Đưa liên kết hợp tác giữa TP.HCM và ĐBSCL thực chất và hiệu quả
Chiều 21/7/2023, lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị công bố triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024-2025.
Sự kiện nhằm khẳng định sự hợp tác, liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ngày càng thực chất, hiệu quả và tăng trưởng bền vững hơn giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL theo định hướng của Chính phủ và phù hợp với quy hoạch vùng ĐBSCL và TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của TP.HCM trong hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị; Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Trường, đây là sự quan tâm rất đặc biệt của TP.HCM giành cho sự phát triển của vùng ĐBSCL nói chung, của TP. Cần Thơ nói riêng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá: Thời gian qua các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đạt những kết quả tích cực. Trên cơ sở đó, việc triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024-2025 nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, thiết thực đi vào chiều sâu, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương của vùng ĐBSCL và TP.HCM, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên có liên kết, hợp tác với nhau, thúc đẩy hợp tác công tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên, trao đổi kinh nghiệm, về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Theo ông Mãi, trong năm 2023, TP.HCM sẽ phối hợp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP.HCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến dầu tư - thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Trong năm 2024-2025 sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực: phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động. Trong đó nhấn mạnh phát triển hạ tầng giao thông.
Được biết, ngày 11/3/2023 vừa qua, tại tỉnh Bến Tre, UBND thành phố Cần Thơ đã cùng với đại diện UBND các tỉnh ĐBSCL ký kết hợp tác với TP.HCM. Đây được xem là điều kiện thuận lợi, nền tảng tạo ra cơ hội hợp tác mới mang tầm sâu rộng giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Nhận thức hợp tác phát triển là một xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, TP. Cần Thơ rất quan tâm, chủ động liên hệ với các địa phương để thúc đẩy các hoạt động này. Cơ hội phát triển thành phố Cần Thơ thông qua chủ trương, định hướng, các dự án trọng điểm, chính sách ưu đãi được phê duyệt… là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo điều kiện để tiếp cận được sự liên kết hợp tác từ TP.HCM và vùng ĐBSCL để tạo động lực thúc đẩy phát triển, cũng như mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ hai phía.
Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL thống nhất cao với bản kế hoạch, đồng thời chia sẻ đóng góp ý kiến với các tỉnh, thành để hoàn chỉnh Kế hoạch như: cần chú ý phát triển đồng bộ hệ thống đường hàng không trong vùng kết nối với cả nước, thúc đẩy triển khai nhanh đường ven biển vùng ĐBSCL làm động lực phát triển hành lang kinh tế ven biển của vùng; tổ chức nhiều hơn các sự kiện xúc tiến đầu tư trong vùng để giới thiệu quảng bá môi trường đầu tư; liên kết sâu hơn nữa trên lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Đồng thời đề xuất TP.HCM làm đầu mối để điều tiết, kết nối, dẫn dắt nhà đầu tư đến với vùng ĐBSCL...
Đáng chú ý, bên lề Hội nghị, sáng 21/7 giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL (trong đó có TP. Cần Thơ) có các hoạt động tọa đàm kết nối như: Hội nghị ký kết Thỏa thuận hợp tác ngành y tế của TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2025; Hội nghị kết nối giao thương giữa TP.HCM với TP. Cần Thơ; Tọa đàm về Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Với tinh thần cầu thị, hợp tác và tạo điều kiện để cùng phát triển, TP. Cần Thơ và các tỉnh trong vùng kỳ vọng thường xuyên nhận được sự phối hợp, liên kết hợp tác chặt chẽ với TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL. Thành phố Cần Thơ sẽ có văn bản đề xuất cụ thể đến TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL để tiến tới hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đề xuất các giải pháp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn tạo đà phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.