Đưa nguồn vốn tín dụng đến gần người dân
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Điện Biên Đông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau 10 năm thực hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện được tăng cường, đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Tạo sinh kế bền vững
Đến huyện Điện Biên Đông, chúng tôi được gặp gỡ và nghe chia sẻ của không ít người dân về câu chuyện vượt khó, cải thiện đời sống gia đình từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình ông Lò Văn Lún, tổ dân phố 1, thị trấn Điện Biên Đông gặp rất nhiều khó khăn. Quanh năm, cả nhà chỉ trông cậy vào vài nghìn mét ruộng nước. Năm nào được mùa thì cả nhà đủ ăn, năm nào thiên nhiên không ủng hộ, lúa mất mùa, gia đình lại thiếu đói. Thời gian nông nhàn, ông Lún làm đủ thứ việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành. Vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm mà vẫn quanh quẩn với cái nghèo.
Năm 2015, ông Lún bày tỏ nguyện vọng muốn vay vốn tín dụng chính sách với Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của Tổ dân phố 1, để phát triển chăn nuôi gia súc. Sau quá trình khảo sát, xem xét, Tổ TK&VV tổ dân phố 1 đã tạo điều kiện, giải ngân cho ông Lún vay 50 triệu đồng. Ông Lún đã dựng chuồng trại, mua 3 trâu, bò giống để phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại. Ông Lún trồng thêm cỏ, ngô sinh khối và thu gom rơm rạ làm thức ăn cho gia súc.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tổng đàn gia súc của ông Lún đã tăng thêm theo từng năm, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Đến năm 2019, ông Lò Văn Lún đã trả hết nợ Ngân hàng CSXH và chính thức thoát nghèo bền vững.
Ông Lò Văn Lún, cho biết: “Trong hoàn cảnh khó khăn, nguồn vốn chính sách ưu đãi là đòn bẩy quan trọng giúp gia đình tôi phát triển mô hình chăn nuôi, từng bước ổn định và thoát nghèo.”
Tương tự, hộ ông Lường Văn Phương, tổ dân phố 1 cũng là hộ nghèo đã được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng tín dụng chính sách để phát triển chăn nuôi trâu sinh sản. Năm 2023, ông Phương mua 5 con trâu giống. Đến nay, cả 5/5 con trâu đang chuẩn bị sinh sản lứa đầu tiên.
Ông Lường Văn Phương cho biết: “Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, tổng đàn trâu của gia đình tôi sẽ tăng gấp đôi, lên 10 con. Nguồn vốn vay ngân hàng CSXH đã giúp những người nghèo như chúng tôi có điều kiện để phát triển kinh tế, từ đó từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.”
Tổ TK&VV tổ dân phố 1 thị trấn Điện Biên Đông thành lập từ năm 2007. Đến nay, tổng dư nợ của tổ đạt 2,2 tỷ đồng với 4 chương trình vay vốn: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và giới thiệu việc làm. Từ các nguồn vốn này, nhiều hộ dân trên địa bàn đã có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như các hộ: Cà Thị Phương, Lò Văn Muôn, Lò Thị Biên, Lò Văn Lún, Trần Thị Hường…
Hiện nay, nguồn vốn tín dụng CSXH đã đến gần với những hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, tạo đà phát triển kinh tế, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi học xong trung cấp chuyên ngành thú y, anh Lò Văn Phóng, bản Mường Luân 2 (xã Mường Luân) trở về địa phương vay vốn Ngân hàng CSXH thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp. Với 50 triệu đồng làm vốn, anh Phóng khởi nghiệp với 10 con lợn thịt, mấy chục con gia cầm. Đến nay, anh Phóng đã đầu tư mở rộng, nâng cấp từ mô hình gia trại thành trang trại với quy mô hơn 1.000m2. Mỗi năm anh Phóng xuất bán khoảng 3 tấn lợn thịt, cùng hàng nghìn con gia cầm; thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng/năm.
Anh Lò Văn Phóng cho biết: “Tuổi trẻ, tôi luôn khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nhưng nhà nghèo nên không có vốn đầu tư. Thật may mắn là nguồn vốn chính sách đã giúp tôi và gia đình phát triển mô hình chăn nuôi, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.”
Nguồn vốn không ngừng tăng trưởng
Điện Biên Đông là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn với 13 xã khu vực III và 1 thị trấn thuộc khu vực II. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Với quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự triển khai tích cực của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, công tác tín dụng CSXH trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đến 31/7/2024 tổng nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn huyện đạt 510,879 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương chuyển về là 463,310 tỷ đồng, tăng 102,895 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 41,472 tỷ đồng, tăng 18,101 tỷ đồng. Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 6,106 tỷ đồng, tăng 1,558 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt 279,863 tỷ đồng với 4.674 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 155,025 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 510,504 tỷ đồng, tăng 124,828 tỷ đồng so với đầu năm 2023.
Về chất lượng tín dụng, nợ quá hạn và nợ khoanh là 1,632 tỷ đồng, chiếm 0,32% tổng dư nợ. Từ 11 chương trình tín dụng năm 2014, đến nay tăng lên 17 chương trình tín dụng chính sách. Dư nợ tín dụng chính sách luôn tăng trưởng qua các năm với tốc độ bình quân đạt trên 21,1%/năm.
Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho 4.748 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội với số tiền 284,702 tỷ đồng. Cùng với đó, 744 công trình nước sạch, công trình vệ sinh được xây mới, cải tạo; 288 căn nhà ở cho hộ nghèo được xây mới, cải tạo; tạo việc làm cho 580 lao động. Trên địa bàn có 2 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg được vay vốn 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên Đông cho biết: Đơn vị tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác tại địa phương. Nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn đã được thực hiện góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Sau 10 năm triển khai, Chỉ thị 40 đã đi sâu vào cuộc sống và tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đã tăng qua các năm. Năm 2024, huyện đã chuyển vốn từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH đạt 1 tỷ đồng (cao nhất trong 10 năm qua). Qua đó, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn.