Đưa thương hiệu hàng hóa Thanh Hóa ra thị trường quốc tế

Thanh Hóa hiện có hơn 300 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, đưa hàng hóa sang 68 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 6,3 tỷ USD, Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu. Tận dụng tốt cơ hội 'mở' của thị trường, các DN đang tiếp tục cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá, xúc tiến để đưa hàng hóa 'made in Thanh Hóa' chinh phục thêm nhiều thị trường mới.

Tiến Nông giới thiệu sản phẩm Siêu Đạm Tiến Nông tới đối tác quốc tế tại sự kiện HAN Asia 2025. Ảnh: Hoàng Duyên

Tiến Nông giới thiệu sản phẩm Siêu Đạm Tiến Nông tới đối tác quốc tế tại sự kiện HAN Asia 2025. Ảnh: Hoàng Duyên

Triển lãm Horti Agri Next Asia 2025 (HAN Asia 2025) - sự kiện hàng đầu về công nghệ nông nghiệp và làm vườn tại châu Á diễn ra từ ngày 12 đến 14/3 vừa qua tại Bangkok (Thái Lan) đã thu hút đông đảo nhà đầu tư và DN từ khắp nơi trên thế giới. Tại triển lãm này, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã tham gia triển lãm với những giải pháp dinh dưỡng cây trồng tiên tiến, thu hút đông đảo khách tham quan và đối tác quốc tế. Cũng tại sự kiện này, công ty đã có những buổi làm việc trực tiếp với các đối tác từ Thái Lan, Nhật Bản, Hà Lan và một số nước châu Âu nhằm tạo tiền đề cho những dự án hợp tác phát triển trong tương lai. Tiến Nông cũng đã tham gia các hội thảo chuyên ngành tại sự kiện, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất phân bón và giải pháp dinh dưỡng cây trồng.

Thông qua chuỗi sự kiện, sản phẩm Siêu Đạm Tiến Nông đã tạo được sự chú ý đặc biệt từ các đối tác Thái Lan. Các đối tác đã đánh giá cao tính ưu việt của sản phẩm, đặc biệt là sự kết hợp giữa khoa học công nghệ tiên tiến và dinh dưỡng cân bằng, giúp giảm chi phí phân bón nhưng vẫn bảo đảm năng suất cao. Nhiều DN trong ngành đã bày tỏ mong muốn hợp tác cùng Tiến Nông để đưa sản phẩm này ra thị trường quốc tế.

Theo đại diện Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, tham gia sự kiện này, ngoài mong muốn mở rộng kết nối với các đối tác quốc tế, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu mới nhất, DN cũng đồng thời học hỏi từ các DN hàng đầu trong ngành để tiếp tục cải tiến sản phẩm, mang lại giá trị tốt nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam và khu vực. Đây cũng là cơ hội để DN tiếp cận thị trường quốc tế, kết nối với đối tác tiềm năng và nắm bắt xu hướng ngành.

Cùng với “khai phá” thị trường mới, nhiều DN trong tỉnh tiếp tục tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường truyền thống. Điển hình như từ cuối năm 2024 đến nay, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã xuất khẩu thành công sang thị trường Singapore dòng sản phẩm gạo Japonica J02, được sản xuất từ giống lúa thuần có nguồn gốc Nhật Bản. Ông Trần Xuân Trung, Phó Giám đốc phụ trách Thương mại xuất nhập khẩu, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, cho biết: "Sản phẩm gạo Japonica J02 được trồng theo quy trình nông nghiệp công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn VietGAP và đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Hiện nay, DN hướng tới đối tác lớn là Công ty Kematsu của Nhật - nhà kinh doanh gạo lớn thứ 2 của Nhật Bản. Sau Singapore, DN hướng tới chinh phục thị trường Úc và Nhật Bản".

Tàu cập Cảng Nghi Sơn đưa sản phẩm xi măng, clinker thương hiệu Long Sơn xuất khẩu. Ảnh: Tùng Lâm

Tàu cập Cảng Nghi Sơn đưa sản phẩm xi măng, clinker thương hiệu Long Sơn xuất khẩu. Ảnh: Tùng Lâm

Đầu năm 2025, những chuyến tàu tấp nập cập Cảng Tổng hợp Long Sơn Bãi Ngọc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn tiếp tục đưa sản phẩm xi măng, clinker thương hiệu Long Sơn tới các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... Hiện sản phẩm của Công ty Xi măng Long Sơn đã xuất khẩu thành công sang các quốc gia như Mỹ, Brunei, Singapore, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, Australia, Bangladesh và một số nước châu Phi... Đặc biệt, sản phẩm ngày càng được mở rộng tiêu thụ tại thị trường Mỹ - một trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới, đã góp phần tăng trưởng doanh thu, giảm áp lực tiêu thụ nội địa, đồng thời là cơ hội để công ty hoàn thiện, trang bị và áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, tạo cơ hội cho thương hiệu sản phẩm của công ty tiếp tục vươn xa trên thị trường quốc tế.

Theo đại diện Sở Công Thương, hoạt động xuất khẩu không chỉ mang lại nguồn ngoại tệ và góp phần tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo điều kiện để DN nâng cao trình độ quản trị, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Hiện nay, sở đang tiếp tục đồng hành cùng DN trong hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối giao thương và tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đang có bước đầu tư hạ tầng

logistics, nâng cấp các cảng biển và khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để DN thực hiện hoạt động xuất khẩu. Các DN cũng cần chủ động, không ngừng nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, thích ứng với xu thế phát triển xanh, bền vững và các quy định khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu để nắm bắt các cơ hội mới.

Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dua-thuong-hieu-hang-hoa-thanh-hoa-ra-thi-truong-quoc-te-243990.htm