Đưa phim về buôn làng

Đồng bào dân tộc thiểu số thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) chăm chú xem phim. Ảnh: THIÊN LÝ

Với phương châm hướng về cơ sở phục vụ người dân tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển…, Đội Chiếu phim lưu động (CPLĐ) thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh đã tích cực đưa những thước phim hay, ý nghĩa đến với Nhân dân.

Vượt hơn 50km từ trung tâm TP Tuy Hòa đến thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), chúng tôi cùng bà con háo hức chờ đón xem buổi CPLĐ phục vụ đồng bào nơi đây.

Thu hút người xem

Theo ông Ngô Văn Nhất, phụ trách Đội CPLĐ, hiện đội được chia thành 4 tổ, mỗi tổ 2-3 người, có nhiệm vụ CPLĐ và phục vụ tuyên truyền đến các thôn, buôn vùng xa, vùng sâu, vùng bãi ngang ven biển. Để chuẩn bị cho buổi chiếu, từ 16 giờ, các anh lắp ráp máy móc, dựng màn chiếu, loa đài... Khi mặt trời xuống núi cũng là lúc bà con đồng bào đi làm rẫy về, tiếng loa từ đội lưu động cất lên: Alô! Alô... Kính thưa toàn thể bà con, đúng 19 giờ tối nay, tại Nhà văn hóa thôn Suối Bạc, chúng tôi chiếu phim phục vụ bà con. Rất mong bà con đến xem... Alô! Alô.

Không khí nơi đây nhộn nhịp khi tiếng nhạc bắt đầu nổi lên. Chưa đến giờ nhưng trẻ em, người già trong thôn đã háo hức đến sớm. Em Kso Minh bộc bạch: “Con thích lắm, đi học về tranh thủ ăn cơm xong là chạy sang đây luôn”.

Mở đầu buổi chiếu là chương trình giao lưu karaoke. Người đến xem mỗi lúc một đông. Đúng 19 giờ, phóng sự Chí khí người Cộng sản Việt Nam - Những hạt giống đỏ, phim tài liệu Đường tới độc lập tự do và phim truyện Bình minh đỏ, Sinh mệnh lần lượt được phát. Mọi người theo dõi phim chăm chú, trật tự; đến khi kết thúc phim, nhiều người tỏ ý muốn được xem tiếp.

Như nhiều hộ dân trong thôn Suối Bạc, sau ngày lao động vất vả, gia đình mí Thu ăn cơm sớm hơn mọi ngày để đi xem phim. “Lần trước đi rẫy về muộn nên không xem được, vì thế tối nay, tôi về sớm để dẫn các con đi xem, đứa nào cũng vui và háo hức lắm!”, mí Thu thổ lộ.

Nỗ lực đưa phim hay về cơ sở

Sau khi dịch COVID-19 tạm ổn, Đội CPLĐ đã thực hiện 5 đợt chiếu phim với gần 200 buổi chiếu phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, thu hút nhiều người dân đến xem. Nội dung phim đa dạng, phong phú, nguồn phim được đổi mới, gồm: Bài ca cách mạng, Những ca khúc hát về Phú Yên (phim ca nhạc); Nữ tướng Mê Linh, Người thầy của muôn đời (phim hoạt hình); Chí khí người cộng sản Việt Nam - Những hạt giống đỏ (phóng sự tuyên truyền); Đường tới độc lập tự do (phim tài liệu); Bình minh đỏ, Hạnh phúc của mẹ, Sinh mệnh (phim truyện)...

Sau khi kết thức đợt 5, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tiếp tục tổ chức chiếu phim tuyên truyền đợt 6 tại các xã Ea Bia, Đức Bình Tây, Đức Bình Đông, Sơn Giang và xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh). Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh năm 2022, đợt chiếu phim này nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội tiếp tục chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tăng cường kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; tư vấn vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, xâm hại trẻ em; tuyên truyền, đẩy mạnh vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách con người; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Ông Võ Tấn Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết: So với trước đây thì cơ hội tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng của người dân dễ dàng hơn, nên loại hình CPLĐ không còn thịnh hành. Vì vậy, để thu hút khán giả đến với CPLĐ, các đội CPLĐ đã tổ chức thí điểm giao lưu karaoke 15 phút đầu để chương trình thêm phong phú. Từ các bộ phim do Cục Điện ảnh cấp, các đội CPLĐ cân nhắc lựa chọn những bộ phim hài hòa giữa yếu tố chính trị và giải trí, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của người dân từng vùng. “Ngoài chiếu phim phục vụ bà con, Đội CPLĐ còn chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến với các tầng lớp Nhân dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển…”, ông Hoàng cho biết thêm.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/277749/dua-phim-ve-buon-lang.html