Đưa nông sản Việt sang Trung Quốc qua đường chính ngạch để xóa ùn tắc cửa khẩu
Xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc và nhanh chóng chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là giải pháp căn cơ để nông sản không ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc.
Đổi mới chính sách xuất khẩu nông sản để giải quyết tận gốc tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu
Tại tọa đàm “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” chiều 4-3, bà Đỗ Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – cho biết việc ùn ứ xe hàng xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Tại tỉnh Lạng Sơn, lượng xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe tính tới sáng 4-3, trong đó có 800 xe chở nông sản.
Điều này, theo bà Hà, khiến chính quyền địa phương phải tạm ngừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi qua Lạng Sơn đến 15-3.
Vị này cũng dự báo lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn sẽ đạt mức 2.000 xe từ 15-3 đến 20-4 do nông sản đang vào chính vụ. Ngoài ra, khả năng tiêu thụ nông sản của thị trường nội địa chưa nhiều.
Vì vậy, hàng nông sản dự kiến vẫn chuyển lên các cửa khẩu khiến tình hình ùn ứ kéo dài.
Xe nông sản chờ thông quan qua đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài. Ảnh minh họa: TTXVN.
Lý giải thực trạng này, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) – cho rằng có 3 yếu tố dẫn tới tình trạng ùn ứ nông sản, gồm: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; chính quyền tư duy nhiệm kỳ.
Với nông dân và doanh nghiệp, ông nhận xét cách làm kinh tế nông nghiệp hiện vẫn “mù mờ” giữa cung và cầu, đôi khi giống như “đi buôn chuyến” nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu.
“Tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường. Quan hệ thương nhân hai bên vừa qua cũng là vấn đề, hoàn toàn phụ thuộc vào biến động thị trường”, ông Hoan nhận xét.
Với chính quyền các địa phương, ông cho biết hoạt động nuôi trồng ở các địa phương hầu hết là thả nổi để người nông dân tự làm.
“Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng bao nhiêu héc-ta, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ sản lượng chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn”, ông Hoan nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch với quan niệm Trung Quốc là thị trường “dễ tính”. Nhưng khi thị trường này thay đổi thì doanh nghiệp trở tay không kịp.
“Trước đây, chúng tôi có công ty xuất khẩu tinh bột hoa sang Trung Quốc, việc xuất khẩu này mười mấy năm vẫn diễn ra bình thường. Đến giai đoạn 2010-2012, Chính phủ Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới, bạn hàng cũng yêu cầu chúng tôi phải thay đổi công nghệ mới có thể đáp ứng xuất khẩu được”, ông Bình dẫn chứng và cho biết nhiều sản phẩm nông sản hiện phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói mới có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đồng quan điểm, ông Lê Minh Hoan cho biết thị trường Trung Quốc đã chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu sự thay đổi thị trường Trung Quốc.
Nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thờ ơ.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng nông sản tại các cửa khẩu, ông Hoan cho rằng cần lộ trình và hành động rõ ràng để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch, đường mòn lối mở sang chính ngạch.
Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các hiệp hội, ngành hàng bàn thảo xây dựng phương án chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch trong tuần tới.
“Phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics”, ông Hoan phân tích.
Ông cũng dự kiến chọn Quảng Ninh làm trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu. Tại trung tâm này, phía Trung Quốc có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang để kiểm tra một lần duy nhất. Sau đó, xe chở nông sản phía Việt Nam có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ giữa thương nhân hai bên.
Với trường hợp xảy ra dịch bệnh, khu vực này sẽ là “vùng xanh” để bảo đảm nông sản Việt Nam đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, quy định phòng dịch của Trung Quốc.
Với trường hợp xảy ra ùn ứ, nông sản sẽ được sơ chế, bảo quản tại kho lạnh để tránh hàng nằm ở container dẫn tới giảm chất lượng.
Hiện Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng chủ trương đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trở thành Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu do chính quyền tỉnh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư. Sau tỉnh Quảng Ninh sẽ là tỉnh Lạng Sơn.
Bên cạnh việc tạo lập trung tâm kết nối, ông Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cũng cần tổ chức, phát triển sản xuất theo chuỗi, hệ sinh thái và tín hiệu thị trường. Cụ thể, bộ phát triển đề án riêng cho từng thị trường xuất khẩu trọng điểm như Trung Quốc, EU.
“Việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia. Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố Liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin”, ông Hoan nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương – cho rằng cần tiến hành 3 công đoạn để đưa nông sản Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Thứ nhất, phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường.
Thứ hai, chính quyền các tỉnh và các cơ quan gồm: hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật cần triển khai thủ tục nhanh hơn.
Thứ ba, tuân thủ các nguyên tắc tại các hiệp định thương mại tự do hai bên đã tham gia như RCEP, ASEAN-Trung Quốc.
Cũng theo ông Chinh, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản.
Vân Phong