Khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc và thúc đẩy phong trào đọc sách trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tích cực đổi mới hoạt động, đa dạng công tác truyền thông, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, nghiên cứu, học tập và giải trí ngày càng cao của độc giả.

Cán bộ Thư viện tỉnh giới thiệu sách tới độc giả

Cán bộ Thư viện tỉnh giới thiệu sách tới độc giả

Nhằm thúc đẩy và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động, chương trình góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thời gian qua, Sở VHTT&DL đã chỉ đạo Thư viện tỉnh, yêu cầu thư viện các huyện và thư viện cấp xã tổ chức đa dạng hoạt động như: triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách; đổi mới hình thức phục vụ thư viện lưu động; yêu cầu Thư viện tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh; Bảo tàng tỉnh tổ chức lồng ghép hoạt động đưa sách về cơ sở và tích hợp các hoạt động trải nghiệm; yêu cầu Thư viện tỉnh tăng cường giới thiệu sách lên website của đơn vị.

Bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng và thu hút độc giả đến với thư viện, thời gian qua đơn vị đã đổi mới hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách. Trước năm 2010, thư viện chỉ giới thiệu sách trên bảng thông báo, thì nay, thư viện đã ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, số hóa trên 1.000 tài liệu sách để phục vụ độc giả. Đặc biệt, nếu như từ năm 2020 trở về trước, các cuộc trưng bày sách tại Thư viện tỉnh vẫn còn rất hạn chế, (từ 1 đến 3 cuộc/năm), thì từ năm 2021 đến nay, hằng năm Thư viện tỉnh đã tổ chức hơn 10 cuộc trưng bày và xếp sách nghệ thuật. Hoạt động trưng bày không chỉ thực hiện ở Thư viện tỉnh mà còn được thực hiện tại các huyện, thành phố.

Song song với đó, những chuyến xe thư viện lưu động đưa về cơ sở cũng được thực hiện với nhiều nội dung kết hợp thông qua việc kết nối giữa các đơn vị như Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã tạo nên sức hấp dẫn cho các hoạt động đọc sách trong thế hệ trẻ. Từ năm 2024 đến nay, Thư viện tỉnh đã phục vụ gần 100 buổi bằng xe thư viện lưu động tại các địa bàn khó khăn, các đồn biên phòng, Trại tạm giam Công an tỉnh và các trường học trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, Thư viện tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, các đơn vị trường học tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về sách như: Đại sứ văn hóa đọc; vẽ tranh; kể chuyện theo sách…

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Quan Bản, huyện Lộc Bình đọc sách tại xe Thư viện lưu động

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Quan Bản, huyện Lộc Bình đọc sách tại xe Thư viện lưu động

Bà Hứa Thị Ngọc, hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Quan Bản, huyện Lộc Bình cho biết: Không chỉ là các buổi đọc sách đơn thuần mà tại các chuyến xe lưu động hiện nay còn có nhóm đọc sách, nhóm xem phim khoa học, nhóm trải nghiệm tư liệu lịch sử, thực hành làm theo sách… Tôi thấy những hoạt động này rất bổ ích và ý nghĩa vì đã khuyến khích việc đọc, tìm hiểu và xây dựng thói quen, kỹ năng, phương pháp đọc phù hợp, cũng như tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp cận với nhiều sách hay.

Thời gian gần đây, việc đọc sách online đã trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều người, do đó, công tác phát triển văn hóa đọc thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được đẩy mạnh. Thư viện tỉnh cũng thường xuyên cập nhật, đăng tải hoạt động triển lãm trên trang fangape với tên gọi: “Thư viện Lạng Sơn”. Đến nay, Thư viện đã thực hiện số hóa được gần 3.000 trang tài liệu, trang bị 6 máy tính tại xe thư viện lưu động, phục vụ nhu cầu truy cập Internet của các độc giả vùng sâu, vùng xa… Nhờ đó, trong quý I năm 2025, Thư viện tỉnh phục vụ trên 20.000 lượt độc giả, thực hiện luân chuyển trên 22.000 lượt sách tới các điểm luân chuyển trên địa bàn tỉnh. Đến nay, thư viện có gần 6.000 thẻ bạn đọc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập, từ năm 2021 đến nay, bên cạnh duy trì thư viện truyền thống, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường chú trọng hướng dẫn cho học sinh, sinh viên kỹ năng khai thác tài liệu trên các thư viện điện tử và tìm kiếm, chọn lọc, sử dụng thông tin trên mạng Internet, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong trường học.

