Đưa thương hiệu cà phê Sơn La ra thị trường thế giới
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Nhà máy chế biến cà phê, Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La (thuộc Tập đoàn Phúc Sinh) đặt tại bản Mạt, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) đã tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương và liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ sản xuất. Tính riêng năm 2020, Công ty đã thu mua 11.000 tấn cà phê tươi; tiêu thụ, xuất khẩu gần 3.500 tấn cà phê nhân sang thị trường các nước.
Ảnh: PV
Anh Trương Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La, cho biết: Chúng tôi đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ về cây cà phê ở Sơn La. Hiện, Sơn La có khoảng trên 17.600 ha cà phê, sản lượng quả năm 2020 ước đạt trên 180.000 tấn. Diện tích, sản lượng lớn, chất lượng tốt, tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La còn nhiều hạn chế. Với kinh nghiệm của một nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam, Phúc Sinh đã đầu tư, xây dựng nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến với mong muốn cung cấp cà phê Arabica Sơn La phục vụ cho thị trường xuất khẩu, tiêu dùng Việt Nam và tiến tới nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Hiện nay, Công ty đang có 30 lao động trực tiếp và 40 lao động gián tiếp. Hệ thống dây chuyền sản xuất chủ yếu là tự động hóa. Việc sản xuất diễn ra cả năm nhưng cao điểm từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Nhà máy chế biến cà phê có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Xưởng sản xuất, hệ thống xử lý nước thải, nhà làm việc... Phân xưởng chế biến quả cà phê tươi được đầu tư máy móc đồng bộ, thế hệ mới nhất, đăng ký bản quyền sáng chế tại Mỹ của Tập đoàn Penagos- Columbia, Tập đoàn số 1 thế giới về máy chế biến cà phê, cho phép sản xuất khép kín từ quả cà phê tươi theo phương pháp ướt có công suất 20.000 tấn quả tươi/năm; khu xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, hiện đại rộng 2.600 m² có công suất 200 m³/ngày, đêm.
Công ty chú trọng đầu tư cho vùng trồng hữu cơ của người dân. Năm 2020, Công ty đã phối hợp, hỗ trợ 634 hộ dân tại các xã: Chiềng Ban, Chiềng Dong, Chiềng Ve của huyện Mai Sơn xây dựng vùng nguyên liệu cà phê thực hiện các yêu cầu của chuẩn UTZ. Theo đó, các cán bộ kỹ thuật của Công ty trực tiếp đến hỗ trợ người dân áp dụng quy trình chăm sóc, tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách sử dụng các hóa chất nông nghiệp vi sinh, kiểm soát côn trùng dịch hại tổng hợp (IPM), cách thức thu hái, phơi cà phê an toàn, cách đóng gói nguyên liệu, vận chuyển đến kho, góp phần mở rộng vùng trồng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản lượng, tương xứng với tiềm năng vùng Tây Bắc.
Là một trong những hộ trồng cà phê được Công ty hướng dẫn kỹ thuật, ông Tòng Văn Kiêm, bản Sàng, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) cho biết: Gia đình tôi trồng cây cà phê từ năm 1994 đến nay. 2 năm nay, được Công ty tập huấn về cách chăm sóc cây cà phê, năng suất và chất lượng cà phê của gia đình có sự thay đổi rõ rệt. Cà phê làm ra được công ty mua hết với giá cao và ổn định.
Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La đi vào hoạt động không chỉ mang lại niềm vui cho người trồng cà phê về việc bao tiêu sản phẩm, mà còn góp phần đưa thương hiệu cà phê Sơn La vươn ra thị trường thế giới. Thời gian tới, Công ty tiếp tục đồng hành cùng nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, ổn định thu mua, chế biến sâu, nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị và xuất khẩu sản phẩm cà phê Sơn La.