Đưa Luật Thủ đô sửa đổi sớm đi vào cuộc sống, tạo động lực cho Hà Nội 'cất cánh'

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, nhấn mạnh Hà Nội cần khẩn trương quán triệt, khai thác hiệu quả cơ chế đặc thù để Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống.

Sáng 1/7, HĐND TP. Hà Nội bắt đầu Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm). Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh bày tỏ ấn tượng với các kết quả quan trọng, toàn diện trong nửa đầu năm của Hà Nội, góp phần đóng góp rất tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Khai thác hiệu quả, sớm đưa luật vào cuộc sống

Nổi bật là 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, thu ngân sách tăng cao, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng GRDP ước tăng 6,0% (cao hơn bình quân chung cả nước); thu ngân sách Nhà nước dự kiến đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% so với dự toán và tăng 12,5% so với cùng kỳ…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong thành tựu chung của Thành phố, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của HĐND cùng sự đồng hành, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội khóa XV. HĐND TP. Hà Nội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua tạo hành lang pháp lý cho Hà Nội bứt phá.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua tạo hành lang pháp lý cho Hà Nội bứt phá.

Một trong những thành công lớn nhất của Hà Nội trong năm 2024 là việc Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Hà Nội.

Bên cạnh những kỳ vọng mới, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền Thủ đô trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của Nhân dân.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị HĐND Thành phố khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp để hoàn thiện 2 Quy hoạch quan trọng của Thủ đô, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.

Hành lang pháp lý cho sự phát triển của Thủ đô

Như VnBusiness đã đưa tin, vào sáng ngày 28/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 462/470 đại biểu tán thành. Các nội dung của Luật Thủ đô được thông qua được các đại biểu đánh giá là rất toàn diện.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, đánh giá Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng, cùng với hai quy hoạch của Thủ đô đã xin ý kiến Quốc hội và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt, sẽ tạo được một khuôn khổ giá trị cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho Thủ đô Hà Nội triển khai thực hiện các nhiệm vụ, những chính sách và những đột phá mới, những tư duy, tầm nhìn mới để đáp ứng được yêu cầu trọng trách mà Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân cả nước tin tưởng, giao phó. Từ đó xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

Một điểm nổi bật trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là không chỉ đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian qua về vấn đề huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội... mà còn mở cơ hội cho ngành nông nghiệp phát triển.

Luật Thủ đô (sửa đội) được kỳ vọng giúp Hà Nội xây dựng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Luật Thủ đô (sửa đội) được kỳ vọng giúp Hà Nội xây dựng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc HTX Nông sản An toàn Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), cho biết quá trình đô thị hóa cũng chứng tỏ sức phát triển mạnh mẽ của Hà Nội, từ đó, nhu cầu về rau màu, hàng hóa, nông sản sẽ tăng lên, mở rộng đầu ra cho các HTX.

Trước đây, trong quá trình đô thị hóa, thành phố vẫn còn thiếu chính sách, pháp luật mở đường cho đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đến nay, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có những định hướng phát triển nông nghiệp đô thị phù hợp với các đặc thù của Thủ đô. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn…(những thành tố quan trọng để phát triển nông nghiệp đô thị). Đặc biệt đã đặt ra vấn đề cần có chính sách khuyến khích phát triển sinh vật cảnh, trồng cây vùng nội đô.

Phát huy nền tảng đã có

Cần nhắc lại, sau 10 năm thi hành, những quy định của Luật Thủ đô đã giúp thành phố Hà Nội thiết lập các công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho việc xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô, tạo sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã giúp thành phố huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung. Kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng tốt.

Nhiều dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải được ưu tiên đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực mạng lưới hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Trên nền tảng đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định hoàn thiện hơn sẽ là điểm tựa để Hà Nội hướng tới xây dựng Thủ đô trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên khu vực và thế giới.

Trước thời điểm Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều điều khoản quy định cụ thể, tạo ra nguồn lực, thẩm quyền để Thủ đô chủ động thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao trong Hiến pháp.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua là “cơ hội vàng” định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai. “Đây là những quy định tạo triết lý, quan điểm, định hướng, không gian phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Để triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, sau khi Luật được thông qua, thành phố Hà Nội sẽ nhanh chóng triển khai, xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức xây dựng văn bản quy định chi tiết, văn bản được giao theo thẩm quyền trước thời hạn Luật có hiệu lực; bảo đảm thực thi hiệu quả thẩm quyền được Quốc hội giao, xứng đáng với niềm tin và hy vọng của cả nước.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/dua-luat-thu-do-sua-doi-som-di-vao-cuoc-song-tao-dong-luc-cho-ha-noi-cat-canh-1100725.html