Dưa lưới Hàm Cường phục vụ thị trường tết

Tết đến, xuân về, bất cứ gia đình nào cũng tỉ mỉ lựa chọn những đặc sản địa phương để trưng bày mâm ngũ quả, chế biến món ăn và làm quà biếu. Ngoài mãng cầu, dừa, đu đủ, thanh long… thì nhà vườn ở Hàm Cường (Hàm Thuận Nam) sẽ cung cấp ra một lượng dưa lưới phục vụ thị trường.

Dưa lưới trồng tại vườn ở Hàm Cường.

Mặc dù “đi sau” các vườn trồng dưa lưới ở Thuận Quý (Hàm Thuận Nam), nhưng dưa lưới trồng trong giá thể tại xã Hàm Cường đang dần khẳng định thương hiệu, nhờ chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại cao. Đến kỳ thu hoạch các công ty ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu luôn sản phẩm và đi thẳng vào siêu thị. Tại trang trại Thanh Tùng farm (thôn Phú Sung), tết năm nay sẽ cung cấp 3 tấn dưa Huỳnh Long phục vụ người dân địa phương.

Chị Bùi Kim Thủy - chủ trang trại chia sẻ: Giống dưa tại trang trại là dưa đặc mật, dưa Huỳnh Long, được trồng trong giá thể, có nhà màng che phủ, nhờ đó kiểm soát tốt hơn về các chỉ số thời tiết, ngăn côn trùng xâm nhập đã đảm bảo độ ngọt, trái đều, đẹp. Trung bình mỗi trái từ 2 - 2,5 kg. Hiện giá bán tại vườn là 70.000 đồng/kg. Dù trang trại chưa cắt, nhưng số lượng đặt hàng đã gần một nửa. Dự kiến đến ngày 25 tết, trang trại sẽ giao hàng hết cho khách.

“Bén rễ” từ năm 2021, nhưng phải đến 1 năm sau sản phẩm dưa của Thanh Tùng farm mới tìm được chỗ đứng, hành trình ấy vô cùng gian nan. Bởi như chia sẻ của chị Thủy: Nếu cùng một diện tích, trồng thanh long chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 100 triệu đồng/1.000 m2 nhưng dưa lưới thì gấp 5 lần số đó. Đây có lẽ cũng là lý do chính khiến nông dân trên địa bàn ngại đầu tư. Chưa kể phải có thị trường tiêu thụ ổn định, người trồng biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất thì mới có được vụ dưa đạt sản lượng và chất lượng theo yêu cầu. Với kiến thức của một kỹ sư môi trường và bản lĩnh của người trẻ, Bùi Kim Thủy không nản chí. Từ 1.000 m2 ban đầu, đến nay trang trại đã mở rộng ra 4.000 m2.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của chị đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Nếu kiên trì, chịu khó thì sản phẩm sẽ cho đầu ra ổn định. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dua-luoi-ham-cuong-phuc-vu-thi-truong-tet-116672.html