Đưa nông sản 'go global' bằng doanh nghiệp công nghệ Việt
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với tỉnh này trong việc ứng dụng công nghệ để phân phối các sản phẩm địa phương, đưa nông sản Việt 'go global'.
Sở TT&TT tỉnh Đồng Nai vừa ký kết hợp tác chiến lược cùng 5 công ty công nghệ về việc triển khai phần mềm quản lý kinh doanh tập trung cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên toàn tỉnh.
Theo đó, Sở TT&TT Đồng Nai mong muốn các doanh nghiệp công nghệ đồng hành giúp tỉnh phân phối các sản phẩm địa phương, trong đó có các mặt hàng nông sản OCOP tới tận tay người tiêu dùng trong vào ngoài nước.
Hoạt động này vừa diễn ra tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai tổ chức tuần lễ Chuyển đổi số. Trong lần đầu tổ chức, sự kiện này đã thu hút 70 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia và hơn 22.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm thực tế.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ Gadget (Callio) đã cam kết tư vấn và hướng dẫn tỉnh triển khai mô hình kinh doanh D2C (Direct to Consumer, doanh nghiệp phân phối sản phẩm trực tiếp tới khách hàng), đồng thời tặng 30% phí sử dụng phần mềm cho năm đầu tiên.
Theo thông tin từ Callio, hiện đã có 7 đơn vị tại Đồng Nai áp dụng sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ này trong quản lý bán hàng và giao tiếp với khách hàng. Callio sẵn sàng cùng các cơ quan liên quan tại Đồng Nai kết nối với nhiều hơn các doanh nghiệp trẻ, cung cấp công cụ công nghệ hiệu quả và trang bị cho họ tư duy, kinh nghiệm phát triển thị trường.
Ngoài Callio, Busmap, Chatbot Vietnam, 1Office, ILOKA cũng là 4 công ty công nghệ khác được Sở TT&TT cùng Tỉnh đoàn Đồng Nai lựa chọn để hợp tác với tỉnh theo các tiêu chí hiệu quả, an toàn, thuận tiện và dễ dàng triển khai.
Việc chủ động ký kết hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp nhằm triển khai các giải pháp công nghệ cho thấy quyết tâm của tỉnh Đồng Nai trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số trên địa bàn.
Theo ông Giang Thiên Phú, CEO Callio, Đồng Nai có rất nhiều nông sản có thể bán ra cả nước thay vì chỉ gói gọn trong địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản mới thành lập cần đặt ra bài toán làm thế nào để sản phẩm của doanh nghiệp mình có mặt trên toàn quốc thông qua các phương tiện công nghệ, thương mại điện tử.
“Các doanh nghiệp trẻ ở Đồng Nai hoàn toàn có thể tạo ra đòn bẩy để mở rộng thị trường ra quốc tế, miễn là có sản phẩm chất lượng tốt, và các công cụ hỗ trợ quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh thông minh, tinh gọn”, ông Giang Thiên Phú khẳng định.
Đồng Nai là cửa ngõ đi vào Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Đây cũng là 1 trong 3 góc nhọn của tam giác phát triển TP. Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai. Địa phương này cũng có nguồn nhân khẩu dồi dào với khoảng 3 triệu dân, xếp thứ 5 cả nước về quy mô dân số.
Tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn Đồng Nai có hơn 51.500 doanh nghiệp hoạt động, trong đó khoảng 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về cơ cấu ngành nghề, phân phối, bán lẻ chiếm tỷ lệ khoảng 36%, công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng chiếm tỷ lệ khoảng 39%,... Đồng Nai cũng có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế khi sở hữu nhiều cụm công nghiệp nghề truyền thống và hơn 32 khu công nghiệp như Long Thành, An Phước, Nhơn Trạch II, Biên Hòa II, Amata…
Theo bảng xếp hạng ICT Index năm 2022, Đồng Nai đạt 0,5687 điểm, xếp hạng 8 cả nước, tăng 26 bậc so với năm 2020 (năm 2021 không tổ chức đánh giá, xếp hạng). Trong khu vực Đông Nam bộ, Đồng Nai hiện là tỉnh dẫn đầu về chỉ số này, cao hơn cả TP.HCM (hạng 11) và Bà Rịa - Vũng Tàu (hạng 19). Trong thời gian qua, để thúc đẩy chuyển đổi số, Đồng Nai đã thành lập được khoảng 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 6.400 thành viên.