Đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả xóa mù chữ và chống tái mù
Để nâng cao hiệu quả chất lượng, tránh tái mù chữ cho người dân, Trường Tiểu học Yên Định (Bắc Giang) đã lồng ghép nhiều biện pháp để giảng dạy.
Những nguyên nhân tồn tại nạn mù chữ hiện nay
Theo cô Phạm Thị Yến Nga, giáo viên Trường Tiểu học Yên Định (Bắc Giang), mặc dù công tác xóa mù chữ đã được quan tâm, đẩy mạnh thế nhưng vẫn còn nhiều người dân ở vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa biết chữ hoặc bị “tái mù”.
Đánh giá ở góc độ giáo viên, cô Yến Nga đã chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái mù như việc triển khai chương trình còn mang tính hình thức, nhất là trong khâu điều tra số liệu thường không cập nhập và sai thực tế.
Độ tuổi xóa mù chữ theo quy định là 15- 60 tuổi nhưng thực tế đa số các học viên đều ở độ tuổi lao động chính trong gia đình (từ 35 tuổi đến 60 tuổi). Với độ tuổi này, khả năng ghi nhớ, tập trung lĩnh hội tri thức phần nào đó đã bị giảm.
Những bài học còn nặng từ sách vở, chưa gắn với đời sống và suy nghĩ của học viên nên khó tiếp thu, khó ghi nhớ.
Nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học chưa có sáng tạo, chưa phù hợp với tâm lý của học viên, chưa gắn vào cuộc sống thực tế, dễ dẫn đến đơn điệu nhàm chán, khó tiếp thu, nhanh quên.
Để khắc phục những khó khăn và triển khai chương trình xóa mù chữ hiệu quả, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Yên Định phối hợp với lãnh đạo địa phương cùng để xây dựng chương trình giảng dạy thiết thực, tạo hứng thú cho học viên ngay từ những buổi đầu.
“Trong buổi lễ khai giảng, nhà trường tổ chức long trọng, mời đại diện phòng Giáo dục, lãnh đạo địa phương để học viên đều nhận thức rõ được sự quan tâm của xã hội, các ban ngành đối với công tác xóa mù chữ để họ có thêm động cơ và mục tiêu học tập.
Giáo viên lớp xác định đúng đối tượng là các học viên đã cao tuổi, cần lắng nghe, động viên, tôn trọng trong quá trình học tập. Nhẫn nại trao đổi khi học viên chưa hiểu.
Bởi nhiều học viên cao tuổi, độ tuổi chậm tiếp thu, nhanh quên nên mỗi giáo viên cần nghiên cứu tìm phương pháp dạy học tạo hứng thú. Ví dụ hoạt động khởi động tôi cần tùy vào nội dung bài học để lựa chọn phần khởi động như tạo tình huống có vấn đề, hát “karaoke” theo ti vi trên lớp…, qua đó tôi nhận thấy học viên rất hứng khởi”, cô Yến Nga cho biết.
Cố gắng tạo thói quen về nhà ôn bài cho học viên
Để tăng hiệu quả trong quá trình học, cô Yến Nga và đồng nghiệp còn tổ chức các hoạt động khám phá kiến thức có nội dung gần gũi với cuộc sống ở địa phương; tổ chức cho học viên hoạt động nhóm, trao đổi cách giải quyết vấn đề.
"Ví dụ bài toán về nhiều hơn, ít hơn tôi tổ chức như sau: "cho hai học viên cùng bàn hỏi tuổi của nhau, sau đó tôi yêu cầu học tự tính xem họ hơn, kém nhau bao nhiêu tuổi và giải thích cách tìm….
Với cách tổ chức như vậy học viên rất có hứng thú, học sôi nổi, dễ nhớ. Sau đó tôi yêu cầu tiếp theo, mỗi học viên hãy liệt kê tuổi của người thân trong gia đình và tính toán xem họ hơn kém mình bao nhiêu tuổi. chỉ một hoạt động như vậy, học viên sẽ được luyện tập rất nhiều khả năng tư duy tính toán ở mức độ đơn giản.
Hay ở những tiết đọc, thay vì đọc bài trong sách giáo khoa, tôi lựa chọn những thông tin mang tính thời sự, phổ biến chính sách pháp luật nhà nước liên quan đến quyền lợi của học viên, tổ chức cho họ đọc và trình bày hiểu biết của họ”, cô Yến Nga cho hay.
Để học viên nhớ bài, sau mỗi mỗi bài học, cô Yến Nga và đồng nghiệp Trường Tiểu học Yên Định đã tạo cho học viên thói quen đọc báo, luyện viết, giao bài để luyện tập cùng người thân, con cháu.
Khuyến khích, hướng dẫn học viên họ sử dụng điện thoại thông minh để nhắn tin, đọc tin, tra google để tìm hiểu những thông tin lành mạnh, giúp ích cho sản xuất và đời sống.
Học viên qua đó nâng cao khả năng đọc hiểu, và khi kĩ năng đọc hiểu tốt thì khả năng vận dụng và ghi nhớ các kĩ năng toán, khoa học…cũng sẽ nâng lên rõ rệt đồng nghĩa với việc nguy cơ tái mù chữ được đẩy lùi.