Đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng

Ngành Công Thương thời gian qua đã tổ chức kết nối các nhà phân phối và sản xuất, đưa nông sản, thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng thông qua hệ thống thương mại hiện đại. Để nông sản sạch 'phủ sóng' rộng hơn tại các hệ thống phân phối, việc cần làm là nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng.

Khách chọn mua nông sản tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm

Tăng hiện diện sản phẩm an toàn

Những năm gần đây, chị Vũ Thị Hằng (ở ngõ 49 phố Đức Giang, quận Long Biên) thường xuyên mua thực phẩm, nông sản tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. “Tôi chọn mua rau quả, thực phẩm tại các siêu thị vì sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan chức năng giám sát chất lượng”, chị Hằng chia sẻ.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng như chị Hằng đã chọn mua nông sản, thực phẩm có nhãn mác, thương hiệu, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đang hiện diện ngày càng nhiều tại hệ thống phân phối hiện đại. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Vincommerce (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích VinMart, VinMart+) Dương Thị Thanh Tâm, năm 2020, đơn vị này liên kết với hàng nghìn hộ sản xuất, cung ứng khoảng 100.000 tấn nông sản thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, các sản phẩm của Tập đoàn Masan như: Thịt công nghệ châu Âu Meatdeli, nông sản sạch tiêu chuẩn Nhật Bản VinEco; thực phẩm công nghệ VinMart Good... tiếp tục được giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng tại hệ thống 2.500 siêu thị, cửa hàng tại 54 tỉnh, thành phố. Riêng nhóm thực phẩm tươi sống được kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bởi các nhà cung cấp uy tín ở các địa phương.

Còn Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho hay, yêu cầu hàng đầu của hệ thống siêu thị này là nhà cung cấp bảo đảm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, kết hợp công nghệ sau thu hoạch. Bình quân hằng tháng, hệ thống Co.opmart tiêu thụ vài chục nghìn tấn nông sản, thực phẩm. Doanh số tiêu thụ của các hợp tác xã, hộ nông dân thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống qua Co.opmart đạt gần 1.200 tỷ đồng/năm.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, sau khi kết nối tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao hơn hẳn. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho biết, đến nay thực phẩm sạch thương hiệu Organic Green đã có mặt ở gần 40 siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Sản lượng tiêu thụ của công ty cũng tăng lên gần 30 tấn/tháng.

Giám đốc Trung tâm Giao dịch, phân phối nông sản và phát triển du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết Ngọc thông tin, sau gần 5 tháng kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị Big C và BRG, doanh thu của 50 doanh nghiệp cung ứng nông sản, hàng hóa tại Hà Nội đã tăng gần 6 lần, từ 300 triệu đồng/tháng hồi tháng 6-2020, nay đã lên 1,7 tỷ đồng.

Nỗ lực loại bỏ những rào cản

Nỗ lực đưa nông sản, thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối hiện đại là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát nguồn gốc cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch nên nông dân còn gặp khó khi kết nối với hệ thống phân phối hiện đại. Để giải quyết những bất cập trên, thời gian qua, ngành Công Thương đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà sản xuất phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, hàng loạt hội nghị, sự kiện kết nối đưa nguồn hàng thực phẩm an toàn, chất lượng vào hệ thống phân phối đã được tổ chức. Thông qua đó, hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận phương thức sản xuất hàng hóa hiện đại, còn hệ thống siêu thị có thêm nguồn hàng chất lượng.

Tại Hà Nội, hằng năm thành phố đều tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với 53 tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối trên địa bàn. Tính từ năm 2014 đến nay, trên 200 sự kiện, hội chợ, tuần hàng nông sản đã được Hà Nội tổ chức. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dự báo nhu cầu nông sản tăng từ 3-20% theo từng nhóm hàng. Nhưng nhờ hoạt động kết nối, các đơn vị phân phối đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú từ các tỉnh, thành phố để đáp ứng nhu cầu người dân.

Tuy nhiên, để đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, chất lượng sản phẩm phải được chú trọng. Giám đốc Trung tâm Giao dịch, phân phối nông sản và phát triển du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết Ngọc chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đầu tư hệ thống kho bãi, vận chuyển, bảo quản”. Còn Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết, doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền chăn nuôi, giết mổ, chế biến khép kín.

Khẳng định tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng mô hình sản xuất sạch và kết nối hình thành chuỗi cung ứng nông sản, hàng hóa an toàn qua các hệ thống phân phối hiện đại; đồng thời tạo thêm cơ chế hỗ trợ người sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hà Thư

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/983656/dua-thuc-pham-sach-den-nguoi-tieu-dung