Đưa lương, thưởng Tết vào thỏa ước

Không phải là quy định bắt buộc thế nên lâu nay câu chuyện lương, thưởng Tết vẫn luôn 'nóng' và gây tranh cãi. Không bắt buộc, không có trong nội quy, thỏa ước thế nên cuối năm có những lao động được thưởng tiền tỷ nhưng cũng có không ít lao động ngậm ngùi không có thưởng. Vui buồn, tranh chấp quan hệ lao động cũng từ đây mà ra.

Tết năm 2022, theo công bố của Bộ LĐTBXH về tình hình thưởng Tết năm 2022 từ các tỉnh, thành phố (với gần 42.000 doanh nghiệp có báo cáo), mức thưởng bình quân của cả Tết Dương lịch và Âm lịch đều giảm so với năm 2021. Về mức thưởng Tết Âm lịch có khoảng 62,7% doanh nghiệp trong tổng số 42.000 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch năm 2022 với mức thưởng bình quân là gần 1 tháng lương, tương đương 6,17 triệu đồng/người, bằng 97% so với thưởng dịp Tết Âm lịch năm 2021.

Hầu hết các loại hình doanh nghiệp đều ghi nhận mức thưởng Tết Âm lịch bình quân sụt giảm từ 2-10% so với năm 2021. Bên cạnh những doanh nghiệp có mức thưởng khủng lên tới hơn 1 tỷ đồng/người thì cũng có những đơn vị chỉ thưởng cho người lao động bằng hiện vật trị giá vài trăm nghìn đồng. Cá biệt có những doanh nghiệp không có thưởng cho người lao động.

Thời điểm này còn quá sớm để đưa ra dự báo về thưởng Tết năm 2023 song nhìn vào con số lao động bị mất việc làm đã cho thấy bức tranh thưởng Tết đầy màu xám. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động hiện nay ngành chức năng, địa phương, cấp công đoàn đang tích cực vào cuộc để có những hỗ trợ thiết thực cho người lao động. Cùng với sự hỗ trợ từ các ban, ngành nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tính theo tỷ lệ tháng mà người lao động đã làm cho doanh nghiệp. Tức là dù người lao động bị mất việc làm song doanh nghiệp cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động. Đây cũng là chìa khóa để doanh nghiệp ổn định sản xuất khi có đơn hàng.

Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động được xem là “chìa khóa” đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa là điều ai cũng nhìn thấy rõ thế nhưng vì chưa được “luật hóa”, chưa được đưa vào các quy chế, thỏa ước bắt buộc thế nên lâu nay câu chuyện lương thưởng, phụ cấp vẫn luôn là câu chuyện nóng. Để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động cũng như chấm dứt thực trạng xin- cho trong tháng lương thứ 13, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học- Lao động và Xã hội, cho rằng công đoàn cần vận động chủ doanh nghiệp đưa thưởng Tết tháng 13 vào nội quy, thỏa ước thay vì cứ dịp Tết lại rộ lên câu chuyện công nhân được thưởng Tết bao nhiêu.

Đề xuất này nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn từ giới chuyên gia cũng như của người lao động. Bởi thực tế đòi hỏi thưởng Tết xứng đáng với thành quả lao động bỏ ra sau một năm làm việc vất vả là quyền chính đáng của người lao động, được doanh nghiệp tôn trọng thực hiện và pháp luật bảo vệ. Quyền này được đảm bảo thực hiện tốt là yếu tố quan trọng giúp cho quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, là nhân tố thúc đẩy người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Lê Minh Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dua-luong-thuong-tet-vao-thoa-uoc-5703247.html