Đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển toàn diện - Bài 2: Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tiên phong, kiểu mẫu
Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green IP - 1) là khu công nghiệp đầu tiên được thành lập trong Khu kinh tế Thái Bình.
Trong 2 lần về thăm và làm việc tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn tỉnh Thái Bình cùng Nhà đầu tư hạ tầng sớm xây dựng Liên Hà Thái trở thành Khu công nghiệp tiên phong, kiểu mẫu, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động, với sứ mệnh tiên phong cùng khát vọng phát triển, Khu công nghiệp Liên Hà Thái dần khẳng định vị thế đầu tàu trong thu hút FDI vào tỉnh Thái Bình, trở thành hình mẫu về một khu công nghiệp xanh, sạch, thông minh, thân thiện với môi trường.
Tạo nhiều kỳ tích
Khu công nghiệp Liên Hà Thái được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 180/QĐ-TTg ngày 08/02/2021, được thành lập theo Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 17/02/2021 của UBND tỉnh Thái Bình. Đây là khu công nghiệp có diện tích gần 590 ha, Nhà đầu tư hạ tầng là Công ty cổ phần Green i-Park.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, Khu công nghiệp Liên Hà Thái là dự án mở đường thu hút đầu tư để xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực, tập trung cao cho Khu công nghiệp ngay từ những ngày đầu.
Ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Thái Bình cùng nhà đầu tư hạ tầng đã khẩn trương triển khai các phần việc. Xác định điểm nghẽn trong thực hiện các dự án là giải phóng mặt bằng, tỉnh Thái Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, huyện Thái Thụy - nơi có dự án đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, do Chủ tịch huyện làm Trưởng ban, giao nhiệm vụ cho 14 huyện ủy viên phụ trách các khu vực, gương mẫu, đi đầu, vận động cán bộ đảng viên, người thân, họ hàng bàn giao mặt bằng trước, người dân hưởng ứng theo sau.
Hàng tuần, Bí thư huyện ủy chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo, đánh giá kết quả, tiến độ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ nhằm bảo đảm đúng và vượt tiến độ đề ra. Nhờ đó, giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái trở thành một kỳ tích khi chỉ hơn 2 năm đã giải phóng được hơn 582 ha đất của 4 doanh nghiệp và hơn 3.600 hộ dân; trong đó, đất lúa hơn 3.200 hộ, đất chuyển đổi và đất bãi bồi ven sông 332 hộ, đất ở 64 hộ.
Đặc biệt, với cách làm bài bản, tâm huyết và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhiều hộ dân đã tự nguyện di dời phần mộ của gia đình, dòng họ đến các khu nghĩa trang tập trung mới được đầu tư xây dựng, nhường đất cho khu công nghiệp. Do vậy, huyện Thái Thụy di chuyển gần 2.000 ngôi mộ có chủ và vô chủ ra ngoài khu công nghiệp mà không để xảy ra khiếu kiện.
Sau khi có mặt bằng sạch, nhà đầu tư khẩn trương triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cây xanh, nhà máy xử lý nước thải tập trung….Cùng với đó tích cực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp.
Lĩnh xướng sứ mệnh tiên phong, không chỉ tạo kỳ tích trong công tác giải phóng mặt bằng, Khu công nghiệp Liên Hà Thái còn tạo kỳ tích trong thu hút đầu tư khi chỉ mới hơn 2 năm hoạt động, khu công nghiệp này đã thu hút được 16 dự án với tổng số vốn gần 1,3 tỷ USD từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…; trong đó, một số dự án lớn như: Dự án của Công ty TNHH Compal Electronics với 260 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Greenworks với 200 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Pegavision với 200 triệu USD… Đặc biệt, tập đoàn đồ uống lớn nhất Hàn Quốc là Hite Jinro chưa từng đầu tư ra nước ngoài, nay đã về xây dựng nhà máy sản xuất trị giá 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái.
Ông Phan Đình Dực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, ngay sau khi Khu công nghiệp Liên Hà Thái được phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Thái Bình cùng nhà đầu tư đã tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý, tổ chức giải phóng mặt bằng, khẩn trương xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư. Chỉ trong thời gian ngắn, Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã thu hút được nhiều dự án thứ cấp với quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thân thiện với môi trường
Ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Green i-Park cho biết, ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã định hướng, xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái thành khu công nghiệp tiên phong, kiểu mẫu, văn minh, xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Thực hiện mục tiêu trên, khi thu hút đầu tư, Công ty cổ phần Green i-Park đã chủ trương ưu tiên các dự án thuộc ngành công nghệ cao, công nghiệp lắp ráp điện tử, ứng dụng công nghệ xanh, sạch, không lựa chọn ngành nghề có xu thế không thân thiện với môi trường, khả năng gây ô nhiễm, tiêu hao quá nhiều năng lượng.
