Đưa Nghị quyết số 189/2025/QH15 vào cuộc sống: Dốc sức hiện thực hóa 'giấc mơ' điện hạt nhân Ninh Thuận - Bài 3: Ước nguyện được cống hiến của du học sinh Nga
Khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội thông qua và chỉ đạo triển khai chủ trương tái khởi động điện hạt nhân (ĐHN), không ít kỹ sư được đào tạo về lĩnh vực này tại Liên bang Nga vui mừng khôn xiết, ngóng chờ đến ngày được cống hiến xây dựng 'giấc mơ' ĐHN Việt Nam.

Sinh viên Việt Nam khóa 2015 - 2020 chụp ảnh trước phòng thí nghiệm (Nguyễn Trúc Phương đứng hàng đầu tiên bên trái). (Ảnh trong bài do các nhân vật cung cấp)
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, về đào tạo nguồn nhân lực ĐHN, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã cử 323 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến ĐHN tại các trường đại học của Liên bang Nga. Trong đó có 87 sinh viên là người tỉnh Ninh Thuận. Bộ GD&ĐT cũng đã làm việc với phía Nhật Bản về đào tạo nhân lực từ trình độ đại học trở lên cho Dự án ĐHN Ninh Thuận 2, trong đó đào tạo 100 sinh viên tại các trường đại học của Nhật Bản từ năm 2016. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã triển khai thực hiện dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các Nhà máy (NM) ĐHN Ninh Thuận 1&2 cho 31 sinh viên các chuyên ngành liên quan đến ĐHN.
Mong muốn được làm đúng ngành học
Cho đến bây giờ, cảm xúc mà Nguyễn Huỳnh Tuấn Kiệt (29 tuổi, Phó Phòng Hành chính - Lao động, NM Nhiệt điện Vĩnh Tân 4) nhớ nhất là lúc được thông báo đủ điều kiện sang Liên bang Nga du học về ĐHN vào năm 2014. Kiệt kể, sinh ra lớn lên tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, vào cuối năm cấp 2, đầu cấp 3 khi nhìn thấy lớp anh chị trong trường được chọn sang Nga học ĐHN, cậu bé 15 tuổi cũng ấp ủ ước mơ này. Trong những năm 2008 - 2009, Bộ GD&ĐT phối hợp với EVN tuyển dụng học sinh, sinh viên đưa sang đào tạo các khóa kỹ sư tài năng tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia về hạt nhân (MEPhI - Liên bang Nga). Ước mơ ấy là động lực lớn để Kiệt nỗ lực học tập thật tốt.
Kiệt nhớ lại, nhằm thu hút các học sinh có học lực khá, giỏi đăng ký dự thi, học tập và nghiên cứu ngành ĐHN trong kỳ thi đại học năm 2014, Ban Quản lý Dự án ĐHN Ninh Thuận phối hợp với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Bộ GD&ĐT và Trường Đại học Điện lực tổ chức hướng nghiệp chuyên ngành ĐHN cho học sinh lớp 12 đến từ các trường trung học phổ thông của tỉnh Ninh Thuận.
Với Nguyễn Huỳnh Tuấn Kiệt, sau khi có kết quả thi đại học, anh làm hồ sơ gửi Bộ GD&ĐT và trúng tuyển. Cũng trong năm này, anh cùng 26 du học sinh khác trong cả nước được đưa sang Liên bang Nga. Mất một năm học tiếng tại TP Obninsk - TP khoa học của Nga. Sau 1 năm, cả lớp chuyển về thủ đô Matxcơva tiếp tục học 5 năm nữa. Kiệt chọn chuyên ngành NM ĐHN: Thiết kế, vận hành và kỹ thuật. Đến cuối năm 2021, tất cả hoàn thành chương trình và về nước với 25 người hệ chuyên gia và 2 người hệ cử nhân.
