Đưa quyền con người đến gần hơn với thế hệ trẻ
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đến với giới trẻ để những chủ nhân tương lai của đất nước có thể cất lên tiếng nói đấu tranh và xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ hơn.
“Ngọn đuốc” tiên phong
Báo cáo tổng hợp hưởng ứng Ngày Nhân quyền 10/12/2021 của UNICEF đã công bố những bài học rút ra từ hơn 150 đánh giá về các chương trình thanh niên, đặc biệt là về quyền tham gia và nhân quyền của giới trẻ, nhằm hỗ trợ chiến lược thanh niên của Liên hợp quốc (LHQ) đến năm 2030. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút giới trẻ vào các chương trình về quyền con người.
Báo cáo cũng chỉ rõ, khi được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, người trẻ có thể dẫn dắt các sáng kiến xã hội mang tính cách mạng, cả ở quy mô địa phương và toàn cầu. Điều này phù hợp với chiến lược của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về quyền con người cho giới trẻ, để các em dẫn đầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, từ đó lan tỏa những giá trị này trên trường quốc tế.
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đến giới trẻ không chỉ giúp các em hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của bản thân mà còn mở rộng tầm nhìn về các chuẩn mực quốc tế. Khi có cái nhìn khách quan, người trẻ sẽ có khả năng nhận diện và đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm quyền con người trong xã hội, từ đó trở thành những “ngọn đuốc” tiên phong trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam.
Chính vì vậy, công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền không chỉ là công việc truyền thông mà còn tạo ra một không gian đối thoại mở rộng để người trẻ Việt Nam có thể học hỏi và trao đổi với thanh niên từ các quốc gia khác về những vấn đề về quyền con người, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đặc biệt, trên các diễn đàn quốc tế do LHQ, ASEAN hay các tổ chức phi chính phủ khởi xướng, giới trẻ Việt Nam có thể mang đến những góc nhìn mới mẻ, đại diện cho một thế hệ trẻ năng động, hiểu biết, cầu tiến và hội nhập. Giờ đây, thế hệ trẻ vừa là người tiếp nhận thông tin vừa là người chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp vào các diễn đàn quốc tế về quyền con người.
Giới trẻ thường là lực lượng tiên phong trong các phong trào xã hội, từ việc bảo vệ môi trường, đấu tranh vì bình đẳng giới, đến việc thúc đẩy quyền con người. Công tác thông tin đối ngoại về quyền con người giúp các em nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người; từ đó, thích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ việc bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế, đến việc thúc đẩy các sáng kiến về môi trường, giáo dục, y tế.
Những tín hiệu đáng mừng
Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động tham gia và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế về nhân quyền như Liên hợp quốc, ASEAN và nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO). Những cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền giữa Việt Nam và các quốc gia, các phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ giúp Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết về quyền con người mà còn tạo kênh thông tin đối ngoại chính thức, giúp người trẻ Việt dễ dàng tiếp cận thông tin đáng tin cậy và toàn diện về các tiến bộ nhân quyền.
Việt Nam cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số và truyền thông xã hội nhằm thúc đẩy công tác tuyên truyền đối ngoại về quyền con người. Các trang web chính phủ như Cổng thông tin đối ngoại Việt Nam, Báo Nhân Dân, cùng các kênh truyền hình quốc gia như VTV4 đã phát triển nhiều chuyên mục, chương trình chuyên sâu về quyền con người và vấn đề nhân quyền quốc tế trên nhiều thứ tiếng khác nhau. Hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, và Zalo cũng được sử dụng rộng rãi nhằm triển khai nhiều chiến dịch truyền thông về quyền con người.
Trong lĩnh vực giáo dục, các nội dung về quyền con người phần nào được tích hợp vào chương trình giảng dạy và ngoại khóa từ cấp trung học đến đại học. Các trường đại học và tổ chức phi chính phủ trong nước tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi và sự kiện nhằm khuyến khích sinh viên nghiên cứu, phát biểu quan điểm về các vấn đề nhân quyền. Tiêu biểu, cuộc thi Mô phỏng Liên hợp quốc (Model UN) giúp học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về cơ chế bảo vệ quyền con người của LHQ, đồng thời phát triển kỹ năng tranh luận và giải quyết vấn đề.
