Đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào cuộc sống
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (HGĐTTTA) có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong giải quyết các tranh chấp phát sinh từ đời sống. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử.
Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Đặc biệt, đối với ngành Tòa án, từ khi Luật HGĐTTTA có hiệu lực thi hành đã giải quyết áp lực công việc ngày càng lớn trong khi số lượng án thụ lý liên tục tăng qua từng năm.
Sau khi Luật HGĐTTTA có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, việc triển khai thi hành được Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp trong tỉnh Long An khẩn trương thực hiện.
Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, xác định việc tiếp tục triển khai thi hành Luật HGĐTTTA và văn bản quy định chi tiết thi hành luật là một trong các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024, TAND 2 cấp tỉnh tập trung tuyên truyền, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức của ngành cũng như thông qua hoạt động xét xử phổ biến đến sâu, rộng trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của cơ chế hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án. Trong đó, TAND tỉnh chỉ đạo Chánh án TAND cấp huyện khi tiến hành hội nghị, về thành phần tham dự, ngoài đại diện cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan liên quan, trọng tâm phải mời đại diện UBND các xã, phường, thị trấn và cán bộ tư pháp tham dự bởi đây là những người trực tiếp tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Từ đó, cán bộ cấp xã hiểu được vai trò, mục đích, bản chất của công tác HGĐTTTA để có giải pháp tuyên truyền, phổ biến tốt luật và các quy định liên quan.
Cùng với đó, khi tiếp nhận đơn của đương sự, các đơn vị đều phân công thư ký trực tại tổ hành chính tư pháp để giải thích về chế định HGĐTTTA, nhất là những lợi ích của người dân khi chọn HGĐTTTA.
Theo ông Lê Quốc Dũng, trong năm 2024, TAND tỉnh tiếp nhận 468 đơn, trong đó có 98 đơn thuộc trường hợp tiến hành hòa giải tại tòa án, đương sự đồng ý hòa giải 90 vụ, đạt 91,83%. TAND cấp huyện tiếp nhận 8.046 đơn, trong đó có 6.984 đơn thuộc trường hợp tiến hành hòa giải, đương sự đồng ý hòa giải 3.430 vụ, đạt 49,11%. Điều này cũng khẳng định từ khi luật HGĐTTTA có hiệu lực thi hành, tỷ lệ đương sự đồng ý hòa giải ở mức tương đối cao, nhận thức của người dân về ý nghĩa của HGĐTTTA ngày càng nâng cao, giảm tỷ lệ các vụ án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng. Qua đó, từng bước đưa Luật HGĐTTTA vào cuộc sống./.