới ngày nào chửa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoát có xa gì/ Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu”. Ở đây ý nói cô đào mới ngày nào còn nhỏ, vậy mà 15 năm như mới ngày hôm qua, đã trôi đi và cô đã đến tuổi dậy thì.

Tiếp đến là hai câu thơ bằng chữ Hán có giá trị nhất trong bài: “Ngã lãng du thời quân thượng thiếu/Quân kim hứa giá ngã thành ông”. Ý hai câu thơ này là, khi tác giả còn là một thanh niên lãng tử thì cô gái còn nhỏ. Đến khi cô đến tuổi lấy chồng thì tác giả đã là một ông già. Ở tuổi già con người ta thường vui thú điền viên với sơn thủy hữu tình, nhưng dầu sao vẫn là đấng quân tử nên cũng khó tránh khỏi xao xuyến trong lòng: “Riêng một thú Thanh Sơn đi lại/ Khéo ngây ngây dại dại với tình”. Bài thơ khép lại ở câu thơ 6 từ: “Đàn ai một tiếng dương tranh” như một sự không trọn vẹn, như một thế giới nội tâm vẫn còn sự do dự, vấn vương.

Tính bác học trong ca trù

Chẳng phải ngẫu nhiên, nhắc đến ca trù người ta thường nghĩ đây là thể loại mang tính bác học, chỉ dành cho giới biết nhiều hiểu rộng. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên, trong mỗi bài hát nói của nghệ thuật ca trù lại luôn xuất hiện ít nhất hai câu thơ chữ Hán.

Chẳng hạn, “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ? Ngũ thập niên tiền nhịp thập tam” (Tuổi già cưới vợ hầu) hay “Ngã lãng du thời quân thượng thiếu/ Quân kim hứa giá, ngã thành ông” (Hồng Hồng Tuyết Tuyết). Đây có lẽ chính là thú chơi thơ của các bậc anh tài, nho sĩ xưa kia. Với người hiểu, để cùng nhau ngẫm và bình. Với người không hiểu thì không thể bước vào một “sân chơi” đầy tri thức. Cho nên, người sáng tác thơ cần tri âm, tri kỷ trong những cuộc thơ, cuộc hát ca trù là vậy.

Việc khai thác thơ chữ Hán của tác giả lại mỗi khác. Ví dụ như trong bài thơ của Nguyễn Công Trứ có tới 4 câu thơ chữ Hán, nhiều hơn bài thơ của Dương Khuê và các bài hát nói thông thường hai câu. Trong khi bên cạnh hai câu thơ chữ Hán, trong bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” của Dương Khuê còn có thêm một nghĩa bóng, ẩn ý được gửi gắm bằng hình tượng mối tình ông già với cô gái trẻ.

Ẩn ý đó chính là tâm trạng của một ông quan trước thời cuộc. Dương Khuê đỗ tiến sĩ năm 1868 và bước vào quan trường đến khi vua Tự Đức qua đời và Hòa ước mất nước ký giữa triều Nguyễn và Pháp cùng năm 1883. Giai đoạn 1868 - 1883 là 15 năm chất chứa đầy tâm trạng với Dương Khuê. Vua Tự Đức lên ngôi năm 19 tuổi (1847), khi ấy Dương Khuê mới 8 tuổi. Khi Dương Khuê mới làm quan có nhiều nhiệt huyết, dâng sớ tỏ ý muốn quyết liệt với Pháp thì bị chê không hiểu thời cuộc. Cho đến khi triều Nguyễn suy, muốn dùng Dương Khuê thì ông đã thấy già nua.

Tính “bác học” còn thể hiện ở những quy ước trong ca trù. Không ngẫu nhiên mà người viết khi đánh số câu thơ. Việc đánh số chỉ phạm vi những câu nằm trong phần hát nói. Làm như vậy khi nhìn vào một bài thơ mới nhìn thấy bố cục của bài một cách nhanh nhất và biết bài đó thuộc thể hát nói nào. Chẳng hạn, “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” có 11 câu, trong đó câu số 5 và 6 là cặp thơ chữ Hán. Câu cuối bài (thứ 11) là một câu 6. Đây là bố cục chuẩn mực của một bài hát nói trong ca trù.

Từ đây nhìn sang bài “Tuổi già cưới vợ hầu” sẽ thấy có 17 câu, trong đó 3 câu thơ cuối lục bát không tính vào phần hát nói, nên bài có 15 câu. Như vậy so với bài của Dương Khuê, bài này nhiều hơn 4 câu, tương đương 1 khổ, vậy bố cục (hay thể cách) bài hát nói này là dôi một khổ.

Một chi tiết khác, cặp thơ chữ Hán xuất hiện trong bài hát nói là một quy định bắt buộc. Vì vậy, với các bài thơ mới ngày nay, chỉ có thể được coi là ca trù hát nói khi có sự xuất hiện của cặp thơ như vậy. Cặp thơ chữ Hán còn có vị thế là một câu đối (2 câu thơ, mỗi câu 7 từ, viết bằng chữ Hán). Cách dùng câu đối trong hát nói cũng phải tuân theo. Tác giả có thể tự sáng tác, cũng có thể lấy ý thơ, tư tưởng hoặc thậm chí khai thác y nguyên hai câu thơ của cổ nhân vào bài.

Bài chuẩn mực đủ khổ xuất hiện một lần câu đối. Đôi khi trong một bài có tới 2 câu đối. Cho nên sẽ không lạ khi trong một bài ca trù hát nói của tác giả Việt Nam có khi ta lại bắt gặp những câu thơ của những nhà thơ nổi tiếng người Trung Quốc như: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột. Cái khó ở đây là khi ấy đòi hỏi tác giả phải rất tài tình để giữa câu đối với nội dung chung các bài phải khớp vào nhau.

Thơ lục bát xuất hiện cũng có quy định. Phổ biến nhất là ở trong phần mưỡu. Phần mưỡu xuất hiện ở đầu hoặc cuối bài, có chức năng như giới thiệu nội dung chính trong bài hoặc tóm tắt lại nội dung chính đã nói trong bài. Trong hai bài thơ về tình duyên “đũa lệch” này, Dương Khuê sử dụng 4 câu thơ lục bát mở đầu bài, trong khi Nguyễn Công Trứ sử dụng ở cuối bài có 3 câu theo bố cục 6-8-6. Việc sử dụng thiếu câu 8 để thành 2 cặp lục bát đầy đủ cũng là một quy tắc, bởi đây là kết bài, bao giờ một bài ca trù hát nói cũng có câu kết là một câu thơ có 6 từ.

NGUYỄN QUANG LONG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dua-lech-trong-ca-tru-5740189.html