Đưa nông sản ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu
Để lớn mạnh trong nội địa, chinh phục thế giới, nền kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL phải làm mới bằng những cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ
Ngày 21-12, diễn đàn "Mekong Connect 2020" khai mạc tại tỉnh Đồng Tháp. Đây là lần thứ 5 diễn đàn được tổ chức trên tinh thần liên kết tự nguyện giữa 4 tỉnh, thành trong mạng lưới ABCD - Mekong gồm An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp và sự đồng hành của Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng một số đơn vị liên quan.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, liên kết là xu thế tất yếu, là đòn bẩy cho phát triển. Bởi khi kinh tế mở cửa, bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nguy cơ sản phẩm và DN Việt thua trên sân nhà là kịch bản hiện hữu. Vì vậy, mục đích của diễn đàn Mekong Connect 2020 là tìm ra giải pháp để hàng Việt không chỉ chinh phục được người tiêu dùng trong nước mà còn cả thị trường quốc tế.
Diễn đàn năm nay, các đại biểu sẽ phân tích, làm rõ những lợi ích, cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại đối với các sản phẩm nông nghiệp và quá trình phát triển của ĐBSCL trong tương lai.
Không ứng dụng công nghệ, khó đi xa
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cho hay thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững. "Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này, DN Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm" - ông Minh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản nước ta năm 2020 ước đạt trên 40 tỉ USD. Theo ông Lê Minh Hoan, các sản phẩm nấm, cà phê, mía đường, trái cây… và nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam cần gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm gia tăng giá trị. Để làm được điều này, các DN dẫn đầu tham gia Mekong Connect có thể cùng liên kết, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm chế biến từ nông nghiệp có giá trị cao.
"Trong sản xuất nông nghiệp cần làm thế nào phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, không lạm dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu để sản xuất ngày càng nhiều nông sản sạch. Trước những thách thức của biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120. Hy vọng với chương trình hành động trong 10 năm tới, cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL sẽ được cải thiện, từ đó tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản kết nối chuỗi giá trị toàn cầu" - ông Lê Minh Hoan lưu ý.
Bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN khẳng định các sản phẩm thô, sơ chế, chưa có thương hiệu sẽ ở phân khúc hàng giá thấp, không tạo được nhiều giá trị gia tăng nên chỉ có thể tiêu thụ tại địa phương hoặc xa hơn là thị trường nội địa. "Muốn ra thế giới, các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hàm lượng chế biến sâu, có thương hiệu" - bà Thùy nhấn mạnh.
Ưu tiên hạ tầng và nguồn nhân lực
Nói về giải pháp phát triển đồng bằng, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng bên cạnh đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, các tỉnh, thành trong khu vực cần ưu tiên phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực.
Nhấn mạnh vai trò của hạ tầng giao thông, ông Lộc đề nghị 13 tỉnh, thành trong khu vực cùng chung tay kiến nghị trung ương đẩy mạnh phát triển hạ tầng có sự kết nối đồng bộ với nhau và với TP HCM. Bên cạnh đó, cần kiến nghị trung ương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển miền Tây, thành lập trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu quốc tế đặt tại ĐBSCL...
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, cho biết xu thế hiện nay, công nghệ số và dữ liệu trở thành lực lượng sản xuất. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động hỗ trợ kinh doanh, xúc tiến thương mại, thời gian tới, vùng ĐBSCL cần hình thành mục tiêu chiến lược vùng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. "Các địa phương cần tập trung hình thành các hệ sinh thái số, nhanh chóng cấp mã vùng trồng để bảo đảm truy xuất nguồn gốc nông sản; hình thành thương hiệu cho sản phẩm, DN, ngành song song với các hoạt động xúc tiến thương mại" - ông Phú gợi ý.
Đừng ham thị trường dễ tính!
Tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo: Ham thị trường dễ tính, Việt Nam sẽ bị thị trường khó tính lãng quên. Theo bà Lan, sự quan tâm thái quá về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vốn dễ tính có thể sẽ làm cho sự hào hứng và động lực đối với EVFTA cùng một số thị trường khó tính nguội lạnh. Bởi các DN Việt Nam sẽ ít cố gắng hơn trong việc phấn đấu đạt các chuẩn mực về hàng hóa và các yêu cầu bảo vệ môi trường từ các thị trường khó tính.