Đua tăng lãi suất huy động: Tiền sẽ 'chảy' nhanh vào các ngân hàng?
Mới đây nhất, kể từ ngày 2/5, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm và là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 5/2024 ngay sau kỳ nghỉ lễ.
16 ngân hàng tăng lãi suất huy động trong 1 tháng
Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất, ACB tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi. Trong đó quy định rõ các mức tiền gửi sẽ có lãi suất tương ứng, ví dụ như: Đối với mức gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất được niêm yết với kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2 điểm % là 2,6%/năm, 2 tháng tăng lên 2,8%/năm, 3 tháng tăng lên 3 %/năm. Ở kỳ hạn khác giữ nguyên, còn lãi suất 6 tháng tăng lên 3,6%/năm, 9 tháng là 3,9%/năm, 12 tháng là 4,6%/năm.
Đối với mức gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng, lãi suất được niêm yết với kỳ hạn 1 tháng tăng lên ở mức 2,65%/năm, 2 tháng là 2,85%/năm, 3 tháng là 3,05%/năm. Với mức gửi từ 5 tỷ đồng trở lên, lãi suất được niêm yết với kỳ hạn 1 tháng tăng lên là 2,7%/năm, 2 tháng là 2,9%/năm, 3 tháng là 3,1%/năm.
Trước đó, chỉ trong tháng 4, trên thị trường ngân hàng đã có 16 nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lại lớn như vậy.
Trong đó, VPBank và KienLong Bank là ngân hàng có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kì hạn. OceanBank là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm. Sau lần điều chỉnh này, thị trường bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi OceanBank nâng mức lãi suất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm.
Với sự nhập cuộc tăng lãi suất huy động của 16 ngân hàng, mặt bằng lãi suất đang xác lập mốc mới (ảnh minh họa).
Trong nhóm Big 4, VietinBank là ngân hàng duy nhất điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, ngân hàng này chỉ tăng lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng có khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng. Theo đó, ở kỳ hạn 1-11 tháng, mức tăng trung bình 0,2 điểm phần trăm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 1,9%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 2,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 11 tháng là 3,2%/năm. Đáng chú ý, lãi suất các kỳ hạn 24-36 tháng quay trở lại mốc 5%/năm.
Trước tháng 3/2024, thị trường ghi nhận làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm tại các nhà băng và đến nửa cuối tháng 3 mới có 4 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn. Theo khảo sát, 25 ngân hàng giảm lãi suất trong tháng 3, áp đảo số lượng ngân hàng tăng lãi suất.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Nhưng đến tháng 4, với làn sóng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, các chuyên gia cho rằng, lãi suất đã chạm đáy và bắt đầu đi lên.
Tiền nhàn rỗi sẽ “chảy” mạnh vào ngân hàng?
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán phập phù, giá vàng tăng cao chót vót, bất động sản đóng băng thì việc lãi suất huy động được điều chỉnh tăng thời gian gần đây được kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân sẽ “chảy” mạnh vào ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1/2024. Theo đó, tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm. Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165 nghìn tỷ so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Trước đó, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng đột biến hơn 457 nghìn tỷ đồng trong tháng 12/2023 lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư cũng giảm hơn 34,6 nghìn tỷ đồng trong tháng 1/2024 xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng dương 25 tháng liên tiếp trước đó. Tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Việc tiền gửi dân cư giảm mạnh trong tháng đầu năm 2024 có thể do mặt bằng lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục trong thời điểm này. Ghi nhận trên thị trường tháng 1-tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã xuống dưới 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, nhiều nơi chỉ huy động với lãi suất 4,5%/năm.