Để tạo cảnh quan xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, từ bước quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp, Nhà đầu tư hạ tầng đã dành tối đa quỹ đất cho cây xanh, mặt nước, cùng với các hệ thống ngầm và đường giao thông, tạo vùng đệm giữa Khu công nghiệp với khu dân cư. Đây cũng là hạng mục được Nhà đầu tư hạ tầng tổ chức thực hiện sớm nhất. Đến nay, hàng vạn cây xanh các loại đã được trồng, chăm sóc, phát triển tốt, tạo thành “lá phổi xanh” cho khu công nghiệp.
Thực hiện việc bảo vệ môi trường, nhà đầu tư hạ tầng đã quy hoạch, xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công nghệ hiện đại, tiên tiến, được thiết kế với tổng công suất xử lý 15.000 m3/ngày đêm, chia làm 3 giai đoạn, tùy theo tiến độ thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động. Hiện tại, chủ đầu tư đã hoàn giai đoạn 1, xây dựng 1 trung tâm xử lý có công suất 5.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Green i-Park còn xây dựng hệ thống kênh mương, hồ chứa nước vừa phục vụ cấp, thoát nước, phòng chống ngập úng vừa phòng cháy, chữa cháy, điều hòa nhiệt độ, cải thiện chất lượng không khí cũng như giảm tác động đến môi trường xung quanh, tạo diện mạo khu công nghiệp đẹp, hòa hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương.
Theo ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Green i-Park, ngoài công tác quy hoạch, xây dưng, năm 2023, công ty đã thành lập nhóm nghiên cứu để vận hành khu công nghiệp xanh, thông minh. Dự kiến tháng 5/2024 công ty sẽ khởi công xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái để phục vụ cho tòa nhà điều hành và các công trình hạ tầng do Công ty quản lý. Đây sẽ là dự án có tính chất biểu tượng để khuyến khích các Nhà đầu tư thứ cấp sử dụng năng lượng sạch phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phát triển bền vững.
Đến nay, 16 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp này đều là những dự án sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, linh kiện ô tô, thiết bị làm vườn … có công nghệ tiên tiến, hạn chế phát sinh rác thải, ít tác động đến môi trường.
Dự án Nhà máy Pegavision là một trong những dự án có quy mô lớn nằm trong Khu công nghiệp Liên Hà Thái với vốn đầu tư 200 triệu USD. Đây là nhà máy sản xuất và kinh doanh các sản phẩm quang học và thiết bị y tế, quy mô sản xuất 600 triệu sản phẩm/năm, được xây dựng trên diện tích 10 ha.
Ông Yang Te Sheng, Tổng giám đốc công ty chia sẻ, lý do để công ty lựa chọn đầu tư vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái không chỉ do có vị trí địa lý thuận lợi, giao thông kết nối mà còn có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, diện tích đất công nghiệp lớn cùng với đó là cam kết mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như đơn vị đầu tư hạ tầng về một khu công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Để tạo nên một Khu công nghiệp với nhiều kỳ tích như Liên Hà Thái, Green i-Park cũng trải qua nhiều khó khăn. Theo ông Lê Đình Đáp, thời gian đầu triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, khi chưa được sự tin tưởng của người dân địa phương và đối tác. Nhưng đến nay, sau khi các dự án được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, bộ mặt quê hương thay đổi, nhiều việc làm mới được tạo ra, các đối tác, người dân địa phương đã hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ nhà đầu tư.
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố, phát triển toàn diện Khu Kinh tế Thái Bình thành hạt nhân, trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là một trong bốn trụ cột tăng trưởng. Bởi vậy, việc xây dựng thành công một khu công nghiệp xanh, sạch, thông minh, thân thiện với môi trường, trở thành hình mẫu của Khu Kinh tế như Khu công nghiệp Liên Hà Thái đã và đang xây dựng không chỉ đáp ứng xu thế, mục tiêu trong quy hoạch mà còn là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Qua đó, hướng đến xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo vào năm 2050.