Việt Nam cũng triển khai nhiều dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về quyền con người cho giới trẻ. Các tổ chức như UNICEF, UNDP và UN Women đã phối hợp với nhiều tổ chức trong nước triển khai chương trình tập huấn, chiến dịch truyền thông và hội thảo nhằm giúp giới trẻ hiểu rõ hơn về quyền con người, đặc biệt là quyền của trẻ em và phụ nữ.
Đặc biệt, không thể không kể đến sự tham gia của giới trẻ trong các chiến dịch bảo vệ quyền con người, đặc biệt là qua các phong trào xã hội và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. Nhiều bạn trẻ đã trở thành những nhà hoạt động xã hội, tham gia tích cực vào các dự án như "We are Able" do UNICEF triển khai tại Việt Nam, truyền tải thông điệp về bình đẳng giới và hòa nhập đến với cộng đồng. Thông qua các hoạt động này, không chỉ giới trẻ mà cả cộng đồng quốc tế cũng có cái nhìn đầy đủ hơn về nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.
Giải pháp thúc đẩy
Trong thời đại số hóa hiện nay, mạng xã hội là một trong những công cụ hiệu quả nhất để tiếp cận giới trẻ. Do đó, công tác tuyên truyền đối ngoại về quyền con người cần phải tận dụng các nền tảng phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram và TikTok để truyền tải thông điệp hiệu quả.
Các chiến dịch truyền thông về quyền con người cũng nên được thiết kế hấp dẫn, dễ hiểu, kết hợp hình ảnh, video và nội dung tương tác để thu hút sự chú ý của giới trẻ. Ngoài ra, bộ, ban, ngành khi triển khai chiến dịch truyền thông có thể tích cực mời các KOLs và influencers tham gia nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, giáo dục về quyền con người nên được tích hợp nhiều hơn trong các chương trình học ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học. Trong hội thảo “Kinh nghiệm giáo dục quyền con người trong giáo dục trung học” ngày 31/12/2019 do Ban điều hành Đề án Giáo dục quyền con người phối hợp với Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, các đại biểu đều nhất trí việc lồng ghép, tích hợp quyền con người vào chương trình học cần phải theo từng bước, có lộ trình chặt chẽ.
Ngoài ra, vấn đề quyền con người nếu muốn đưa vào chương trình học bậc trung học cần phải đảm bảo yêu cầu dễ đọc, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh và từng vùng miền trên cả nước, đồng thời có thể phát triển các tài liệu học tập sáng tạo, thân thiện với giới trẻ như video, infographics để nội dung trở nên sinh động và dễ hiểu hơn.
Hay trong bài viết “Giáo dục quyền con người cho thanh niên thích ứng bối cảnh mới”, TS. Lê Xuân Tùng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, cho rằng cần tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, của các tổ chức quốc tế (đặc biệt là LHQ) để thực thi hoạt động giáo dục quyền con người cho thanh niên Việt Nam. Sự hỗ trợ quốc tế trên phương diện ngân sách, chuyên môn kết hợp với sức mạnh nội tại của quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy giáo dục quyền con người cho thế hệ trẻ đạt hiệu quả cao nhất.
Tựu trung, việc đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đến với giới trẻ không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Giới trẻ chính là lực lượng tiên phong trong việc tiếp thu và lan tỏa những giá trị về quyền con người, không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn thế giới. Chính vì vậy, cần có những chiến lược và hành động cụ thể, hiệu quả để đảm bảo giới trẻ Việt Nam có thể hiểu, tôn trọng và chung tay bảo vệ quyền con người một cách tích cực.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dua-quyen-con-nguoi-den-gan-hon-voi-the-he-tre-290329.html