Đưa thương hiệu ''Cà phê Di Linh'' xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh

Sau năm 12 nhãn hiệu 'Cà phê Di Linh' được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận, 'Cà phê Di Linh' vẫn chưa xứng tầm với danh xưng là 'thủ phủ' cà phê của Lâm Đồng. 2 năm qua, huyện Di Linh đang nỗ lực xây dựng 'Cà phê Di Linh' thành thương hiệu có uy tín, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường để xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Sân phơi đạt chuẩn là một phần quan trọng trong quy trình chế biến, góp phần nâng cao chất lượng cà phê

Sân phơi đạt chuẩn là một phần quan trọng trong quy trình chế biến, góp phần nâng cao chất lượng cà phê

Di Linh - “thủ phủ” cà phê của Lâm Đồng

Từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đến Lâm Đồng đã mang theo cây cà phê. Di Linh là vùng đất bazan màu mỡ được chọn làm thủ phủ của tỉnh Đồng Nai Thượng xưa với khí hậu, thổ nhưỡng, độ cao phù hợp với cây cà phê, người Pháp đã lập nên những đồn điền cà phê trên vùng đất này với quy mô từ 100 ha trở lên/đồn điền. Người dân phần lớn làm thuê cho các đồn điền của Pháp và bắt đầu học trồng cà phê. Nếu trước năm 1975, Di Linh chỉ có 750 ha cà phê thì trong giai đoạn đổi mới (từ cuối thế kỷ 20 vào đầu thế kỷ 21) đến nay, diện tích cà phê của huyện phát triển nhanh chóng, cây cà phê được khuyến khích phát triển, diện tích cà phê dần tăng lên. Năm 1984, toàn huyện trồng được 350 ha, năm 1985 trồng được 600 ha, năm 1986 trồng được 1.500 ha... Cùng với đó là chính sách khuyến khích phát triển cây cà phê vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện định canh định cư, xóa đói giảm nghèo của huyện, trong đó có giải pháp huyện tổ chức gieo ươm cây giống rồi cung cấp tận nơi cho bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trồng mới, diện tích cà phê không ngừng tăng. Cao điểm là năm 1994 - năm “hoàng kim” của cây cà phê khi giá cà phê tăng lên đến 45.000 đồng/kg cà phê nhân, diện tích cà phê cũng vì thế mà tăng như vũ bão. Có năm toàn huyện trồng mới từ 3.500 ha - 4.000 ha. Dân từ nhiều địa phương khác cũng về Di Linh trồng cà phê đã đưa Di Linh thành một vùng chuyên canh cây cà phê. Đến năm 2010 diện tích cà phê của toàn huyện là 41.527 ha và đến nay là 44.000 ha (bằng 1/3 diện tích trồng cà phê của Lâm Đồng).

Tuy nhiên, do diện tích cà phê phát triển khá nhanh mà không theo quy hoạch nào, cơ cấu giống chưa hợp lý, quy trình trồng và chăm bón chưa đồng bộ, chưa khoa học, chưa phân loại cà phê, sản phẩm chủ yếu là cà phê xô nên giá thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Với chủ trương không phát triển thêm diện tích, mà đi sâu tập trung vào thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế bằng cơ giới hóa, mở rộng thủy lợi phòng chống hạn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất bình quân hiện nay khoảng 2,5 - 3 tấn cà phê nhân/ha/năm, tổng sản lượng cà phê của huyện đạt 120.000 tấn/năm. Quá trình hình thành vùng chuyên canh cây cà phê đã cho ra đời nhiều cơ sở rang xay, chế biến cà phê thành thức uống nổi tiếng như: cà phê Zili, Phu Đoan, Duy Khánh, cà phê HTX chất lượng cao Di Linh, Thuần Trịnh, Linh Vũ, Nguyệt… Toàn huyện có 25 doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh chế biến cà phê, xuất khẩu ước đạt 10 triệu USD/năm.

Trong xu thế hội nhập, việc xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín, chất lượng, nâng tầm nông sản, mở rộng thị trường là vấn đề sống còn. Đưa nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” ngày càng tiến xa trên thị trường quốc tế bằng chất lượng không chỉ còn là vấn đề lợi nhuận, hiệu quả kinh tế, mà còn là niềm tự hào của Nhân dân huyện Di Linh - nơi mà hơn 100 năm qua cây cà phê đã bám rễ ở đất này.

