Đưa năng lượng sạch đến từng hộ gia đình
Ngày 17/9, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA) và nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) tổ chức khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2019.
"Tuần lễ năng lượng tái tạo" được tổ chức trong những năm qua đã xây dựng nên một diễn đàn trao đổi thông tin, đối thoại đa phương để đưa ra các đề xuất giải pháp đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng có tính công bằng và mang lại lợi ích lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong vòng một năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, nước ta đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính…
Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, rất cần sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động của các bên từ các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương đến các tổ chức phát triển hay khối tài chính, ngân hàng.
Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 tập trung vào chủ đề Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế. Đây là cơ hội để mang tiếng nói của các bên liên quan đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Cụ thể như đóng góp ý tưởng, giải pháp cho những định hướng phát triển năng lượng như Quy hoạch điện VIII hay các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường.
Chuỗi các sự kiện tại Hà Nội mở đầu với tọa đàm: “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam sẽ cập nhật hiện trạng phát triển hệ thống điện Việt Nam”, tọa đàm này đặt ra một số vấn đề cấp thiết như “Việt Nam có thể làm gì để đáp ứng được xu thế chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ như hiện nay?”, “Việt Nam có thể học hỏi được gì từ các bài học kinh nghiệm chuyển dịch thành công của bạn bè quốc tế?”.
Quá trình chuyển dịch năng lượng không thể không nhắc đến tầm quan trọng của việc làm. Quyết định tỷ trọng năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh từ 6% lên 10,7% đã mở đường cho 315.000 việc làm tạo ra mỗi năm từ ngành điện, trong đó số lượng việc làm mới tạo ra từ năng lượng tái tạo cao gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch.
Tính toán nêu trên đồng nghĩa với năng lực đào tạo tại các trường đại học, trường dạy nghề cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra nguồn nhân lực phù hợp đáp ứng được nhu cầu trong nước. Nội dung này được trình bày tại hội thảo chuyên đề: “Huy động đồng lợi ích của các giải pháp giảm thiểu tác động Biến đổi khí hậu từ Năng lượng tái tạo”.
Tại tọa đàm ngày (18/9) sẽ được các chuyên gia tập trung vào vấn đề nóng là “Quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ là cơ hội vàng để thu hút đầu tư?”. Một loạt các vấn đề như nguồn tài chính, thu hút đầu tư quốc tế để Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo sẽ được các chuyên gia quốc tế và Việt Nam giải đáp.
Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long đang được đánh giá là vùng có tiềm năng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, đặc biệt là An Giang là tỉnh đi đầu trong ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Tại tuần lễ năng lượng tái tạo 2019, một chuyên đề về “Chuyển dịch năng lượng bền vững: Cơ hội và thách thức cho đồng bằng sông Cửu Long” sẽ được tổ chức vào ngày 20/9 tại TP. Long Xuyên tỉnh An Giang. Hội thảo với điểm nhấn chia sẻ và thúc đẩy các sáng kiến từ cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương về các mô hình phát triển năng lượng tái tạo phân tán và kết hợp.
Phát biểu tại phiên mở đầu của Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – Cơ quan điều phối VSEA chia sẻ: “Là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch”.
“Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, chúng ta cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm giữa các quốc gia, địa phương và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, mở đường đưa năng lượng sạch tới từng ngôi nhà Việt” - Bà Thụy Khanh nhấn mạnh.
Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 diễn ra từ ngày 17 - 20 tháng 9 tại Hà Nội và An Giang.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dua-nang-luong-sach-den-tung-ho-gia-dinh-549644.html