Đua nhau đổ tiền 'giải' hạn
Dường như đã trở thành mốt, 'đến hẹn lại lên', những ngày này, hàng ngàn người, chẳng kể già trẻ, nam nữ đã ùn ùn kéo đến chùa chiền đăng ký 'dâng sao, giải hạn'… tập thể. Thậm chí đã xuất hiện cả 'cò' với những mức giá giải hạn tùy chùa to nhỏ.
Đổ tiền… “giải” xấu
Tại Hà Nội, đông nhất phải kể tới chùa Phúc Khánh (sát cầu vượt Ngã Tư Sở, Hà Nội) luôn ùn tắc khi hàng nghìn người tới đăng ký giải hạn, mà con số vẫn dài bất tận. Chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Hà cũng tổ chức cầu an giải hạn với đóng góp từ 100.000 - 300.000 đồng/mỗi người hoặc gia đình.
Tại đền Ghềnh (Long Biên- Hà Nội), suốt một đoạn dài dẫn vào trước cửa đền là quán hàng nước, những hàng bốc quẻ cầu may đầu năm. Mỗi một chủ gian hàng có trong tay danh sách 4 - 5 thầy cúng với các giải hạn sao xấu, cầu quan...
Theo một “cò” cho hay, với lễ giải hạn năm 49 tuổi mà muốn thăng quan tiến chức thì phải làm 3 lễ, gồm: Trả nợ Tào quan, dâng sao giải hạn và trả mã Tứ phủ. Lễ trả mã Tứ phủ khoảng 25 triệu, còn dâng sao giải hạn hết 5 triệu. Ngoài ra còn có tiền thầy cúng 2 triệu, tiền nhà đền 1 triệu. Còn nếu giải hạn trọn gói cho cả gia đình khoảng 10 người, giá cả dao động từ 10 - 20 triệu đồng.
Chị Hiền Chi (Long Biên) cho biết: “Gia đình mình năm nào cũng cúng sao giải hạn, bất kể xấu, tốt để yên tâm làm ăn. Có năm mình đăng kí theo bên nhà ngoại, năm theo bên nhà nội. Tùy theo giá cả, nếu giải hạn ở những chùa lớn tiền sẽ cao hơn ở những chùa nhỏ. Nhà mình 5 người có lẽ hết khoảng 1 triệu gì đó. Nhìn chung, mình chẳng biết “giải” được bao nhiêu, nhưng thấy xong một việc tâm linh cũng nhẹ nhõm lắm”…
Đó là với những gia đình thường thường bậc trung, chưa thấm tháp gì với giới kinh doanh, khi đến cầu cửa nhà các “cậu” có tiếng thì mức giá còn “trên trời”. Chẳng hạn “cậu” Bảy, ở Đội Cấn, từ trước tết đến giờ “cậu” tiếp không ít đoàn đến xin “cậu” xếp lịch, xem ngày lập đàn giải hạn đầu năm. Mỗi đàn như yêu cầu của cả gia chủ lẫn thầy trên dưới trăm triệu đồng. Phải làm như vậy gia chủ mới yên tâm, làm ít hơn người ta chê mình sơ sài, giải không đến nơi đến chốn - “cậu” lý giải.
Họa, phước tại ta!
Thượng tọa Thích Thanh Duệ - Phó trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.
Đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, Ngài chỉ dạy chúng ta về luật nhân quả: “Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”. Gieo nhân nào thì gặt quả đó, thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước.
Sở dĩ trong nhà chùa có làm lễ cầu an đầu năm cho Phật tử là với mong ước gia đình quý Phật tử được an lạc hạnh phúc, nhưng khi làm lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn.
Nghi lễ cầu an trong chùa hoàn toàn khác với nghi lễ cúng sao giải hạn trong các cơ sở thờ tự của đạo Thánh. Người cầu an phải đến chùa cùng tụng niệm, cùng nhất tâm hướng thiện. Còn cầu an mà chỉ ghi danh rồi giao phó cho nhà chùa cứ đọc tên thì chẳng có lợi gì.
Có thể nói, những người làm lễ cúng sao giải hạn thường nghĩ đơn giản cúng một ít lễ vật, mất một ít tiền để mua sự bình an mà không hiểu đó giống như mất một ít tiền hối lộ cho các thần linh để mua sự may mắn. Và cũng vì những lý ấy, họ đã biến các thầy cúng thành kẻ môi giới hối lộ, họ làm cho dịch vụ cúng sao nở rộ khắp mọi nơi, đặc biệt là các điện thờ tự mở của các cô đồng, bà cốt đầu năm là mùa làm ăn hốt bạc.
Hiện ở nhiều điện phủ tư nhân, các thầy cúng “tự phong” đã dựa vào tâm lý lo lắng, sợ hãi, mê tín, nhẹ dạ của người dân để trục lợi, để bày ra đủ chiêu trò. Hết mang sao xấu ra hù dọa để người người nhờ họ cúng sao giải hạn, đến cúng sao tốt để tăng phước, nào là hái lộc đầu xuân, xin xăm bói toán, cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết, rồi nữa là tụng kinh cho linh hồn, kêu gọi đóng tiền công đức, đúc tượng… Tất cả đều là những kiểu kinh doanh lừa bịp như kiểu bán vé vào Thiên Đường mà giá vé đắt, rẻ gì cũng bán (!).
Và chẳng biết sự hóa giải của dâng sao, giải hạn tập thể đồng loạt cho… hàng ngàn người cho một đàn lễ tới đâu, nhưng hễ khi gặp vận rủi thiên hạ lại tự an ủi: “ Thôi thế là nhẹ rồi”… Và không ít người tin rằng “có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành” và hàng trăm triệu đổ ra cho cái sự “tin” ấy. Bởi thế, không ít các thầy chân tu chia sẻ: “Nếu Phật ban phát, giải hạn được thì sức khỏe, tiền bạc sẽ dồn hết cho tất cả những người giàu có hay sao? Và nếu giải hạn được đã không có những “người hùng” lừng lẫy như anh em nhà Dương Chí Dũng phải chịu hậu quả như hôm nay. Phúc, đức là ở chính tâm mình, không tiền bạc nào mua được”…
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/dua-nhau-do-tien-giai-han-178163.html