Đưa nhạc Việt vượt biên giới
Thời gian qua, 'See tình' của ca sĩ Hoàng Thùy Linh và nhóm DTAP gây sốt các nền tảng mạng xã hội. Nhiều ca sĩ Việt Nam cũng tạo được hiệu ứng truyền thông khi kết hợp với các nghệ sĩ nước ngoài như Sơn Tùng M-TP, Soobin... hay mới đây nhất là Ðức Phúc với 911.
Công thức thành công
Ra mắt từ năm 2022, những ngày qua, ca khúc “See tình” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đang nhận được sự quan tâm của người yêu nhạc trên khắp thế giới.
Tính đến hiện tại, “See tình” đã có tới hơn 41 triệu lượt xem trên YouTube, với cả các nền tảng nghe nhạc và mạng xã hội khác, lượng nghe trực tuyến ca khúc này lên tới hàng trăm triệu lượt.
Ca khúc See tình hiện đang tiếp tục gây sốt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Rất nhiều người hát lại, nhảy theo như Seunghoon (Winner), Shindong (Super Junior), Chúc Tự Đan, Angelababy, Vương Diệu Khánh, Vương Hạc Đệ, Hà Cảnh, Trương Nghệ Hưng.
Thời gian qua, nhạc Việt còn có những ca khúc lan tỏa mạnh ở các nước, từ châu Âu đến Nam Mỹ và nhiều nhất là Trung Quốc, Thái Lan. Chẳng hạn như Quang Hùng MasterD (với Dễ đến dễ đi), Phong Max - Tăng Duy Tân (Ngẫu nhiên), nhà sản xuất Hoaprox (Ngẫu hứng), rapper Pháo (Hai phút hơn).
Theo Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: “Khi nghe những bài này, tôi không ngờ sáng tác của các bạn trẻ Việt Nam đã lan tỏa như vậy. Các bạn trẻ đang ngày càng bắt nhịp được với thế giới và bắt đầu có những tác phẩm được chú ý. Khoan nghĩ sâu xa, mà ta hãy cứ vui trước vì những thông tin như vậy trong đời sống nghệ thuật giải trí hiện nay, khi các bạn trẻ đã từng bước tiếp cận với người nghe các nước, còn khi nào làm được show, bán vé được ở nước ngoài mới nói đến chuyện xa hơn".
Phân tích về thành công của những ca khúc “hot trend” gần đây, các chuyên gia âm nhạc cho rằng, các thế hệ nhạc sĩ trước thường thích viết giai điệu cầu kỳ, lời bài hát thường phải mang tính ước lệ và hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa, nhiều câu chuyện lồng ghép trong đó, và chính vì cách phát triển giai điệu như vậy nên dù bài hát có nổi tiếng với người Việt Nam đến đâu nhưng khi những giai điệu này được phát cho khán giả các nước khác nghe thì họ khó mà cảm thụ ngay và yêu thích được.
Nhưng các nhà sản xuất bây giờ rất cập nhật và nắm bắt những xu hướng âm nhạc thế giới, các bạn cũng nghiên cứu kỹ các ca khúc thịnh hành trên thế giới, vì vậy khi sáng tác/sản xuất, tác phẩm cũng đáp ứng được "gu" nghe nhạc của khán giả quốc tế.
Mặt khác, thực tế cho thấy, nhiều người chia thích những đoạn nhạc viral trên mạng xã hội hơn, khi tìm vào nghe cả bài thường bị thất vọng vì chất lượng không như mong đợi. Bởi thế họ ít khi tìm nghe bản full. Đây cũng là điểm yếu của nhiều người sáng tác nhạc đăng trên mạng xã hội, tức làm sản phẩm kiểu "mì ăn liền", chỉ cần một đoạn bắt tai, lôi cuốn để "hợp trend".
Là chủ nhân bản hit “hai phút hơn” từng gây sốt ở quốc tế, rapper Pháo chia sẻ: Điểm chung cho sự thành công của các ca khúc được viral ở thị trường quốc tế 50% đến từ sự khác biệt trong cá tính âm nhạc của mỗi nghệ sĩ. Màu sắc riêng mang âm hưởng Việt Nam là điều mới mẻ trên thị trường quốc tế. Các nghệ sĩ cũng ngày càng chỉn chu trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân và chất lượng sản phẩm để có thể ngang tầm với các sản phẩm quốc tế.
50% còn lại là sự đầu tư và chuyên nghiệp của các thương hiệu, hãng thu âm quốc tế. Họ đã dành nhiều tâm huyết trong việc thực hiện kế hoạch quảng bá trên các nền tảng nghe nhạc, giúp âm nhạc Việt Nam tiếp cận được với đông đảo khán giả quốc tế hơn.
Để nhạc Việt vươn xa hơn
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Việt Nam kết hợp với quốc tế được phát hành như Sơn Tùng M-TP (với rapper Snoop Dogg), K-ICM (với Plastik Funk, Polmoya và 9tySlac), Soobin (với Ji Yeon của nhóm T-ara), Thanh Bùi (với Tata Young) hay mới nhất là Ðức Phúc (với nhóm nhạc huyền thoại 911)… hoặc thông qua các hãng thu âm lớn mà họ là ca sĩ được chọn khai thác độc quyền như Hoàng Duyên (với Calum Scott), Vũ (với Lukas Graham).
Mặc dù vậy, những sự hợp tác ấy mới dừng lại trong việc tạo ra hiệu ứng truyền thông, chứ thực chất vẫn chưa thể nói lên điều gì từ kỳ vọng vươn ra thế giới. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, để nhạc Việt thực sự có chỗ đứng trên thế giới thì còn hành trình dài.
“Chúng ta luôn nghĩ có một nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc nhưng đó mới chỉ là nguồn lực, tài nguyên mà chúng ta chưa thể khai thác hay mài dũa thành các sản phẩm có chất lượng cao đẳng cấp thế giới. Tôi nghĩ việc đầu tiên là phải có khát vọng vươn ra thế giới, cần có kế hoạch tỉ mỉ và nền công nghiệp âm nhạc cũng như đời sống âm nhạc Việt Nam phong phú" - nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.
Trong chiến lược xuất khẩu văn hóa, chính phủ Hàn Quốc chủ trương tự do hóa ngành thời trang, mỹ phẩm, âm nhạc, điện ảnh, Hàn Quốc trở thành trung tâm mua sắm, nghe nhìn của châu lục, thậm chí vươn tầm toàn cầu.
Tại Việt Nam, hiệu ứng một số ca khúc Việt Nam đã hé mở cánh cửa để thế giới biết tới nhiều hơn về âm nhạc Việt và rộng hơn là văn hóa thiên nhiên thông qua các MV. Nhưng để nhạc Việt tiến ra thế giới một cách vững vàng cần một chiến lược và tầm nhìn dài hơi của các cơ quan quản lý, người làm nghệ thuật.
“Sau sự xuất hiện của TikTok, nhiều bài hát Việt Nam viral (phổ biến nhanh chóng) trên toàn thế giới, nhưng nghệ sĩ Việt Nam vẫn chưa nổi tiếng và có nhiều fan quốc tế. Bởi không chỉ dừng ở một bài nhạc, mà đằng sau đó là hình ảnh, câu chuyện… để khi sản phẩm được biết đến, khán giả sẽ tìm xem nghệ sĩ đó có gì hay ho, thú vị để follow hay không”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-nhac-viet-vuot-bien-gioi.html