Đang học dở dang ở nước bạn thì nghe tin tạm dừng Dự án NMĐHN, Kiệt nhớ lại, sinh viên trong lớp khi ấy cũng suy nghĩ mông lung, không biết học xong sẽ ra sao. Nhưng rất nhanh chóng, đại diện của Bộ GD&ĐT đã sang nói chuyện, động viên lớp, cứ cố gắng học cho tốt, sau này Dự án vẫn sẽ triển khai. Phía lãnh đạo EVN cũng sang hỏi nguyện vọng học xong về nước có muốn làm cho EVN hay ra ngoài… Những sự quan tâm kịp thời đã xốc lại tinh thần cho các sinh viên.
Năm 2021, sau 6 năm học tập, 27 du học sinh trở về nước, đại đa số được phân công làm việc tại các NM, dự án của EVN trải khắp nước. Bản thân Kiệt làm tại một dự án tại Quảng Trạch (Quảng Bình), sau 2 năm trở về quê Ninh Thuận, công tác tại NM Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (có trụ sở tại TP Phan Rang - Tháp Chàm). Kiệt cho biết, hiện tại có khoảng 50 người đã đi học ở Nga đang làm tại NM Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, phần đông là người con của Ninh Thuận.
Kiệt chia sẻ, bản thân làm trong NM nhiệt điện hay thủy điện cũng không khác nhau mấy. Tuy nhiên, Kiệt vẫn muốn được làm đúng ngành học bên Nga. Anh thông tin, những năm đầu đi làm, cả lớp ai cũng nghe ngóng thông tin về Dự án ĐHN. Cuối năm ngoái, nghe tin tái khởi động Dự án NMĐHN, cả lớp họp bàn sôi nổi, ai cũng hồ hởi, vui mừng. Vào đầu năm 2025, EVN đã làm một khảo sát nguyện vọng đối với những người đã đi học ở Nga về.
“Nửa mừng, nửa lo”
Hơi khác so với trường hợp của Nguyễn Huỳnh Tuấn Kiệt, nhóm bạn cùng lớp ở Nga khóa 2015 - 2020 gồm: Phạm Văn Vũ, Nguyễn Bá Thọ, Nguyễn Trúc Phương - những người được Nhà nước chọn đi học về ĐHN lúc đang là sinh viên của các trường đại học trong nước. Cả ba đều sinh năm 1996, có 5 năm gắn bó ở Liên bang Nga. Những ngày vừa qua, cứ sau giờ làm, Vũ, Thọ, Phương lại rủ nhau tụ tập cà phê tại thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), sôi nổi bàn về câu chuyện tái khởi động hai Dự án NMĐHN.

Sinh viên khóa 2014 - 2020 thực tập tại Nhà máy Điện hạt nhân Novoronhez.
Cả ba kỹ sư đều nhớ như in vào năm 2015, khi được chọn đi Nga, lúc đó tất cả đang học năm nhất đại học. Phạm Văn Vũ (người Ninh Thuận, hiện làm tại NM Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, cách nhà 60km) đang là sinh viên khoa Kỹ thuật hạt nhân của Đại học Đà Lạt. Nguyễn Bá Thọ (quê Bình Thuận, hiện làm việc cho Công ty Dịch vụ sửa chữa các NM điện EVNGENCO3) đang là sinh viên khoa Công nghệ thông tin của Đại học Công nghệ thông tin TP HCM. Nguyễn Trúc Phương (quê Quảng Nam, hiện làm việc tại Công ty Điện gió Thuận Nhiên Phong - Bình Thuận) đang học Khoa Vật lý hạt nhân của Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM.
Lớp của nhóm 3 bạn này gồm hơn 50 sinh viên sang TP Vladivostok (Nga) học 2 năm đầu. Từ năm thứ 3 đến khi tốt nghiệp, chuyển về học tại MEPhI (TP Obninsk) với chuyên ngành Công nghệ hạt nhân và vật lý nhiệt. Ra trường và trở về nước, một số làm việc cho EVN, một số ra ngoài xin việc nhưng đa số vẫn làm các dự án, công ty liên quan đến năng lượng hoặc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Tuy vậy, một số khi về nước đã bỏ nghề từng học.
