Đưa thanh toán số vào đời sống hàng ngày

Thanh toán số đang dần trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hàng ngày với số lượng giao dịch thanh toán không không dùng tiền mặt qua điện thoại di động và Internet lần lượt tăng trưởng khoảng 50-80% và 35-40% mỗi năm trong vòng 5 năm qua.

Thông tin này được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại diện một số doanh nghiệp nêu tại Sóng Festival – sự kiện chính của Ngày thẻ Việt Nam lần 2 – diễn ra ngày 16 và 17-4.

Ông Phạm Tiến Dũng – Phó thống đốc NHNN – cho biết việc tạo cơ hội để giới trẻ tham gia, tiếp cận, trải nghiệm các sản phẩm, hình thức thanh toán mới như thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán NFC, thanh toán qua mã QR, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile Banking, Internet … kết hợp với các giải pháp xác thực khách hàng qua sinh trắc học, bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – cho rằng thói quen tiêu dùng trên toàn cầu đã có sự dịch chuyển lớn từ khi dịch Covid-19 xuất hiện với công nghệ thanh toán số được ứng dụng tối đa để hạn chế các tiếp xúc trực tiếp.

Xu hướng này và những bước tiến về công nghệ đòi hỏi các ngân hàng, trung gian thanh toán, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) nỗ lực không ngừng trong việc nhanh chóng nắm bắt nhu cầu khách hàng, đón đầu xu hướng, tiếp cận các giải pháp mới để triển khai những sản phẩm dịch vụ thanh toán đáp ứng thị hiếu của người dùng.

“Đây chính là yếu tố tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ trong công nghệ thanh toán số”, bà Oanh nói.

Khách hàng trải nghiệm hoạt động thanh toán qua ứng dụng di động tại sự kiện.

Để thanh toán số trở thành một phần của đời sống, ông Dũng cho biết NHNN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối thanh toán với cổng dịch vụ công quốc gia và các dịch vụ khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Điều này, theo ông Dũng, đã tăng tính tiện ích, bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho khách hàng. Đồng thời, đưa thanh toán số dần trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hàng ngày.

Về phía các ngân hàng, ông Tô Đình Tơn – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – cho biết ngân hàng đã chính thức triển khai một sản phẩm thẻ tín dụng nội địa nhằm thực hiện mục tiêu kép là phổ cập tài chính toàn diện” và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tập trung vào nhóm khách hàng là sinh viên.

Sản phẩm này sẽ ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại nhất hiện nay cho phép trên cơ sở tích hợp hai ứng dụng thẻ ”ghi nợ” và ”tín dụng” trên cùng một con chip, giúp khách hàng chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp mà không phải cầm theo quá nhiều thẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết Vietcombank đã triển khai một số giải pháp thanh toán, gồm công nghệ thẻ chip không tiếp xúc (Contactless), thanh toán QR, mobile payment, SamsungPay, Smart POS, mở tài khoản trực tuyến ứng dụng e-KYC, phát hành thẻ online với các phương thức bảo mật tiên tiến.

Với những giải pháp này, khách hàng không cần trực tiếp đến các phòng giao dịch, nhưng vẫn được định danh và đăng ký sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng không cần chuẩn bị tiền mặt mà vẫn có thể thực hiện các giao dịch thanh toán nhanh chóng, tiện lợi.

“Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hay tới đây là đồng hồ, các thiết bị điện tử khác, khách hàng vẫn có thể thanh toán cho những giao dịch hàng ngày của mình”, bà Oanh nói.

Theo thống kê của NHNN, đã có hơn 1,8 triệu tài khoản và 1,5 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC.

Hoạt động TTKDTM qua các kênh điện tử cũng tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua với số lượng giao dịch qua điện thoại di động tăng 50-80% mỗi năm, qua Internet tăng 35-40% mỗi năm. Còn tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán tại ngân hàng bằng 66% dân số trưởng thành.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dua-thanh-toan-so-vao-doi-song-hang-ngay/