Đưa phương tiện xanh thay xe dùng nhiên liệu hóa thạch

Hà Nội và các đô thị lớn trên cả nước đang chú trọng phát triển phương tiện xanh gần gũi với môi trường.

Tuy nhiên, việc phát triển phương tiện xanh chủ yếu vẫn tập trung vào phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), còn xe cá nhân với tỷ trọng áp đảo lại chưa có những biện pháp thúc đẩy chuyển đổi một cách hữu hiệu.

Người dân chưa mặn mà

Cùng với sự xuất hiện của tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng điện và khí nén CNG, mạng lưới VTHKCC của Hà Nội đang được xanh hóa một cách nhanh chóng. Theo lộ trình đến năm 2035, toàn bộ xe buýt thay mới của
Hà Nội sẽ phải sử dụng năng lượng xanh. Bên cạnh đó, taxi, xe ôm cũng đang tích cực chuyển đổi sang xe sử dụng điện. Đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với giao thông và môi trường của Hà Nội.

Tuy nhiên, nếu xem xét tương quan giữa phương tiện VTHKCC và xe cá nhân có thể thấy, quá trình xanh hóa phương tiện giao thông của Thủ đô còn bất tương xứng, chậm chạp ở nhóm đối tượng đông đảo nhất. Thực tế đó đòi hỏi TP cần quan tâm sâu sát hơn, có giải pháp tích cực hơn nữa để phát triển đều các loại hình phương tiện xanh.

Theo ước tính, Hà Nội hiện mới chỉ có khoảng 200 nghìn xe máy điện, vài nghìn ô tô điện, con số rất nhỏ so với hơn 8 triệu phương tiện cá nhân đăng lý lưu hành tại TP. Đại đa số người dân vẫn thờ ơ, thậm chí hoài nghi trước tính khả dụng và tiện lợi của xe điện, đặc biệt là ô tô.

Hai vấn đề lớn nhất khiến người dân ngần ngại đến với xe điện: trạm sạc và chất lượng xe. Với xe máy điện, phần lớn sử dụng nguồn sạc từ điện thông thường, nhưng lại có nguy cơ cháy nổ cao, hơn nữa thời lượng pin không ổn định, quãng đường sử dụng đường không dài, gây nên sự bất tiện nhất định.

Xe buýt điện hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Xe buýt điện hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Với ô tô điện, Hà Nội còn quá thiếu trạm sạc, chỉ thuận tiện cho các chủ xe điện sinh sống gần nơi đặt trạm. Mặt khác ô tô điện lại không thể sạc từ nguồn thông thường như xe máy điện nên khi hết pin trong lúc đang vận hành, chỉ còn cách… gọi cứu hộ.

Chất lượng xe điện cũng khiến người dùng chưa hẳn yên tâm. Xe máy điện có nguồn gốc xuất xứ đa dạng, dễ tìm mua, dễ sạc nhưng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao; khi vận hành cũng thiếu chắc chắn, an toàn hơn xe xăng. Ô tô điện vẫn đang khiến người dùng lo lắng khi thời tiết quá nóng bức, hoặc gặp các lỗi kỹ thuật mà gara sửa chữa xe xăng thông thường chưa chắc xử lý được, phải đưa vào hãng dẫn đến sự bất tiện cho người dân.

Vì những lý do đó mà đại đa số người dân chưa mặn mà với việc chuyển đổi phương tiện cá nhân sang xe sử dụng năng lượng điện. Thực tế cho thấy mới chỉ có khoảng 3% phương tiện cá nhân của Hà Nội giảm thiểu được tác động tiêu cực đến môi trường. Lượng khí thải và tiêu tốn nhiên liệu hóa thạch của 97% lượng xe còn lại vẫn là áp lực khổng lồ với đô thị Hà Nội.

Với phương tiện VTHKCC do TP đầu tư hoặc xem là điều kiện bắt buộc để cấp phép khai thác dịch vụ xe buýt, quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ có thể nhanh chóng và dứt khoát hơn. Chắc chắn hàng nghìn chiếc xe buýt, taxi xanh sẽ đem lại hiệu ứng tích cực cho môi trường không khí của Hà Nội, nhưng con số đó là quá nhỏ bé, khiêm tốn so với hàng triệu chiếc xe cá nhân vẫn sử dụng xăng dầu.

