Đưa sách đến với cộng đồng
Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.
Bà Mai Chi, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc - Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho hay, với vai trò là thư viện đứng đầu trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã duy trì mạng lưới thư viện cơ sở, đặc biệt là các tủ sách cơ sở, tủ sách tư nhân, các điểm bưu điện văn hóa xã, đồn biên phòng, tủ sách người có công với cách mạng và thư viện trường học trên địa bàn. Thư viện cũng sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm tạo sự kết nối, phối hợp chặt chẽ trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh, giúp người dân tiếp cận thông tin dễ dàng và chính xác, lan tỏa văn hóa đọc trong Nhân dân.
Đến thời điểm này, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 thư viện cấp tỉnh, 8 thư viện cấp huyện, 19 tủ sách, bao gồm tủ sách phường, xã, các trung tâm, bưu điện văn hóa xã và tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng. Cũng theo bà Chi, hàng năm, thư viện luân chuyển từ 200-300 bản sách trong vòng 6-12 tháng/1 điểm. Riêng năm 2023, đã luân chuyển và phục vụ 37 điểm, tổng lượt bạn đọc trên 30.000 lượt, tổng lượt tài liệu luân chuyển trên 150.000 lượt. Đặc biệt, đã xây dựng 2 tủ sách tại Hương Văn (thị xã Hương Trà) và Phú Hải (huyện Phú Vang). Cùng với đó, kết hợp Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện kiểm tra việc sử dụng tài liệu và phục vụ bạn đọc tại các tủ sách và thu hồi sách nếu tủ sách đó không phục vụ hiệu quả.
Với những tủ sách, hệ thống thư viện chừng đó vẫn chưa đủ, theo bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, để phát triển văn hóa đọc, tự thân mỗi người cần tự xây dựng cho mình thói quen đọc sách hàng ngày. Trong đó, phải lựa chọn những cuốn sách phù hợp với bản thân.
“Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành nên có chính sách đầu tư đồng bộ, thiết thực cho văn hóa đọc và tạo điều kiện về kinh phí, ngân sách để xây dựng và phát triển những mô hình thư viện thân thiện và phù hợp với từng địa phương. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc”, bà Oanh chia sẻ.
Người đứng đầu Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, cần phải có nhiều hoạt động về văn hóa đọc, khuyến đọc, phát động phong trào đọc sách trong trường học, gia đình, cũng như các cơ quan, tổ chức, tận dụng công nghệ để đa dạng hóa các loại hình phục vụ, tạo thêm hứng thú cho người đọc.
Bên cạnh đó, tăng cường xã hội hóa hoạt động thư viện, các dự án về sách, tạo điều kiện để mở rộng giao lưu, hợp tác và chia sẻ tài nguyên thông tin. Đồng thời, cần nghiêm khắc xử phạt đối với việc xuất bản sách giả, độc hại… để góp phần lan tỏa tình yêu với sách trong cộng đồng.
Bà Oanh cũng mong rằng, trong tương lai môn văn hóa đọc sẽ được đưa vào trường học. Điều này giúp học sinh có điều kiện tiếp xúc với sách, tìm hiểu về sách, rèn cho các em kỹ năng đọc sách và hình thói quen đọc sách, từ đó ươm mầm tình yêu của các em đối với sách. Điều này còn có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng, khuyến khích đọc sách, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp đọc sách hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để hình thành nên thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc ngay từ môi trường giáo dục. Từ môi trường này, văn hóa đọc sẽ lan tỏa ra cộng đồng và toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội học tập.
“Văn hóa đọc không chỉ là xây dựng thói quen đọc sách, mà đó còn là thái độ của của người đọc đối với sách. Đồng thời xây dựng khung chương trình, tổ chức cho trẻ tìm hiểu, học tập ngoại khóa tại các thư viện, bảo tàng... giúp trẻ có môi trường tìm hiểu, học tập về văn hóa, lịch sử, hình thành các thói quen đọc sách”, bà Oanh mong muốn.