Đưa nghệ thuật đến gần với cộng đồng
Sở Văn hóa - Thể thao và Hội Sân khấu TP HCM đang triển khai chương trình quảng bá những tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao đến công chúng
Cụ thể, Nhà hát Kịch TP HCM sẽ diễn vở "Thành phố tình yêu"; Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam diễn chương trình múa rối nước "Hoa đất Việt", "Tứ linh hội tụ", "Anh hùng Nguyễn Trung Trực"; chương trình xiếc "Bí ẩn nơi đảo hoang", "Mekong show"; Nhà hát Trần Hữu Trang diễn vở "Câu hò đất mẹ", "Ngược gió"…
Sức sống mới cho sàn diễn
Theo các nhà chuyên môn, nghệ thuật sân khấu đã có sự chuyển mình, sôi động, tiến bộ về mọi mặt. Nhiều tác phẩm hoàn thành sứ mệnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong thời kỳ sau đại dịch COVID-19.
Năm 2022 đã diễn ra 8 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu, trong đó có 2 cuộc quốc tế, 7 cuộc quy mô toàn quốc. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập đều có tác phẩm tham dự liên hoan ở nhiều loại hình nghệ thuật.
Trong số 130 tác phẩm tham dự các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức năm 2022, có 3 tác phẩm đoạt giải xuất sắc, 27 tác phẩm đoạt huy chương vàng và 32 tác phẩm đoạt huy chương bạc. Những người trong cuộc nhận định nếu các tác phẩm này có kế hoạch đẩy mạnh công diễn phục vụ cộng đồng sẽ tạo sức sống mới cho sàn diễn cả nước.
Không ít ý kiến cho rằng chủ đề của các vở diễn, chương trình nghệ thuật tham dự các liên hoan thường khô khan, song NSƯT Thanh Điền khẳng định: "Biết cách làm thì tác phẩm sẽ mềm mại, nhẹ nhàng, có chiều sâu và đi vào trái tim khán giả. Điển hình như vở kịch "Dấu xưa" của tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc, do Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM đầu tư đã chiếm được cảm tình của công chúng qua hàng trăm suất diễn".
Thực tế cho thấy nhiều sáng tác trong thời gian gần đây đã tiếp cận khá tốt các chủ đề về đời sống đương đại, nâng cao giá trị thẩm mỹ với đa dạng góc nhìn và hình thức thể hiện, tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc nêu cao tinh thần yêu nước, khuyến khích lối sống tốt cho cộng đồng.
Đừng để dự thi rồi cất ngăn kéo
Điểm lại danh sách những vở diễn đã đoạt các giải cao của thành phố và trung ương như về kịch có: "Tội ác và quyền lực" (Sân khấu Phước Sang); "Nỏ thần", "Châu về hợp phố" (Sân khấu Hồng Vân); "Rặng trâm bầu", "Blouse trắng" (Sân khấu Trịnh Kim Chi); "Điều ước thiêng liêng", "Dấu xưa" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM); "Cánh đồng rực lửa", "Nắng chiều" (Sân khấu Quốc Thảo); "Dòng xoáy nghiệt ngã", "Thành phố tình yêu", "Đường bay" (Nhà hát Kịch TP HCM)…; các vở cải lương gồm: "Đường chân trời", "Thành phố buổi bình minh", "Chiến binh", "Rồng phượng", "Ngày đó họ đều còn trẻ", "Ngược gió", "Câu hò đất mẹ" (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); nhạc kịch "Cây bàng vuông" (Hội Sân khấu TP HCM); Sân khấu Sen Việt có "Vương quyền", "Vua thánh triều Lê"; Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt có "Chuyện tình Khau Vai", Nàng Xê Đa", "Đêm trước ngày hoàng đạo" (cả 3 vở đều đã được bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn Giải Mai Vàng); sân khấu hát bội có các vở: "Lê Công kỳ án", "Thiên Nga" (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM); kịch múa "Tổ quốc" (Trường Múa TP HCM); "Chạm tay vào quá khứ", "Còn mãi bản hùng ca" (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM)..., kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, kiến nghị cần sớm có giải pháp giúp các tác phẩm đoạt giải được công diễn rộng rãi, không thể kéo dài mãi tình trạng chỉ diễn dự thi rồi cất ngăn kéo.
Đạo diễn Lê Ích Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, cho biết mỗi tác phẩm được đầu tư sau khi tham dự các liên hoan đều đưa vào lịch diễn, bán vé phục vụ công chúng. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực như trường hợp của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam không nhiều. Các sân khấu vẫn đang khát những cơ chế, cách thức hỗ trợ phù hợp để có thể sáng đèn.
Sân khấu xã hội hóa của NSƯT Trịnh Kim Chi với vở "Blouse trắng" đã tạo được tiếng vang về cuộc chiến chống dịch COVID-19. "Bên cạnh các vở diễn thị trường tạo doanh thu nuôi sống đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, chúng tôi mong muốn có những hỗ trợ phù hợp cho những tác phẩm về đề tài cách mạng" - NSƯT Trịnh Kim Chi nói.
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, bộc bạch: "Nếu có được những sự hỗ trợ, nhà hát sẽ thuận lợi hơn trong việc đầu tư các vở diễn mới, có nội dung mà công chúng quan tâm hoặc những chủ đề giữ gìn truyền thống, cội nguồn".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/dua-nghe-thuat-den-gan-voi-cong-dong-20230310191735855.htm