Giờ đây, khi nghe chủ trương tái khởi động Dự án NMĐHN, Trúc Phương nửa mừng, nửa lo. Mừng vì công học hành bao năm bên nước bạn sẽ có thể không uổng phí, nhưng nỗi lo “không biết còn nhớ được mấy” về ngành học cứ ám ảnh các kỹ sư trẻ. Từ khi ra trường, Thọ tuy làm trong ngành sửa chữa NM điện, phải học thêm rất nhiều để làm công việc hiện tại. Ngoài ra, nay ai cũng có công việc ổn định, một số có gia đình, để triển khai dự án mới, mọi người cần phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thay đổi.
Chiến lược an ninh quốc gia đầy ý nghĩa
Trước tin vui tái khởi động Dự án NMĐHN, Nguyễn Huỳnh Tuấn Kiệt đánh giá, tái khởi động ĐHN không chỉ là câu chuyện về năng lượng mà còn mang ý nghĩa chiến lược cho an ninh quốc gia. Thực tế, qua quá trình đi học và làm việc, anh nhận thấy các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã và đang gia tăng tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong cơ cấu điện năng của mình để đối phó với các thách thức về năng lượng.
Ngoài ra, theo Kiệt, việc tái triển khai dự án ĐHN sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tiến xa hơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ hạt nhân không chỉ dừng lại ở sản xuất điện mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia (nông nghiệp, y học…), tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp ĐHN.

Các sinh viên Việt Nam chụp ảnh sau buổi học tại Viện Công nghệ kỹ thuật Volgodonsk khóa 2014 - 2020.
Kết thúc buổi gặp gỡ với chúng tôi, Nguyễn Huỳnh Tuấn Kiệt nhấn mạnh, quyết định tái khởi động ĐHN chắn chắn sẽ là một bước đi mới giúp Việt Nam vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao, vừa thực hiện được cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đồng thời là nền tảng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế xanh, hiện đại và bền vững trong tương lai.
Cũng trải qua 6 năm học tập và nghiên cứu công nghệ ĐHN ở Nga, anh Nguyễn Nhật Trường (phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm) trở về nước và làm việc tại NM Nhiệt điện Vĩnh Tân. Anh Trường kể, năm 2013 anh là một trong những học sinh đầu tiên ở Ninh Thuận được cử sang Nga để học tập ngành Thiết kế, xây dựng và vận hành NMĐHN tại MEPhI.
Đến năm 2016, khi có chủ trương tạm dừng dự án ĐHN, bản thân anh cùng nhiều du học sinh khác có lo lắng nhưng vẫn không ngừng học tập với mong muốn sớm trở về cống hiến cho quê hương.
“Nay Dự án ĐHN Ninh Thuận được tái khởi động, mở ra cơ hội mới cho nguồn năng lượng sạch của quốc gia và là xu hướng của thế giới hiện nay. Tôi hy vọng Dự án sớm được triển khai thực hiện và nếu có cơ hội, tôi sẽ đóng góp sức mình bằng những kiến thức học ngay trên chính quê nhà”, anh Trường bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, một du học sinh ngành ĐHN khác, đã về nước năm 2021, phấn khởi cho rằng việc tái khởi động ĐHN Ninh Thuận sẽ mở ra cơ hội mới cho nhiều du học sinh trở về cống hiến đúng chuyên ngành. Ngoài ra, Dự án cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho học sinh, sinh viên và người dân địa phương nói chung.
“Những gì chúng tôi đã được học cho thấy công nghệ ĐHN rất hiện đại, tạo ra nguồn năng lượng dồi dào để phục vụ các ngành kinh tế. Vì thế, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có NMĐHN và bản thân được đóng góp vào sự phát triển đó”, chị Dung chia sẻ.
“Đánh thức” nguồn nhân lực ĐHN
Cách đây gần 15 năm, vào ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”. Đề án đặt mục tiêu quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục đại học, trung tâm đào tạo chuyên ngành phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong thời gian đầu tập trung vào 5 cơ sở giáo dục đại học: Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Điện lực, cùng với Trung tâm Đào tạo thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ).