Đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống bán lẻ quốc tế
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD, hướng đến mốc 70 tỷ USD. Tuy nhiên, những biến động về thuế quan và phi thuế quan toàn cầu ngay từ những tháng đầu năm đã đặt mục tiêu này trước nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế này đòi hỏi các ngành chức năng phải nhanh nhạy đổi mới, đa dạng phương thức tiêu thụ nông sản; trong đó chú trọng đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống bán lẻ quốc tế để gia tăng lượng khách hàng, giá trị sản phẩm.

Thủy sản Việt Nam là một trong những mặt hàng có mặt tại hệ thống bán lẻ trên nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: ĐỨC AN)
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý I/2025, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra với sản lượng thu hoạch cây lâu năm, sản lượng gỗ khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng khá nhờ ứng dụng công nghệ cao. Đây là lượng hàng hóa lớn cần đẩy mạnh tiêu thụ để bảo đảm thu nhập cho nông dân và bứt phá tăng trưởng toàn ngành.
Ít xuất hiện trên kệ hàng bán lẻ quốc tế
Theo Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới, hiện hàng nông sản Việt Nam đã có mặt tại một số siêu thị, hệ thống bán lẻ nước ngoài, như siêu thị Walmart, Costco, Target (Mỹ); Tesco, Marks & Spencer, Sainsbury's (Vương quốc Anh); Carrefour (Pháp); Lidl và Aldi (Đức); Aeon, Ito Yokado, 7-Eleven (Nhật Bản); E-Mart, Homeplus, Lotte Mart (Hàn Quốc); Woolworths và Coles (Australia); Big C, Tesco Lotus (Thái Lan); Carrefour và Lulu Hypermarket (Trung Đông)… với các sản phẩm chủ yếu là trái cây, gạo, cà-phê, gia vị và sản phẩm chế biến sẵn.
Tuy nhiên, lượng nông sản Việt Nam vào các kênh bán lẻ quốc tế hiện chưa nhiều. Nông sản Việt Nam chủ yếu vẫn được xuất khẩu theo hình thức B2B (Business-to-Business) giữa các doanh nghiệp.
Trong mô hình này, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà phân phối khác. Còn đối với kênh bán lẻ thì doanh nghiệp sẽ bán trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân theo phương thức B2C (Business-to-Consumer).
Lượng nông sản Việt Nam vào các kênh bán lẻ quốc tế hiện chưa nhiều. Nông sản Việt Nam chủ yếu vẫn được xuất khẩu theo hình thức B2B (Business-to-Business) giữa các doanh nghiệp. Trong mô hình này, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà phân phối khác. Còn đối với kênh bán lẻ thì doanh nghiệp sẽ bán trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân theo phương thức B2C (Business-to-Consumer).
Theo ông Paul Le-Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam, trên các kệ siêu thị bán lẻ nước ngoài, sự hiện diện của nông sản Việt Nam còn rất ít do lâu nay Việt Nam chủ yếu tập trung vào yếu tố sản lượng trong xuất khẩu. Theo đó, các mặt hàng thường được xuất khẩu theo số lượng lớn đến các nhà phân phối, từ đó họ đóng gói sản phẩm và tạo dựng thương hiệu riêng khi đến tay khách hàng.
Cụ thể như trái cây, muốn vào các siêu thị bán lẻ thì sản phẩm nên được chia thành từng hộp nhỏ, từng mức giá tương ứng với chất lượng, bao bì mẫu mã đẹp, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay chưa nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây làm được điều này.

Sơ chế xoài xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung (tỉnh Đồng Tháp). (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Đối với mặt hàng gạo, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng để lựa chọn một sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam tại các kệ siêu thị bán lẻ quốc tế lại rất khó.
Là một trong số ít doanh nghiệp đưa được thương hiệu gạo Việt Nam vào hệ thống siêu thị quốc tế, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, từ năm 2022, gạo Lộc Trời mang thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã vào được siêu thị Carrefour và Leclerc - hai hệ thống phân phối hàng đầu nước Pháp.
Theo ông Thòn, việc này không dễ dàng mà mất rất nhiều thời gian làm việc với các đối tác quốc tế để tiếp cận hệ thống bán lẻ đại siêu thị-phân khúc cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ phức tạp bậc nhất châu Âu và thế giới. Khi tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ có lượng khách hàng lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm chất lượng cao và có sự độc đáo về giá trị sử dụng. Mặc dù vậy, những đòi hỏi từ phía các nhà bán lẻ thường rất cao và chi tiết, cụ thể với nhiều hạng mục yêu cầu.
Đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) cho biết: Khang An Foods-công ty con của Fimex VN vừa nhận đơn hàng thủy sản rất lớn từ chuỗi bán lẻ Costco (Mỹ). Đây là chuỗi bán lẻ lớn thứ 3 thế giới.
Để có được đơn hàng này, Khang An Foods là một trong những công ty đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế như BRC-grade A, phòng lab nội bộ đạt ISO 17025, vùng nguyên liệu bền vững ASC.
Khang An Foods cũng là thành viên của Sedex-tổ chức hàng đầu thế giới trong việc nâng cao môi trường làm việc, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội-với các báo cáo theo tiêu chuẩn Smeta được đánh giá hằng năm.
Xúc tiến thương mại, tạo dựng thương hiệu
Theo bà Ngô Tường Vy-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi bán lẻ quốc tế thì chất lượng sản phẩm phải được chú trọng hàng đầu. Các lãnh đạo và cán bộ của công ty đã tham gia các hội chợ hàng nông sản quốc tế cũng như quan sát hệ thống siêu thị bán lẻ tại nhiều quốc gia và đều nhận thấy người tiêu dùng hiện nay lựa chọn sản phẩm phần lớn dựa trên chất lượng chứ không phải giá cả. Mặc dù có những giai đoạn kinh tế gặp khó khăn chung khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu nhưng ăn ngon, sạch, tốt cho sức khỏe lại là xu hướng ngày càng phổ biến trong ngành thực phẩm.
“Mặt khác, khách hàng tại các chuỗi bán lẻ đặc biệt quan tâm đến thương hiệu sản phẩm. Khi đã gây dựng được thương hiệu sẽ tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng mặc định lựa chọn. Khi người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm chất lượng sẽ thúc đẩy hệ thống bán lẻ tăng cường nhập khẩu trở lại”-bà Vy khẳng định.
Khách hàng tại các chuỗi bán lẻ đặc biệt quan tâm đến thương hiệu sản phẩm. Khi đã gây dựng được thương hiệu sẽ tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng mặc định lựa chọn. Khi người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm chất lượng sẽ thúc đẩy hệ thống bán lẻ tăng cường nhập khẩu trở lại.
Bà Ngô Tường Vy-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu
Cùng quan điểm này, bà Trần Như Trang-Đại diện quốc gia Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) tại Việt Nam cho rằng, chất lượng và thương hiệu là hai yếu tố quan trọng cho sự tồn tại của hàng nông sản tại các hệ thống bán lẻ quốc tế. Tuy nhiên, muốn có chất lượng thì phải có các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn và có đầu mối bán hàng tập trung với số lượng lớn và ổn định. Tại Việt Nam hiện nay, việc sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc thu mua sản phẩm từ một đầu mối không dễ.
Do đó, các hợp tác xã cần có sự liên kết sản xuất với nhau và liên kết với các doanh nghiệp lớn để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín nhằm bảo đảm chất lượng và số lượng hàng hóa. Càng vào các kênh bán lẻ thì yêu cầu về chất lượng sản phẩm càng cao, trong đó không chỉ là chất lượng vật lý đo đếm được mà còn có các yếu tố khác quyết định đến lựa chọn của người tiêu dùng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tính nhân văn của sản phẩm hay các câu chuyện kể thú vị về vùng đất, con người làm ra sản phẩm. Đây cũng là những điều khác biệt của hình thức đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng so với hình thức xuất khẩu cho đại lý, nhà phân phối hay nhà nhập khẩu nguyên liệu.
Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa, để nâng cao năng lực tiếp cận hệ thống bán lẻ toàn cầu cho nông sản thì công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò mấu chốt. Do đó, bên cạnh việc quan tâm đến các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hằng năm, doanh nghiệp nên chủ động, tích cực kết nối tham gia các hội chợ nông sản, thực phẩm quốc tế, để từ đó có cơ hội gặp gỡ trực tiếp các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, thậm chí có thể nhanh chóng tiến tới đàm phán và ký kết hợp đồng xuất khẩu.
Đây cũng là cách quảng bá sản phẩm tiết kiệm chi phí nhất cho doanh nghiệp mà vẫn mang lại hiệu quả tiếp cận cao với lượng khách hàng lớn trong thời gian ngắn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-nong-san-viet-nam-vao-he-thong-ban-le-quoc-te-post875732.html