Nhiều TP lớn trên thế giới đã bắt đầu đưa ra lộ trình bắt buộc người dân chuyển đổi sáng phương tiện cá nhân sử dụng năng lượng sạch. Hà Nội cũng cần lưu tâm đến mục tiêu này, vạch ra một lộ trình phù hợp nhằm phát triển đồng đều các loại hình phương tiện giao thông xanh chứ không chỉ tập trung vào phương tiện VTHKCC.

Hạ tầng phải đi trước

Như đã nêu trên, hai hạn chế lớn nhất của xe điện là trạm sạc và chất lượng. Muốn khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện, trước hết
Hà Nội phải đầu tư vào hạ tầng trạm sạc, sửa chữa, bảo dưỡng để người dân được hưởng các điều kiện thuận lợi nhất khi dùng xe máy, ô tô điện.

Hiện mạng lưới trạm sạc xe điện tại Thủ đô còn rất thưa thớt, chủ yếu do một hãng xe điện trong nước đầu tư, chuẩn kỹ thuật khác biệt với xe điện nhập khẩu. TP cần có chính sách cụ thể, rõ ràng với vấn đề này. Muốn người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh, TP cần có quy hoạch cụ thể mạng lưới trạm sạc cho xe cá nhân giống như đã quy hoạch hệ thống điểm bán xăng dầu.

Có quy hoạch rồi, có thể kêu gọi các hãng sản xuất xe điện đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc để mở rộng vùng phục vụ khách hàng. Để khuyến khích các nhà đầu tư hơn, TP có thể xem xét miễn giảm một số loại thuế phí, bảo đảm nguồn cung điện cho hãng xe để họ có thêm động lực mở rộng các trạm sạc. Đặc biệt không nên hình thành các trạm sạch dành riêng cho một hãng xe, hay một nhà cung cấp nào. Mỗi trạm phải bảo đảm sạc được nhiều mẫu xe nhất có thể.

Về phía các DN sản xuất xe điện cần tích cực nghiên cứu, nâng cao chất lượng, thời lượng pin hơn để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mặt khác, ngoài trạm sạc, các điểm sửa chữa xe điện cũng cần được nhân rộng, phổ biến hơn để giảm thiểu phiền hà, bất tiện cho chủ xe khi gặp sự cố.

Một vấn đề khác quan trọng không kém là TP phải sớm đưa ra lộ trình chuyển đổi sang xe điện của mọi loại hình phương tiện. Đầu tiên là tàu điện, xe buýt, taxi… sau đó phải đến xe cá nhân. Nhưng lộ trình này chỉ nên tiến hành khi đã đầu tư cơ bản hạ tầng cho xe điện, bảo đảm không gây khó khăn cho người dân.

Một khi đã có hạ tầng đáp ứng nhu cầu, cũng như với phương tiện VTHKCC, TP có thể quy định chỉ cấp phép lưu hành cho phương tiện cá nhân mới nếu là xe sử dụng năng lượng sạch.

Đặc biệt với hơn 6 triệu xe máy cá nhân đang sử dụng xăng dầu như hiện nay, TP cần sớm có chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi. Bởi xe máy dễ dàng chuyển đổi hơn, chi phí thấp hơn và hiệu quả mang lại cho môi trường cao hơn. TP có thể xem xét giảm thuế phí, lắp đặt các trạm sạc công cộng cho xe máy điện… để người dân thuận tiện sử dụng và thấy có lợi hơn so với xe xăng, từ đó tự chuyển đổi.

Các hãng sản xuất xe điện cũng cần tập trung cho loại hình phương tiện hai bánh gần gũi với đời sống người dân nhất này. Nếu chất lượng xe, thời lượng pin của xe máy điện tốt hơn, chắc chắn hàng triệu người dân sẽ không ngần ngại chuyển đổi, từ bỏ xe máy xăng vừa tốn kém, vừa gây hại cho môi trường.

Có thể thấy, lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng sạch của Hà Nội và nhiều đô thị vẫn chưa chú trọng đều các loại hình, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực VTHKCC. TP cần xem xét, đưa ra một kịch bản đồng đều và khả thi hơn, dần dần thay thế cả nhóm phương tiện cá nhân sang xe nhiên liệu sạch.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-phuong-tien-xanh-thay-xe-dung-nhien-lieu-hoa-thach.html