Trên cơ sở hướng dẫn của sở, cùng với đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, các trường từ cấp tiểu học đến THTP đã tích cực tuyên truyền học sinh đọc sách điện tử; lập trang thông tin nội bộ và đăng tải bài viết, tài liệu, sách trên trang. Nhiều trường như THPT Hữu Lũng (huyện Hữu Lũng); THCS Mai Pha, Tiểu học Vĩnh Trại (thành phố Lạng Sơn) … duy trì chuyên mục “5 phút sách hay mỗi ngày” trên fanpage, nhóm zalo lớp học. Qua đó, học sinh và giáo viên cùng giới thiệu sách, chia sẻ trích đoạn yêu thích, truyền cảm hứng đọc.

Thầy Đặng Ngọc Tú, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhà trường đã đăng tải các tài liệu phục vụ học tập, những mẩu chuyện, chia sẻ kinh nghiệm học tập lên trang web của trường. Ở đây, học sinh không chỉ đọc mà còn được nêu ý kiến, nhận xét, bình luận, nêu cảm nhận về kiến thức đã đọc và có thể chia sẻ những cuốn sách mình yêu thích lên các trang mạng xã hội như zalo, facebook… Chính điều đó đã lan tỏa tích cực hơn phong trào đọc sách trong học sinh.

Qua tuyên truyền, hướng dẫn từ nhà trường, giáo viên, cùng với thiết bị truy cập mạng Internet, học sinh từ cấp tiểu học trở lên trên địa bàn tỉnh đã dần biết cách tiếp cận và đọc sách điện tử. Em Chu Hải Nam, học sinh lớp 6A1, Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Ngoài thời gian học, em tranh thủ vào mạng tìm kiếm những cuốn sách hay để đọc. Cùng đó, em đăng ký trang ebook để đọc sách online, nhờ đó, em có thể tìm được rất nhiều sách trên mạng Internet ở tất cả các lĩnh vực, kể cả sách tham khảo, sách giáo khoa…

Năm 2025, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), trên khắp các địa phương của tỉnh đều sôi nổi các hoạt động nhằm lan tỏa sách và văn hóa đọc trong cộng đồng. Các hoạt động diễn ra liên tục từ tháng 4 đến ngày 1/5/2025, trọng tâm từ ngày 15/4 đến 1/5/2025.

Tiêu biểu, UBND thành phố Lạng Sơn tổ chức các chương trình hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong 2 ngày (8-19/4) tại Phố đi bộ Kỳ Lừa với những đổi mới, linh hoạt trong hoạt động giới thiệu sách như: trình diễn trang phục dân tộc; các hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian truyền thống, trình diễn đóng vai và kể chuyện theo sách… đặc biệt, lực lượng đoàn viên thanh niên còn hướng dẫn người dân quét mã QR để truy cập vào thư viện điện tử đọc sách trực tuyến miễn phí, đồng thời, chia sẻ file mềm các cuốn sách đã được số hóa trên các trang mạng xã hội của Thành đoàn.

Chị Đỗ Lan Anh, Phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi đưa con đến Phố đi bộ Kỳ Lừa vào ngày 18/4 vừa qua và được hướng dẫn quét mã QR để đọc sách. Sau khi quét mã bằng điện thoại tôi nhanh chóng được hướng dẫn tới kho sách của nhasachmienphi.com với hàng nghìn đầu sách, truyện đa dạng các thể loại. Tôi thấy hoạt động này rất bổ ích và thiết thực.

Cùng với thành phố Lạng Sơn, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc với đa dạng hoạt động. Được biết, từ đầu tháng 4/2025 đến nay, trên 90% các cơ quan, đơn vị, trường phổ thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng với nhiều hình thức, tiêu biểu như: Trường THPT Văn Lãng, giới thiệu sách online bằng video trên fanpage trường; trường THPT Hoàng Văn Thụ tổ chức cuộc thi trưng bày sách và giới thiệu về sách, phát thanh tuyên truyền đầu giờ trên loa phát thanh của đơn vị, phát thanh tuyên truyền ý nghĩa của việc đọc sách…

Với những nỗ lực của các cấp, ngành trong việc đổi mới, đa dạng hoạt động đưa sách tới cộng đồng đã góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách cũng như đẩy mạnh phong trào đọc sách trong các tầng lớp Nhân dân để thực hiện xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, hình thành lối sống lành mạnh trong cộng đồng.

Tuyết Mai

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/doi-moi-de-thuc-day-phong-trao-doc-sach-trong-cong-dong-5044924.html