Đưa sản phẩm hợp tác xã vươn xa
Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tăng cường hỗ trợ các HTX trên địa bàn phát triển sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của HTX, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản có tiềm năng, đặc trưng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thích ứng để phát triển
Toàn tỉnh hiện có 603 HTX đang hoạt động với tổng số hơn 107.802 thành viên. Với vai trò nòng cốt trong hỗ trợ thành viên, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp như: Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; trợ giúp tìm hiểu, nắm bắt, tiếp cận thị trường cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các HTX trong tỉnh; bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, thành viên HTX, cho vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện cho HTX chủ động bắt nhịp thị trường, tổ chức kế hoạch sản xuất, phát triển kinh doanh trong tình hình mới.
HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn là một trong những HTX có sản phẩm mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bà Phạm Thị Hạnh - Giám đốc HTX cho biết: “Với diện tích 30ha, trong đó có 12ha đạt chứng nhận VietGAP, việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX với các hộ dân sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua truy xuất nguồn gốc. Công suất chế biến của HTX đạt 50 tấn chè búp tươi/năm trở lên, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. HTX đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao: Chè Bát Tiên, chè Đinh đặc sản, chè Đinh Bát Tiên. Sản phẩm của HTX được khách hàng tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh biết đến, đặt mua, mang lại nguồn thu ngày càng ổn định cho các thành viên”.
Không chỉ có HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc năng động trong cơ chế thị trường, các HTX trên địa bàn tỉnh đã đổi thay nếp nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định. HTX đang là mô hình tổ chức kinh tế phù hợp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương và của tỉnh. Đồng thời, HTX đại diện cho các thành viên ký hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tổ chức sản xuất, tuân thủ quy trình kỹ thuật theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản.
Đến nay, toàn tỉnh có 85 HTX triển khai các hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, 100 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, 127 sản phẩm của 82 HTX được đánh giá phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, giá trị hàng hóa từ các sản phẩm OCOP tăng lên từ 15 - 20%.
Trong đó phải kể đến các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng như: Mì gạo Hùng Lô, chè Thành Nam, chè Long Cốc, chè Đá Hen, trà thảo mộc Liên Hoa Chi, trà thảo mộc Thanh Lâm... riêng mì gạo Hùng Lô, chè Thành Nam đã xuất khẩu sang thị tường Nhật Bản, Ả Rập Xê Út. Các HTX tiếp tục thực hiện chặt chẽ các quy chuẩn từ chất lượng đến bao bì đẹp mắt để sản phẩm OCOP ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên.
Thực tế cho thấy, từ chiến lược phát triển đa dạng hóa hàng hóa, nông sản theo nhu cầu thị trường, nhiều HTX đã làm tốt vai trò thúc đẩy hình thành các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với những sản phẩm chủ lực địa phương. Tuy nhiên, để khẳng định vị trí của mình, các HTX cần tiếp tục phát huy lợi thế về vùng nguyên liệu nông sản chất lượng; ổn định và mở rộng quy mô, nâng cao năng suất. Đặc biệt, việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vận hành, tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX trên địa bàn tỉnh.
Tích cực chuyển đổi số
Hiện nay, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ... đã tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, điều hành và trên 70% HTX ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Trong năm 2024, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục chủ trì thực hiện Dự án khoa học: Thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tại các HTX trên địa bàn tỉnh. Dự án đã triển khai hỗ trợ cho 14 HTX xây dựng hệ thống quản lý năng suất chất lượng, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi số. HTX đã được tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao thân thiện với môi trường... tạo chuyển biến trong tư duy về phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh tổ chức, phối hợp tổ chức 14 lớp tập huấn cho hơn 1.200 lượt học viên là cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX với các nội dung trọng tâm như: Nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị HTX; kỹ năng tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, đàm phán, kết nối thị trường tiêu thụ; xây dựng nhãn hiệu tập thể, hoàn thiện bao bì nhãn mác sản phẩm...
Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ các HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông của tỉnh; giới thiệu kết nối, đưa sản phẩm của 40 HTX tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT); kết nối HTX với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm; tổ chức, hỗ trợ 56 lượt HTX tham gia trưng bày, quảng bá 100 lượt sản phẩm tại hội chợ thương mại một số tỉnh, thành trong nước. Hỗ trợ vận hành, duy trì hoạt động các gian hàng của 50 HTX với gần 120 sản phẩm, dịch vụ hàng hóa trên sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ: giaothuong.net.vn.
Sáng tạo trong chuyển đổi số, HTX sản xuất và kinh doanh Liên Hoa Chi - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao được các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu; tạo lập các mã quét, mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng, phần mềm. Cùng với xây dựng thương hiệu, nhờ việc ứng dụng số đã giúp HTX lưu trữ hồ sơ thuận tiện, an toàn, giảm bớt giấy tờ, thời gian, nhân lực. Ngoài ra, áp dụng chuyển đổi số còn tạo tính minh bạch bởi khách hàng có thể biết được quy trình từ sản xuất đến chế biến sản phẩm... Thông qua mạng xã hội, sàn TMĐT, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của HTX như: Trà lá sen Hồng Sâm, trà rau má, trà tía tô... đã tiếp cận được nhiều khác hàng, thị trường tiêu thụ đa dạng. Đặc biệt, HTX đẩy mạnh việc thanh toán qua các nền tảng trực tuyến để thuận tiện hơn cho khách hàng.
Theo bà Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đồng hành với các HTX trong quá trình quản lý, điều hành phát triển kinh tế tập thể, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ HTX trong quá trình thực hiện chuyển đổi phù hợp với yêu cầu thị trường. Hỗ trợ nâng cao năng lực điều hành HTX, nhất là hỗ trợ, tạo đều kiện cho HTX chủ động bắt nhịp thị trường, tổ chức kế hoạch sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; phát huy nội lực để chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả trong quá trình quảng bá, sản xuất kinh doanh, quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ trong chế biến, sản xuất, tạo nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dua-san-pham-hop-tac-xa-vuon-xa-222122.htm