Áp dụng khoa học công nghệ thâm canh theo chiều sâu, tăng năng suất chất lượng cà phê là chủ trương của huyện

Áp dụng khoa học công nghệ thâm canh theo chiều sâu, tăng năng suất chất lượng cà phê là chủ trương của huyện

Phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh”

Được sự hỗ trợ của Sở KHCN Lâm Đồng, sau 2 năm triển khai Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh”, UBND huyện Di Linh đã nỗ lực từng bước xây dựng thương hiệu. Từ đó, đã thiết lập được cơ chế quản lý và phát triển nhãn hiệu “Cà phê Di Linh”, xây dựng hệ thống văn bản, quy trình, thủ tục thực hiện quản lý nhãn hiệu bảo đảm việc kiểm soát chất lượng cho nhóm cà phê chế biến trên địa bàn huyện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm; tổ chức đánh giá và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện.

Huyện đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Cà phê Di Linh”, đồng thời ban hành bảng chỉ tiêu chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh”. Cụ thể, đối với cà phê nhân phải: có màu đặc trưng của nhân cà phê (vàng - xanh), có mùi đặc trưng của cà phê nhân, không có mùi lạ; độ ẩm tối đa 12,5%; tỷ lệ lẫn cà phê loại cho phép là dưới 3% với cà phê chè và dưới 1% với cà phê mít; các chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thực hiện nghiêm theo tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm do Bộ Y tế ban hành. Chỉ tiêu chất lượng đối với cà phê chế biến rang xay phải: có màu nâu đỏ; mùi thơm đặc trưng hương trái cây, caramen, không có mùi lạ; vị đắng thanh, chua nhẹ, mặn, ngọt nhẹ sau nếm; dạng bột, mịn, không vón cục; độ ẩm không lớn hơn 5%; hàm lượng chất tan trong nước không nhỏ hơn 25%; hàm lượng caphein không nhỏ hơn 1%...

Cây cà phê phủ lên Di Linh một màu xanh trù phú

Cây cà phê phủ lên Di Linh một màu xanh trù phú

Trong năm 2020, UBND huyện Di Linh đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” cho 6 doanh nghiệp chế biến cà phê đủ điều kiện, gồm: Công ty TNHH Phu Đoan (Thôn 8, xã Liên Đầm), HTX Nông nghiệp Chất lượng cao Di Linh (93.Đăng Rách, Gung Ré), Công ty TNHH Duy Khánh (thị trấn Di Linh), Doanh nghiệp tư nhân Can (Thôn 9, Tân Châu), Công ty TNHH ABRO Cà phê (thị trấn Di Linh), Cơ sở chế biến cà phê Thuần Trịnh (thôn Tân Phú 2, Đinh Lạc). Huyện đã hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đưa “Cà phê Di Linh” đến người tiêu dùng qua các hội chợ kết nối cung cầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, triển lãm giới thiệu sản phẩm tại địa phương. Từ đó giúp sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Di Linh” được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu trên địa bàn huyện luôn tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, thực hiện các cam kết nhằm duy trì, bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín, niềm tin cho khách hàng, đưa “Cà phê Di Linh” thành thương hiệu mạnh bằng chính chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Hoàng (Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Chất lượng cao Di Linh) cho biết: “Người tiêu dùng uống “Cà phê Di Linh” thấy ngon, quay lại tìm mua cà phê do HTX sản xuất, làm cho tôi tự hào và tự thấy mình phải nỗ lực khẳng định thương hiệu bằng uy tín và chất lượng sản phẩm. Cà phê của HTX được chế biến từ cà phê trồng hữu cơ, rang mộc 100%, không tẩm ướp pha trộn với bất cứ hương liệu tổng hợp nào, không chất bảo quản, vị thơm đậm đặc mang hương vị cà phê tự nhiên”. Nhờ những doanh nghiệp như ông Hoàng, khách hàng đã dần nhận diện, tin tưởng và ưu tiên lựa chọn các sản phẩm mang thương hiệu “Cà phê Di Linh”, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, hương vị và vệ sinh an toàn thực phẩm, dần chinh phục thị trường.

Ông Hàn Văn Chúc - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Di Linh cho biết: Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ, quản lý chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường; huyện sẽ tập trung thâm canh cây cà phê theo chiều sâu, không phát triển thêm diện tích, trồng thay thế diện tích cà phê già cỗi, quan tâm chọn giống, cải tạo giống cho năng suất, chất lượng cà phê thơm ngon, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, chế biến để khẳng định thương hiệu, đảm bảo uy tín của sản phẩm, đưa nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202102/dua-thuong-hieu-ca-phe-di-linh-xung-tam-voi-tiem-nang-the-manh-3042489/