Quyết định đưa hệ thống tên lửa phòng không tự hành sang tỉnh Idlib là bằng chứng cho thấy ý định của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến xa hơn nữa, trong cuộc leo thang của cuộc xung đột đang diễn ra ở Idlib, và nhằm răn đe ý đồ của lực lượng không quân Nga – Syria.
Hệ thống phòng không tầm thấp mà Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang Syria đó là hệ thống FIM-92 Stinger, được gắn trên xe thiết giáp M-113 có tên là ATILGAN PMADS.
Các chỉ huy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng những hệ thống phòng không này sẽ ngăn chặn không quân Syria hoặc cố gắng để đẩy lùi các cuộc tiến công của lực lượng không quân vũ trụ Nga; tuy nhiên một quyết định như vậy có vẻ khá phiêu lưu, thay vì biện chứng về mặt chiến thuật.
Trên thực tế, hệ thống phòng không tầm thấp ATILGAN của Thổ Nhĩ Kỳ đưa đến Idlib của Syria trên thực tế chỉ là loại tên lửa phòng không cầm tay (MANPADS) Stinger, được tích hợp thành hệ thống và sử dụng khung gầm xe cơ thiết giáp M-113, do công ty quốc phòng Aselsan của Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.
Hệ thống ATILGAN được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay tầm thấp, gồm 2 bệ phóng với 8 ống phóng tên lửa FIM-92 Stinge cùng một súng máy 12,7 mm tích hợp, để tiêu diệt những mục tiêu trong vùng mù của tên lửa.
Tên lửa FIM-92 Stinger có chiều dài 1,52 m, đường kính 70 mm, trọng lượng phóng 15,2 kg. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn hướng hồng ngoại thụ động 2 chế độ, cho phép đối phó hiệu quả với các biện pháp gây nhiễu hồng ngoại; FIM-92 có tầm bắn hiệu quả từ 0,4-4,8 km; độ cao tiêu diệt mục tiêu tối đa từ 180-3.800 m; tên lửa sử dụng đầu nổ nặng 3 kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy.
Các bệ phóng được sự hỗ trợ của hệ thống quan sát quang điện tử đặt trên xe, cùng máy đo xa laser và hệ thống nhận dạng địch-ta; kíp chiến đấu gồm 3 người. Một tổ hợp bao gồm 3 xe chiến đấu, một xe chỉ huy với thiết bị liên lạc, phương tiện hỗ trợ kỹ thuật và phương tiện vận chuyển đạn tên lửa; tất cả hệ thống được kết nối qua mạng vô tuyến dựa trên thông tin nhận được từ hệ thống radar AN/ MPQ-64 Sentinel.
Tuy nhiên hiệu quả của các loại tên lửa phòng không cầm tay (MANPADS) Stinger thực sự không cao, khi gần đây, một cuộc tiến công bằng tên lửa loại này nhằm vào máy bay cường kích Su-25M của Nga đã bị thất bại.
Theo ghi nhận, cuộc tiến công bằng MANPADS Stinger từ một đài quan sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Kaminas. Tuy nhiên các phi công Nga đã được cảnh báo MANPADS đang tiến công và họ đã phóng các mồi bẫy hồng ngoại; máy bay an toàn trước cuộc tiến công.
Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Washington tăng viện hai hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot PAC-3 MIM-104; vị trí triển khai dự kiến tại tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp tỉnh Idlib của Syria, có nhiệm vụ bảo vệ đội hình chiến đấu của Thổ và quân nổi dậy Syria trước sự tiến công bằng không quân của Nga, tuy nhiên yêu cầu trên chưa được phía Mỹ chấp thuận.
Hiện nay máy bay chiến đấu của Nga thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở tỉnh Idlib từ độ cao ít nhất 6.000 m và tăng cường sử dụng vũ khí có điều khiển, phóng từ ngoài vùng hỏa lực phòng không; nhằm hạn chế sự đe dọa của các hệ thống phòng không tầm thấp như pháo phòng không và tên lửa vác vai FIM-92 Stinger.
Hiện nay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã có các hệ thống phòng không tầm xa S-400 mới mua của Nga. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ chưa độc lập sử dụng được hệ thống S-400, cũng như họ cần có thời gian để hiểu biết toàn diện và phân tích sâu về các thông số của S-400. Bên cạnh đó, việc Nga nắm thông số kỹ thuật, sẽ dễ dàng chế áp nếu S-400 xung trận.
Trong bối cảnh Mỹ chưa sẵn sàng chi viện hệ thống phòng không, với việc chỉ triển khai hệ thống phòng không tầm thấp đến Idlib có lẽ là một quyết định khá phiêu lưu của lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ; khi các loại vũ khí phòng không của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không đủ sức chế áp lực lượng không quân Nga - Syria.
Video Tên lửa phòng không vác vai Stinger của Mỹ - Nguồn: QPVN
Tiến Minh