Đưa pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống
Ngày 9/11, Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến ôn lại mục đích, ý nghĩa Ngày Pháp luật Việt Nam và phổ biến các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5/2023.
Ngày Pháp luật Việt Nam có nguồn gốc từ sự kiện lịch sử quan trọng là ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 9/11/1946). Đây là bản Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo, thể hiện tư tưởng lập hiến, dân chủ, quyền con người và quyền công dân của Nhân dân Việt Nam. Những giá trị của Hiến pháp 1946 vẫn được gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay.
Để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người, Quốc hội Việt Nam đã quyết định chọn ngày 9/11 làm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật) trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012.
Sống và làm việc theo pháp luật
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: “Ngày Pháp luật Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của Nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ ở Việt Nam. Hằng năm, vào Ngày Pháp luật, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trên cả nước đều tổ chức nhiều hoạt động như PBGDPL; tổng kết, đánh giá công tác xây dựng, thi hành pháp luật; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này”
Để Ngày Pháp luật năm 2023 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, hiệu quả và phấn đấu mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật và để thực hiện tốt mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Ông Trần Minh Đức đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 và Ngày pháp luật hàng tháng trên địa bàn tỉnh thiết thực, hiệu quả. Qua đó tiếp tục tôn vinh, khẳng định vị trí, vai trò Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người trong xã hội, tăng cường khuyến khích, động viên các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy hơn nữa các sáng kiến, mô hình, giải pháp hiệu quả thiết thực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
“Với kết quả đã đạt được trong thời gian qua và sự đóng góp tích cực, sự hưởng ứng nhiệt tình, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân, Ngày Pháp luật Việt Nam tiếp tục là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa sâu sắc và góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu tin tưởng.
Thông qua Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật; là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân; Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân: Xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi nâng cao mạnh mẽ nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân, thể hiện thái độ của các thành viên trong xã hội đối với kỷ cương, pháp luật; là sự đánh giá và ghi nhận tính công bằng của pháp luật.
Đặc biệt, phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là khẩu hiệu đầu tiên của việc thi hành pháp luật là cầu nối để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội.
Tại Hội nghị, Đại tá Bùi Xuân Khởi – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tiếp ý kiến, Luật sư Lê Hải Lâm – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu giới thiệu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dua-phap-luat-di-vao-thuc-tien-cuoc-song-post494735.html