Đua nhau mở ngành sức khỏe

Mùa tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học tư đã công bố mở hàng loạt ngành thuộc khối ngành sức khỏe. Đây là điều đáng mừng hay đáng lo trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y?

Sinh viên ngành Dược học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học

Sinh viên ngành Dược học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học

Một trường mở 8 ngành sức khỏe

Năm 2021, Trường ĐH Văn Lang dự kiến mở các ngành mới thuộc khối sức khỏe gồm Y đa khoa, Y học cổ truyền. Trước đó, trường này cũng vừa mở ngành Răng hàm mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng cho biết sẽ mở 2 ngành mới là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng.

Ngày 30-12-2020, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố đề án tuyển sinh năm 2021, dự kiến tuyển mới 16 ngành. Trong đó, đáng chú ý là mở đến 8 ngành khối sức khỏe. Trước đó, trường này cũng vừa mở các ngành Y đa khoa, Bác sĩ răng hàm mặt. PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, nhà trường quyết định tuyển mới các ngành học thuộc khối ngành sức khỏe là do nhu cầu hiện nay của xã hội rất lớn.

Cách đây một năm, nhiều trường đại học tư ở phía Nam cũng đồng loạt mở ngành sức khỏe. Đáng nói hơn là năm 2019, Bộ GD-ĐT siết đầu vào 12 khối ngành sức khỏe, nhưng các trường thuộc khối đại học tư ở các tỉnh phía Nam cũng đồng loạt được mở thêm nhiều ngành về sức khỏe để thu hút sinh viên.

Năm 2019, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mở thêm ngành Y khoa. Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai mở ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng. Năm 2018, Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép Trường ĐH Nam Cần Thơ đào tạo ngành Y đa khoa. Năm 2020, Trường ĐH VinUni cũng được mở ngành Y đa khoa qua việc hợp tác với Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ). Năm 2019, Khoa Y (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng mở thêm ngành Dược và Răng hàm mặt hệ chất lượng cao.

Nếu như giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, chỉ có chưa tới 20 trường ĐH công lập đào tạo khối ngành sức khỏe thì đến nay khối ngành này được nhiều trường đa ngành và ĐH tư thục mở khá nhiều.

Tăng cường hậu kiểm

TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021, cho rằng: “Để siết lại đầu vào, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn cho 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe. Việc đưa ra ngưỡng điểm như vậy bước đầu nhận được sự đồng thuận của xã hội, trước thực tế nhiều trường có điểm đầu vào quá thấp. Vì vậy, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ GD-ĐT chọn một số bác sĩ, giáo sư giỏi thực hiện thanh tra chuyên môn một số trường ĐH, nếu đào tạo không có chất lượng thì dừng, không cho phép được đào tạo… Đó mới là kế sách lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TPHCM, cho biết: “Việc cho mở nhiều ngành sức khỏe tôi không phản đối, vì như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh và nhiều cơ hội cho người học. Tuy nhiên, mở ngành phải đi đôi với các điều kiện đảm bảo chất lượng như giảng viên, cơ sở vật chất thực hành, thực tập. Cùng với đó, việc kiểm soát đầu vào phải song hành với việc tăng cường hậu kiểm và công tác kiểm định chất lượng đầu ra. Không thể để tồn tại những cơ sở đào tạo kém chất lượng”.

Một nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM cho rằng, nhân lực ngành y tế của Việt Nam nằm trong số 49 nước có số lượng thấp của thế giới. Trước nhu cầu nhân lực ngành y tế rất lớn, một số trường ở VN tăng quy mô đào tạo, có trường tuyển cả ngàn sinh viên ngành y mỗi năm, là việc làm đáng báo động, vì ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong khi trường công lập chưa gánh vác hết nhiệm vụ đào tạo, nếu có đầy đủ tiêu chí để đảm bảo chất lượng, trường tư cũng vào cuộc tham gia đào tạo. Hiện nay, hầu hết trường ĐH có đào tạo ngành y trên thế giới đều là trường đa ngành, thậm chí đa lĩnh vực. Mô hình đúng đắn là đào tạo y dược nằm trong trường ĐH đa ngành, vì sẽ hỗ trợ rất nhiều về chất lượng.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, chúng ta không vì số lượng mà buông chất lượng. Trong bối cảnh hiện nay, việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục nói chung và khối ngành Y nói riêng là nên làm. Song, về mặt quản lý phải kiểm soát chất lượng chặt chẽ, kiểm định chặt các tiêu chí mở ngành, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; không thể để tình trạng các trường “mượn” tên giảng viên, khai khống, trường không đạt chuẩn vẫn được phép đào tạo.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dua-nhau-mo-nganh-suc-khoe-707147.html