Đưa pháp luật đến gần hơn với người dân

Tuyên truyền trực tiếp qua hội nghị, lồng ghép trong các cuộc họp thôn, thông qua tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở…, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã huy động cả hệ thống chính trị chung tay đưa pháp luật đến gần hơn với người dân.

Khi một số luật, chính sách mới có hiệu lực như: Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023; nghị định quy định về giá đất; nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở…, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà Hồ Thị Hạnh và cán bộ tư pháp xã, trưởng các thôn đã đến tận nhà người dân để tuyên truyền, phổ biến. Qua tuyên truyền, người dân nắm cơ bản những quy định mới để áp dụng vào thực tiễn.

Hoạt động đưa pháp luật về cơ sở, hướng về cộng đồng được xã Đăng Hà chú trọng thực hiện

Hoạt động đưa pháp luật về cơ sở, hướng về cộng đồng được xã Đăng Hà chú trọng thực hiện

Anh Lê Xuân Đức ở thôn 3, xã Đăng Hà cho biết, vì lo làm kinh tế nên các luật mới, chính sách mới anh chưa nắm bắt được. Cán bộ xã, thôn đến tuyên truyền, phân tích cặn kẽ các quy định pháp luật cũng như dẫn chứng cụ thể đã giúp anh hiểu hơn về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, về những quy định mới liên quan đến Luật Đất đai và các luật khác. “Cán bộ xã rất nhiệt tình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở…, do điều kiện còn hạn chế, người dân không thường xuyên cập nhật. Tôi cũng như người dân thôn 3 cảm ơn chính quyền xã đã phổ biến pháp luật đến bà con” - anh Đức bộc bạch.

Đưa pháp luật về cơ sở, hướng về cộng đồng đã và đang được xã Đăng Hà chú trọng thực hiện. Một trong những điểm mới của công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật năm 2024 của xã là mở rộng đối tượng tuyên truyền, từ người già tới trẻ em. Qua đó, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Cũng nhờ các buổi tuyên truyền ở cơ sở và những lần tập huấn mà người dân nơi đây phần nào nắm bắt được các quy định pháp luật.

Chị Phạm Thị Thoa ở thôn 3, xã Đăng Hà chia sẻ: Những chính sách mới ban hành, chúng tôi cũng được nghe, xem, đọc trên đài, báo, nhưng chưa hiểu hết được. Nhờ cán bộ xã, thôn đến nhà tuyên truyền nên chúng tôi nắm bắt kỹ hơn. Tôi mong muốn được phổ biến nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật, từ đó áp dụng vào cuộc sống hiệu quả.

Bà Hồ Thị Hạnh (bìa phải) và các cán bộ xã Đăng Hà tuyên truyền văn bản mới, chính sách mới cho người dân

Bà Hồ Thị Hạnh (bìa phải) và các cán bộ xã Đăng Hà tuyên truyền văn bản mới, chính sách mới cho người dân

Anh Trương Văn Đạt, Trưởng thôn 3, xã Đăng Hà phân trần: “Do cuộc sống người dân còn khó khăn nên việc nắm bắt pháp luật cũng hạn chế. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật của chính quyền địa phương, người dân còn chủ động tìm hiểu thông tin trên mạng hay xem tivi, đọc báo… nên phần nào nắm được cơ bản quy định pháp luật”.

Xã Đăng Hà hiện có 1.402 hộ dân, trong đó 74% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng, sống bằng nghề trồng lúa nước và cây công nghiệp. Các dân tộc có truyền thống đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có được kết quả này là nhờ chính quyền địa phương luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân.

Mặc dù còn nhiều khó khăn song với những nỗ lực theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở Đăng Hà đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đây là yếu tố quan trọng để củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự trị an, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã vùng sâu, vùng xa.

Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà HỒ THỊ HẠNH

Bà Hồ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà cho biết, để người dân tiếp cận các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đặc biệt những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người dân, những tháng đầu năm 2024, xã đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp 2 đợt, đồng thời thông tin tuyên truyền qua nhóm Zalo, Facebook của xã và qua hệ thống truyền thanh cơ sở, lồng ghép trong các cuộc họp; tuyên truyền bằng văn bản giấy... Qua đó, nhận thức của người dân về pháp luật được nâng lên.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Đây là phương thức để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả, thời gian tới cần đổi mới nội dung, hình thức và phương thức phổ biến phù hợp với từng đối tượng, qua đó vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định pháp luật.

Gia Nghi

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/162306/dua-phap-luat-den-gan-hon-voi-nguoi-dan